TTCK qua 3 tháng đầu năm: Chuẩn bị cho ngày bùng nổ

Thứ hai, 12/4/2010 | 14:12 GMT+7
 TTCK đã hoạt động được khoảng 2 tháng kể từ Tết âm lịch đến nay, nói chung thị trường đã bớt đi mầu ảm đạm của năm 2009.

Đối với Việt Nam, hơn 3 tháng nay thị trường vẫn loanh quanh ở ngưỡng trên dưới 500 điểm, tức là mới ở ngưỡng khoảng 40% so với đỉnh đã đạt được so với thời kỳ 2 năm trước.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã qua giai đoạn sơ khai nhưng đại bộ phận các nhà đầu tư vẫn mang nặng tâm lý đánh quả, nhịp đầu tư và lên xuống của thị trường sẽ theo các báo cáo quí và hiện nay là giai đoạn mọi người đang chờ đợi kết quả kinh doanh quí 1 của các công ty, theo dự báo kết quả này thực tế này sẽ không mấy khả quan vì nền kinh tế của chúng ta còn có nhiều khó khăn do các nguyên nhân sau:

Vốn lưu động hiện nay đang thiếu, một trong những biểu hiện của nó là lãi suất huy động và lãi suất cho vay tăng cao, tăng cao tới ngưỡng mà nhiều doanh nghiệp phải vay ở lãi suất thỏa thuận lên tới gần 18%, với mức lãi suất này, hầu hết các doanh nghiệp để phấn đấu có lãi khoảng 10% là rất khó.

Thị trường xuất khẩu đang chưa có bước đột phá mạnh về doanh số, tình trạng chung vẫn là ế ẩm do các nước đang thắt chặt chi tiêu sau khủng hoảng, không những thế, để hạn chế nhập khẩu, tăng cường tiêu dùng hàng trong nước, để tạo công ăn việc làm và lo an sinh toàn xã hội, các nước đang có khuynh hướng tạo ra các hàng rào phi thuế quan để hạn chế nhập khẩu.

Hiện nay, kỳ vọng của thị trường nói chung là thấp, bằng chứng là tại các ngưỡng cả kỹ thật hay các ngưỡng hỗ trợ cả hai lực, lực cản và hỗ trợ đều rất mạnh, biên độ dao động đang yếu dần đi… và kết thúc của chuỗi thời gian này hy vọng là một cuộc bùng nổ đầu tư đại diện cho giai đoạn hậu khủng hoảng.

Với diễn biến tâm lý như vậy, giai đoạn vừa qua thị trường rất ít các điểm nén, nhà đầu tư giao dịch không sôi động, thậm chí có phần uể oải và hầu hết mọi người sẽ lập tức mua vào hay bán ra khi thị trường có biểu hiện xấu, tốt trong ngắn hạn, hầu như ít người để ý tới tính tích cực của thị trường sau khủng hoảng, hầu hết vẫn còn hoài nghi.

Cùng với đà phục hồi kinh tế toàn thế giới, đương nhiên kinh tế của Việt Nam cũng sẽ hồi phục, để có được sự phục hồi ấn tượng thị trường chứng khoán Việt Nam cần các yếu tố tiên quyết sau:

Chính sách nới lỏng tiền tệ của Chính phủ, bơm tiền cho toàn thị trường trong đó có thị trường chứng khoán.

Lãi suất cho vay phải giảm để đảm bảo các doanh nghiệp vay tiền của ngân hàng kinh doanh có lãi.

Hiệu quả đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp phải có lãi ổn định và bền vững, điều này sẽ quan hệ chặt chẽ tới sự phục hồi kinh tế toàn thế giới.

Với các thông tin đáng tin cậy khác, chúng ta có thể dự đoán sẽ không còn lâu nữa thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bùng nổ, khoảng thời gian này được tính toán và dự đoán là sau ngày 1-5… và dĩ nhiên khởi động cho nhịp tăng điểm này, giới phân tích vẫn cho rằng giới tài chính ngân hàng vẫn không thể thiếu được trong nhóm dẫn đầu.

Theo: Stox Plus