Sự kiện

Tái định cư Thủy điện Sơn La: Cuộc sống mới trên quê hương mới

Thứ hai, 17/5/2010 | 13:52 GMT+7

Mặt trời đã treo nóc nhà, người già đã ngồi uống rượu với nhau, phụ nữ chăm sóc đàn gia cầm mang từ bản cũ sang. Một vài quán xá đã mọc lên bán đồ thiết yếu phục vụ dân bản. Cuộc sống mới hiện dần.

 
Bản Chiềng Yên, xã Chiềng Cọ là nơi ở mới của 62 hộ, 242 khẩu - Ảnh Chinhphu.vn/Quang Trung

Tỉnh Sơn La đã hoàn thành công tác di chuyển dân khỏi vùng ngập lòng hồ công trình Thuỷ điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, tỉnh xác định đây mới là bước đầu trong quá trình thực hiện dự án di dân, tái định cư thuỷ điện Sơn La, nhiệm vụ  tiếp theo là ổn định đời sống và điều kiện phát triển sản xuất lâu dài, bền vững cho các hộ tái định cư là hết sức nặng nề.

Được chọn quê hương mới

Ông Lò Ngọc Ón, Phó trưởng ban quản lý dự án tái định cư tỉnh cho biết, ngay từ những năm 2003, tỉnh đã tổ chức cho đại diện các bản đi thăm và tìm hiểu, được giới thiệu kỹ về vùng đất sẽ trở thành quê hương của họ để bà con tự chọn. Có nhiều hộ phi nông nghiệp đã chọn khu tái định cư đô thị gần thành phố Sơn La, các hộ còn lại chọn những vùng có đất để canh tác.

Ở tất cả các điểm tái định cư, tỉnh Sơn La quan tâm nhất là cân đối đất sản xuất và nước, sau đó mới làm đường giao thông và đưa dân đến. Mỗi hộ tái định cư được phân 400m2 đất nhà ở, còn đất sản xuất chia theo nhân khẩu.

Khi di chuyển đến điểm tái định cư, các hộ được ứng trước tối đa 30% số tiền trên tổng giá trị được đền bù nhà. Khi dựng xong nhà, tiếp tục được thanh toán nốt số còn lại. Giá trị đền bù nhà ở cho hộ tái định cư từ 2-4 người/hộ là 50 triệu đồng. Hộ có trên 4 khẩu cứ thêm 1 người được cộng thêm 10 triệu đồng.

Ngoài ra, sau khi chuyển đến nơi ở mới, những hộ tái định cư được hỗ trợ lương thực bằng tiền có giá trị tương đương 20kg gạo/người/tháng trong thời gian 2 năm, được hỗ trợ sản xuất với mức 10 triệu đồng/nhân khẩu, hỗ trợ 5 triệu đồng/lao động cho chi phí đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, mua sắm phương tiện lao động.

Tạo lập cuộc sống mới

Bản Chiềng Yên, xã Chiềng Cọ là nơi ở mới của 62 hộ, 242 khẩu di dời từ bản Chiềng Yên xã Pacma huyện Quỳnh Nhai từ năm 2005. Do tái định cư sớm nên cuộc sống nơi đây đã vào nền nếp.

Để xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, 3 tỉnh Sơn La, Điện Biện và Lai Châu phải di chuyển hơn 18.000 hộ dân, trong đó, tỉnh Sơn La phải di chuyển 12.479 hộ dân; ổn định đời sống và tổ chức sản xuất cho trên 7.000 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Tổng vốn đầu tư dự án di dân và tái định cư là 10.294 tỷ đồng.

Đường vào các dãy nhà thẳng tắp, hàng cột điện hạ thế được thi công chuẩn, mỗi hộ gia đình có một công tơ điện  đặt trong tủ composite. Cả bản có một trường học cấp cơ sở và mẫu giáo. Dưới chân cầu thang của các hộ, bà con đã trồng cây rau, thả con gà. Hộ nào cũng có một bể chứa chừng 10-15 khối nước. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là dưới sàn nhà của các hộ có từ 1 đến 2 xe máy mới toanh.


Theo Trưởng bản Lò Văn Nê, 44 tuổi, bản cũ dân ở rải rác, đi lại khó khăn,  muốn ra thành phố phải đi đò qua sông Đà, mùa nước lũ chỉ còn cách trèo lên cây. Ở bản cũ đàn ông thì săn bắt con thú con chim, phụ nữ thì trồng lúa trồng bắp, ít trẻ con đến trường và không có điện để xem tivi, không ai biết đi xe đạp vì không có đường mà đi và cũng không có tiền mua.

“Nay ở bản mới có nhiều thứ lắm, có cái nước tự chảy vào bể, có cái điện sáng cái nhà, và xem phim suốt ngày, nhà nào cũng có 1-2 xe máy”, ông Nê khoe.

Giải thích cho chúng tôi về số tiền mua xe máy, ông Nê nói: “Tiền đền bù di dân đó”.

Thế đất trồng cây của các hộ ở đâu? Ông chỉ tay về phía trước bản, thủng thẳng trả lời: mỗi khẩu được 2.000m2 tha hồ trồng cây, mùa nào cây đó. Chúng tôi nhìn theo tay ông, cây ngô đã lên xanh cao dần theo thế đất tít tắp tận chân núi.

Mặt trời đã treo nóc nhà, người già đã ngồi uống rượu với nhau, phụ nữ chăm sóc đàn gia cầm mang từ bản cũ sang. Trẻ con nô đùa trên bậc thang nhà sàn. Mấy sơn nữ nhìn thấy khách lạ, đỏ bừng mặt cười e lệ. Một vài quán xá đã mọc lên bán đồ thiết yếu phục vụ dân bản. Cuộc sống mới hiện dần.

Tạm biệt Chiềng Yên khi mặt trời gác núi, chúng tôi mang theo câu nói của trưởng bản “đó chỉ là bề nổi của cuộc sống tái định cư thôi”.

Mầm xanh trên quê hương mới (bản Mường Chiên, Thuận Châu) - Ảnh Chinhphu.vn/Quang Trung

Bỡ ngỡ trước cuộc sống mới

Đến bản Mường Chiên, xã Phổng Nái, huyện Thuận Châu, chúng tôi đã phần nào hiểu thêm về “bề chìm” của cuộc sống tái định cư.

Bản Mường Chiên mới định cư từ năm 2007, bản có 65 hộ, cũng điện đường trường trạm, khuôn viên quanh nhà của bà con rau lên xanh mướt, góc nhà cũng có khu vệ sinh tự hoại.

Lò Văn Lự làm trưởng bản từ năm 1998, lên đây vẫn được bà con bầu làm trưởng bản. Ông kể cho chúng tôi nghe: Năm 2002 biết bản tôi trong diện giải tỏa, tôi và bà con cũng hoang mang lắm, đã bao đời dân bản gắn bó với mảnh đất quê hương, giờ phải di dời đến nơi mới liệu đến bao giờ mới an cư được.

Là trưởng bản đại diện cho dân, ông Lự đề nghị với huyện cho đi thăm và chọn nơi ở mới cho bản. Đây chính là nơi ông Lự và một số bà con đã chọn. Hồi mới đến bà con không quen khí hậu nên ốm luôn vì ở bản cũ thì nóng còn ở đây lạnh quanh năm. Hồi mới đến đây, người già cứ ngẩn ngơ vì nhớ quê cũ, đám thanh niên có tiền đền bù mua sắm đủ thứ từ xe máy đến điện thoại di động, đám phụ nữ không có suối để tắm giặt cũng thắc mắc trưởng bản.

"Khi đến quê mới cái gì cũng mang theo, chỉ có con suối là không mang được. Trưởng bản nhớ tiếng suối và thèm con cá suối lắm".

Thế nhà vệ sinh tốt thế kia dân bản có thích không? Trưởng bản cười hiền: Cũng không thích lắm đâu, không sướng bằng đi vào rừng nhưng cán bộ dự án nói là dùng nhà vệ sinh này chống ô nhiễm môi trường gì đó nên phải chấp hành. 

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên khi thấy nhà nào cũng có vườn mận lúc lỉu quả chín tím trĩu  cành và dưới tán mận là chè xanh đang cho búp.

Vũ Huy Hùng, Trưởng ban quản lý di dân huyện Thuận Châu giải thích: Vùng này nguyên là bản của đồng bào di cư từ Thái Bình những năm 1960- 1961. Vườn mận, vườn chè này cũng của họ trồng trọt chăm bẵm hàng chục năm. Do tích cóp được ít tiền nên người thì hồi hương, người thì xuống TP Sơn La, người thì ra mặt đường số 6 kinh doanh buôn bán.

Họ đã nhượng đất đai vườn tược cho ban tái định cư để chia cho bà con. Đây cũng là nghĩa cử cao đẹp cùng chung tay lo việc lớn của đồng bào mình. Và do có vườn chè vườn mận nên bà con có đồng ra đồng vào.

Hùng cho biết thêm do khí hậu vùng này mát mẻ hợp với việc trồng cây nông sản hàng hóa nên ban dự án đã hướng dẫn cho bà con trồng chè, cà phê, song cây ngô vẫn là cây chủ lực, vì loại cây này cho năng suất cao không mấy khi bị rớt giá. Hiện nay trong địa bàn huyện đã có một số công ty thu mua nông sản cho bà con nên không sợ được mùa xuống giá như chỗ ở cũ.

Vũ Huy Hùng cho biết, huyện xác định phải luôn sát cánh với dân bản để xử lý kịp thời những phát sinh vướng mắc, hướng dẫn bà con trồng cây, lo phân bón, hướng dẫn chăn nuôi và lo cả khâu phòng dịch bệnh.

Đúng là Thuận Châu đất tốt khí hậu trong lành mát mẻ lại có những cán bộ dự án hết lòng vì dân, như vậy mới xứng đáng với sự hy sinh của bà con khi phải rời bỏ quê hương xứ sở để nhường đất cho một dự án thủy điện lớn nhất nước.

Theo: (Chinhphu.vn)