Quản lý năng lượng

Tại sao phải sử dụng điện tiết kiệm?

Thứ bảy, 10/6/2023 | 13:25 GMT+7
Việt Nam đang sử dụng năng lượng lãng phí, và còn nhiều dư địa tiết kiệm điện. Tiết kiệm điện là trách nhiệm của mỗi cá nhân trước cộng đồng, xã hội và Tổ quốc.

Tập huấn "Người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả".

 

Sáng 10/6, tại thành phố Đà Nẵng, Trung ương Hội bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam phối hợp với Sở Công Thương Đà Nẵng, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) tổ chức Tập huấn “Người tiêu sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả”.

Ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: hiện nay, cùng với tình trạng khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, thì việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… là một trong những hướng quan tâm phát triển. Mặt khác, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ cho ngành điện mà cho sự tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh của Việt Nam. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh năng lượng, hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Theo bà Lê Thị Phương Cẩm – Phó Tổng Giám đốc EVNCPC, hiện khu vực miền Bắc đang phải tiết giảm sử dụng điện, do nhu cầu vượt cao hơn lượng nguồn cung.

Tại khu vực miền Trung, EVNCPC đang bán điện đến 4,1 triệu hộ gia đình và 0,5 triệu khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên. 5 tháng đầu năm 2023, mặc dù chưa phải là cao điểm nắng nóng, nhưng công suất cực đại đã tăng 6,7%, sản lượng ngày cao nhất là 77,6 triệu kWh, tăng 7,62%, điện tiêu thụ từ đầu năm đến nay tăng 5,85% (chủ yếu ở khách hàng tiêu dùng, ngành công nghiệp đang giảm sử dụng điện). Nghĩa là nhu cầu tăng cao, nhưng nguồn phát điện không tăng.

“Vấn đề tiết kiệm tiêu thụ điện là rất cấp thiết, tại thời điểm này và những năm tới, để giải quyết vấn đề cơ bản là người tiêu dùng có điện để sử dụng trong tương lai. Tiết kiệm điện là tiết kiệm tiền điện phải trả, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu…., hơn hết, tiết kiệm điện là góp phần ổn định sự phát triển kinh tế, đời sống-xã hội”, bà Cẩm nói.

Theo ông Trần Viết Nguyên – Phó Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện tại Việt Nam, tiêu dùng điện cho sản xuất, kinh doanh đều đang ở mức cao, trong khi tăng trưởng kinh tế (GDP) mới chỉ bằng một nửa. Điều này cho thấy Việt Nam đang sử dụng năng lượng lãng phí so với thế giới và vẫn còn dư địa để tiết kiệm điện rất nhiều. Ông Nguyên cho biết, hiện điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt chiếm hơn 90% sản lượng điện tiêu thụ, vì vậy, thực hành tiết kiệm điện cần tập trung vào sản xuất và sinh hoạt. “Mỗi cá nhân cần thực hiện tốt tiết kiệm điện để phát triển bền vững. Tiết kiệm điện là trách nhiệm của mỗi cá nhân trước cộng đồng, xã hội và Tổ quốc”, ông Nguyên nói.

Làm rõ thêm nội dung này, ông Trần Huỳnh Vương Hoài Vũ – Đại diện Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, thống kê từ dữ liệu của WB cho thấy cường độ tiêu thụ điện trên GDP của Việt Nam đang cao gấp hơn 2 lần so với Thái Lan, gấp 2,5 lần so với Philippines. Điều này cho thấy việc sử dụng năng lượng tại Việt Nam còn lãng phí.

Theo ông Trần Huỳnh Vương Hoài Vũ, hiện nay pháp luật về sử dụng năng lượng điện tiết kiệm hiệu quả đã khá hoàn thiện. Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt khi liên tục có các chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện.

Tại thành phố Đà Nẵng, nhu cầu sử dụng điện tăng dần qua các năm, thành phố đã liên tục ban hành các quyết định, kế hoạch về quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. "Tháng 7/2023, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng”- ông Vũ cho biết.

Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, tiết kiệm điện là trách nhiệm chung của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện. Đối với các đơn vị điện lực cần vận hành tối ưu các nhà máy điện, lưới điện truyền tải, phân phối nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng sơ cấp và giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống; Xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện chương trình tiết kiệm điện hàng năm và giai đoạn; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, báo cáo trình các cấp thẩm quyền ban hành cơ chế tài chính cho phép việc hạch toán chi phí của hoạt động thúc đẩy tiết kiệm điện và giá thành sản xuất kinh doanh; tư vấn cho khách hàng về tiết kiệm điện; giảm tổn thất điện năng…

Về phía các khách hàng sử dụng điện (các hộ gia đình và doanh nghiệp) cần chủ động có kế hoạch tiết kiệm điện; các doanh nghiệp tuyên truyền tiết kiệm điện đến từng người lao động; sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng, kiểm toán năng lượng; sử dụng năng lượng điện mặt trời; tăng các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện…

“Để tiết kiệm 1 đơn vị điện năng sẽ tốn ít chi phí hơn so với tạo ra 1 đơn vị điện năng phải đầu tư hệ thống truyền tải. Vì vậy, cần coi điện là một tài nguyên như các dạng năng lượng sơ cấp khác. Tiết kiệm điện mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng để mỗi một hành động nhỏ sẽ mang lại ý nghĩa lớn”, Đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng nói.

Link gốc

 

Theo: Báo Công thương