Sự kiện

Thắp sáng cao nguyên

Thứ sáu, 13/11/2009 | 09:30 GMT+7

Chúng tôi trở lại Bảo Lộc vào những ngày cơn bão số 11 vừa quét qua, bầu trời cao nguyên lại xanh lồng lộng. Từ TP Hồ Chí Minh đi bằng ô tô đến Bảo Lộc là chặng đường gần 200km, muốn lên Đà Lạt phải đi thêm 110km nữa.

Trước nay, nhiều người vẫn thấy gần gũi, quen thuộc với cái tên Đà Lạt, chỉ đến khi có công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, Bảo Lộc mới trở nên quen thuộc hơn với nhiều người.

 Dự án thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi có công suất 475MW với sản lượng điện bình quân hàng năm là 1,6 tỷ kWh. Nguồn vốn đầu tư cho dự án do Chính phủ Nhật Bản cho vay ODA 85% thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế (JBIC) và 15% vốn đối ứng trong nước. Đây là công trình nguồn điện đầu tiên được thực hiện theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế phần thi công công trình chính, đấu thầu trong nước với xây lắp đường dây và trạm. Dự án gồm 2 nhà máy là thủy điện Hàm Thuận và Đa Mi, cách nhau 10km nằm ở thượng nguồn sông La Ngà, là một nhánh của hệ thống sông Đồng Nai thuộc tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng. Tổ máy thứ nhất của Nhà máy Đa Mi đã được phát điện năm 2001, sau tổ máy thứ nhất của Nhà máy Hàm Thuận 2 ngày. Do nước ở hồ Đa Mi hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình vận hành các tổ máy của Nhà máy Hàm Thuận, nên nếu Hàm Thuận không chạy máy thì Đa Mi chỉ chạy được trong vòng 24 giờ. Hệ thống điều khiển của nhà máy đều tự động, có thể điều khiển từ Nhà máy Hàm Thuận, do vậy các ca trực vận hành chỉ cần 5 người.

Dự án thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi đã được nghiên cứu từ những năm 1960 và mãi đến những năm 1990 mới được xây dựng (thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi là dự án lớn nhất ở phía Nam). Giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi - Nguyễn Trọng Oánh cho biết, qua hơn 8 năm vận hành, nhà máy thủy điện đã đóng góp cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng 12,5 tỷ kWh.

Trụ sở làm việc của Ban quản lý dự án giờ đã bàn giao cho bên vận hành là Công ty Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi. Với hơn 30km đường ngoắt ngéo trong núi, nhưng chưa đầy một giờ chúng tôi đã có mặt tại Nhà máy Hàm Thuận. Năm nay, lưu lượng nước về Hàm Thuận bình quân 23,94m3/s đạt tần suất 20,03% nên việc vận hành khá kinh tế. Theo kế hoạch giao, năm 2009 công ty sản xuất 2,56 tỷ kWh, nhưng tính đến giữa năm công ty đã thực hiện được 56,53% kế hoạch và chưa xảy ra sự cố nào phải ngừng máy. Ngoài việc phát điện, công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi còn góp phần bổ sung nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt trong mùa khô cho vùng hạ du sông La Ngà, nhất là các huyện Tánh Linh và Đức Linh của tỉnh Bình Thuận, đồng thời gia tăng lưu lượng dòng chảy đến hồ Trị An trong mùa khô, góp phần tăng thêm sản lượng của Nhà máy thủy điện Trị An. Nối tiếp những công trình bậc thang trên dòng sông La Ngà, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Đại Ninh. Công trình Đại Ninh cung cấp cho hệ thống điện quốc gia với công suất 300MW và điện lượng trung bình hàng năm là 1.178 triệu kWh. Dự án Đại Ninh chuyển nước từ lưu vực sông Đồng Nai sang thượng nguồn sông Lũy  (thuộc tỉnh Bình Thuận) với lưu lượng thiết kế là 55,4m3/s nhằm cải tạo 40.000ha đất nông nghiệp đang có nguy cơ bị "sa mạc hóa" ở Bình Thuận.

Mỗi khi đến với nhà máy thủy điện ở nơi đây, nằm giữa núi rừng thâm u, tôi càng hiểu rằng, những công nhân vận hành đã và đang sống thật thầm lặng. Họ là những người thắp sáng cho cao nguyên. 

Thanh Mai