Thị trường điện lực: Mục tiêu và thách thức

Thứ tư, 11/10/2006 | 00:00 GMT+7

Một thị trường điện lực đã và đang hình thành tại Việt Nam với mục tiêu đa dạng hóa sở hữu, tạo môi trường thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh doanh và bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới của đất nước. Cũng chính vì vậy, ngành điện đang đứng trước những thách thức về công tác tổ chức, vận hành thị trường này.

 

                                              

Dưới định hướng của Nghị quyết 9 Ban chấp hành TƯ về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật của Quốc hội và Chính phủ (Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…), một thị trường điện lực mới đang hình thành với thành phần tham gia là các nhà máy điện, các Công ty truyền tải điện, các công ty phân phối điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Trong thị trường này, EVN vẫn đang nắm phần lớn tài sản, năng lực sản xuất…, từ đó tác động không nhỏ đến gần như toàn bộ các đặc điểm của thị trường này (giá bán điện, cơ chế điều độ, điều khoản của các hợp đồng mua bán điện dài hạn đã ký…). Để bảo đảm sự minh bạch trong các hoạt động cạnh tranh, cũng như thể hiện được qui luật cung-cầu trong phản ứng của thị trường về giá và các quyết định đầu tư, không thể không xây dựng một hệ thống chặt chẽ các quy định về vận hành thị trường dựa trên những nguyên tắc cơ bản, nhằm bảo đảm các mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn phát triển.

Nguyên tắc đầu tiên, cũng là mục tiêu quan trọng nhất, thị trường phải tạo được môi trường cạnh tranh rõ ràng trong khâu phát điện nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như trách nhiệm đối với chủ sở hữu của các nhà máy điện. Trong cơ chế thị trường, người sản xuất và cung cấp điện phải quan tâm đúng mức đến đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả vận hành nhằm mục tiêu giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả tài chính. Hiện nay, tài sản của ngành điện chủ yếu vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, cơ chế quản lý tổ chức tập trung nên trách nhiệm đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển của các nhà máy điện còn nhiều hạn chế. Cơ chế mới trong thị trường cạnh tranh đòi hỏi từng đơn vị phải tự cân bằng thu-chi, chịu trách nhiệm  bảo quản tài sản, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng để kết quả hoạt động kinh doanh gắn liền với sự tồn tại của các doanh nghiệp, thu nhập của các thành viên.

Một nguyên tắc quan trọng khác: thị trường phải tạo được môi trường hấp dẫn và khuyến khích các nhà đầu tư. Theo tính toán của giới chuyên môn, với tốc độ phát triển phụ tải ở mức 13-15%/năm, trong vòng 5-7 năm tới ngành điện sẽ phải có khối lượng đầu tư tương đương 50 năm vừa qua, hoặc là khoảng 2 tỷ USD/năm cho đến 2020, một sức ép rất lớn về tài chính. Thị trường điện lực cạnh tranh nhất thiết phải có những quy định cụ thể để EVN, trong vai trò nắm giữ phần lớn tài sản thị trường, không thể sử dụng những ưu thế này khống chế và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên tham gia cũng như lợi ích của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, sự hình thành của thị trường điện lực cũng phải bảo đảm cân bằng giữa cung và cầu về điện năng cho nền kinh tế quốc dân. Ngành điện có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, sự phát triển nhu cầu sử dụng điện tạo ra những mâu thuẫn trong qui luật cung-cầu: nền kinh tế quốc dân cần ngành điện phát triển, để ngành điện phát triển cần vốn đầu tư dẫn đến giá điện cao, nếu giá bán điện thấp sẽ làm mất khả năng thu hồi vốn, không phát triển ngang tầm với nhu cầu của nền kinh tế. Lời giải cho mâu thuẫn này là việc áp dụng giá điện cạnh tranh, một cách tạo ra sự cân bằng tự nhiên nhu cầu sử dụng điện, lợi nhuận của nhà sản xuất và các đơn vị cung cấp điện. Do vậy, đối với thị trường điện Việt Nam, các công ty điện lực cần có trách nhiệm tạo cân bằng cung-cầu thông qua tín hiệu giá mua – bán điện của mình để phát triển khách hàng và đầu tư, căn cứ vào nhu cầu thực tế trong địa bàn của mình.

Theo các nguyên tắc trên, mô hình thị trường điện lực Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức chủ yếu là: Bảo đảm cân bằng giữa sự cạnh tranh, sự điều tiết, mệnh lệnh và sự kiểm soát thông qua cơ cấu giá cũng như các qui định thích hợp; đồng thời phải quản lý được những rủi ro có thể nảy sinh trong quá trình triển khai (an toàn hệ thống điện bị ảnh hưởng, cơ cấu giá của các nhà máy điện độc lập không hợp lý, tín hiệu thị trường không hấp dẫn đầu tư, thu nhập thấp dẫn đến mất khả năng trả nợ hoặc hoàn vốn cho nhà đầu tư…), nghĩa là xác định được các rủi ro có khả năng xảy ra, lượng hóa được các rủi ro đã xác định, đề ra biện pháp nhằm tối thiểu những tổn thất do các rủi ro đó gây nên.

Những thách thức này có thể bước đầu giải quyết thông qua một số điểm mấu chốt: Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia phải là một cơ quan độc lập với EVN, hoạt động vì quyền lợi bình đằng của tất cả các bên tham gia thị trường điện lực; quá trình mở rộng thị trường đối với các nhà đầu tư ngoài EVN chỉ nên chính thức bắt đầu khi các tài liệu pháp lý đã được chuẩn bị đủ để xử lý các quan hệ; các kế hoạch triển khai theo giai đoạn cần được chuẩn bị kỹ lưỡng với khung thời gian khoảng 10-15 năm; tách các khâu Phát điện-Truyền tải-Phân phối để xác định thành phần chi phí trong giá điện; công khai các hợp đồng, thỏa thuận mua bán điện và có cơ chế giám sát rõ ràng quá trình đàm phán; hạn chế sử dụng các hợp đồng dài hạn để tránh làm giảm kích thước thị trường và sai lệch qui luật cung-cầu; theo dõi sát sao khả năng tài chính của EVN; đánh giá đúng mức việc trao đổi điện năng với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia…

Kim Hoa