Trước mắt, có thể nhận thấy, xây dựng thị trường điện sẽ hoá giải nhiều khó khăn cho ngành điện. Chẳng hạn như những tồn tại, khó khăn trong cả khâu mua điện từ các đơn vị phát điện và khâu bán buôn điện cho các cty điện lực.
Khó với người ngoài...
Điều khiến các nhà đầu tư bên ngoài ngán ngẩm khi đầu tư vào xây dựng nhà máy điện có lẽ là chặng đường gian nan trong đàm phán giá mua điện với EVN. Nếu nhìn bề ngoài có thể cho rằng, EVN gây khó dễ cản trở nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện việc mua điện của EVN đối với các nhà máy điện quả thật còn tồn tại nhiều bất cập khiến cho tự bản thân EVN cũng sa vào tình thế “mua dây buộc mình”.
Hiện nay, EVN mua điện theo các hợp đồng mua bán điện (PPA) được ký trực tiếp hoặc uỷ quyền cho các cty Điện lực ký và thực hiện PPA đối với các cty phát điện. Các cty Điện lực cũng có thể trực tiếp ký PPA đối với các nhà máy điện nhỏ theo hình thức tự cân đối tài chính. Cũng vì sự “đa dạng” này nên các PPA nói chung không thống nhất về nội dung các điều khoản hợp đồng. Điều tất yếu, quá trình thực hiện mua bán điện gặp phải rất nhiều khó khăn do những khác biệt về phương thức gía điện, bao tiêu sản lượng, bao tiêu nhiên liệu, phương thức điều độ... Thậm chí, các điều khoản của PPA đôi khi khó hiểu hoặc không rõ ràng nên gây ra tranh chấp giữa các bên khi thực hiện hợp đồng.
Đặc biệt, đối với các dự án mới, ký kết PPA còn khó khăn hơn do chưa quy định được khung giá phát điện nên không có căn cứ để các chủ đầu tư và bản thân EVN tiến hành đàm phán, dẫn tới đàm phán kéo dài. Mặt khác, do chi phí đầu tư ngày càng tăng dẫn đến giá thành cao trong khi giá điện bán ra của EVN không thay đổi nên việc đạt được thoả thuận về giá mua bán điện với các chủ đầu tư càng khó khăn hơn. Ngoài ra, một số quy định chung về các tiêu chuẩn kỹ thuật như Quy định Đấu nối lưới điện, Quy định Đo đếm điện năng... chưa được ban hành cũng dẫn tới khó khăn trong đàm phán các điều khoản kỹ thuật của hợp đồng.
Khó với chính mình!
Không chỉ các nhà đầu tư ngoài ngành kêu trời vì thương thuyết giá bán điện cho EVN mà bản thân công tác bán buôn điện cho các cty Điện lực của EVN cũng gặp khó khăn không kém. EVN bán buôn điện năng cho các Cty Điện lực thông qua hệ số đo đếm ranh giới tại các nhà máy điện, các trạm biến áp truyền tải với trên 500 điểm đo đếm và tổng sản lượng điện bán buôn lên đến gần 50 tỷ kWh/năm. Gần đây nhất, năm 2005 con số này là 48,7 tỷ kWh. Về tính pháp lý, hoạt động bán buôn điện của Tcty bán điện cho các cty Điện lực, kể cả các CTy TNHH 1 thành viên Điện lực đều mang tính điều hành trong nội bộ của Tcty thông qua quy chế, các quyết định giao kế hoạch và các văn bản chỉ đạo nghiệp vụ. Việc thể hiện bằng hợp đồng mua bán điện giữa Tcty với các cty vốn trước đây đã từng có nhưng chủ yếu chỉ mang tính hình thức do thiếu hẳn vế- thực hiện các điều khoản thưởng phạt trong hợp đồng. Vì thế, trong nhưng năm gần đây không thực hiện hợp đồng nữa. Phải đến tháng 8 năm nay, hình thức ký hợp đồng mua bán điện giữa TCty với các Cty Điện lực mới được triển khai trở lại.
Do giá bán lẻ điện đến khách hàng dùng điện lưới quốc gia được Chính phủ ban hành thống nhất trên cả nước nên giá bán điện nội bộ áp dụng trên nguyên tắc “trừ lùi” từ giá bán điện bình quân và điều hoà lợi nhuận giữa các Cty Điện lực, mà không dựa trên cơ sở tính từ giá thành sản xuất điện của các nhà máy cộng với phí truyền tải. Bởi vậy, giá bán điện nội bộ chưa phản ánh đúng giá thành thực tế đối với từng Cty Điện lực.
Thêm vào đó, giá bán điện nội bộ được phê duyệt và điều chỉnh hàng năm nên chưa thực sự khuyến khích các cty Điện lực phấn đấu tăng giá bán bình quân. Vả lại, giá bán điện nội bộ mới chỉ tính toán theo hình thức giá theo giờ sử dụng trong ngày (3 giá) mà chưa có giá theo cấp điện áp, chưa tính giá mua công suất phản kháng, do vậy các Cty Điện lực cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác lắp tụ bù... để cải thiện chất lượng điện.
Tạo sân chơi công bằng, minh bạch
Nhìn lại, thị trường điện nội bộ (VietPOOL) được khởi thuỷ từ ngày 01/7/2004 với sự tham gia của 14 nhà máy thuộc EVN tạo nên một “sân tập” cho các nhà máy điện. Để cho hoạt động cạnh tranh trên thị trường được diễn ra một cách minh bạch cũng như sự phản ứng của VietPOOL về giá và quyết định đầu tư thể hiện được đúng quy luật cung-cầu thì không thể thiếu “Quy định về vận hành VietPOOL điện”. Tuy nhiên, hơn hai năm trôi qua, đến nay hệ “xương sống” này vẫn chưa được dựng nên. Từ kinh nghiệm thực tế này có thể khẳng định, việc xây dựng VietPOOL là cần thiết nhưng phải mang tính thực chất.
Một vị đại diện của CTy cổ phần Đầu tư và quản lý nguồn điện VN, người từng nhiều năm làm việc trong EVN nhấn mạnh, muốn tạo dựng được một thị trường lành mạnh đồng nghĩa với việc tạo môi trường cạnh tranh rõ ràng trong khâu phát điện nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như trách nhiệm đối với chủ sở hữu của các nhà máy điện. Một điều quan trọng không kém chính là việc tạo môi trường hấp dẫn và khuyến khích các Nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nhà máy điện.
Với tốc độ phát triển phụ tải ở mức 13-15%/năm, ngành điện sẽ phải đầu tư trong vòng 5-7 năm nữa một khối lượng bằng 50 năm trước đây cộng lại. Đây là áp lực tài chính rất lớn mà các nước đang phát triển buộc phải đổi mặt. Theo tính toán của Tổng sơ đồ V có tính đến 2020, mỗi năm ngành điện cần một số vốn trung bình khoảng 2 tỷ USD để đầu tư phát triển. Vì thế, VietPOOL điện cạnh tranh cần phải có qui định cụ thể để EVN với vai trò nắm giữ phần lớn tài sản không có quyền sử dụng các ưu thế này để khống chế và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên tham gia và lợi ích xét từ phương diện toàn xã hội. Chỉ với các quy định công bằng, minh bạch, minh bạch và không phân biệt đối xử, thông qua tín hiệu về giá và khối lượng trao đổi, giao dịch nhà đầu tư có thể đánh giá được tính khả thi đối với dự án của mình. Vì thế, đây cần được đánh giá là mục tiêu cơ bản của VietPOOL.
Thêm vào đó, giá điện cạnh tranh sẽ là công cụ của VietPOOL để tạo ra sự cân bằng tự nhiên nhu cầu sử dụng điện, lợi nhuận của ngành sản xuất và các đơn vị cung cấp điện. Cũng thông qua các tín hiệu công khai trên VietPOOL, khách hàng sử dụng điện sẽ đánh giá đúng được bức tranh kinh doanh của EVN. Các cty Điện lực cũng cần phải có trách nhiệm đối với tạo cân bằng cung cầu thông qua tín hiệu giá mua/bán điện của mình để phát triển khách hàng và đầu tư. Ví dụ như, căn cứ vào nhu cầu thực tế trong địa bàn kinh doanh của mình, các cty Điện lực chỉ được mua điện với giá quy định khoảng 80% nhu cầu của tổng phụ tải, phần còn lại cty phải mua từ thị trường để cân bằng. Một vị đại diện của Cty tư vấn quốc tế Soluziona S.A (Tây Ban Nha)-đối tác của Cục Điều tiết điện lực VN trong nghiên cứu triển khai thị trường điện cũng kết luận rằng, hầu hết cty phát điện trực thuộc EVN dẫn đến rủi ro tiềm tàng về khả năng lũng đoạn thị trường. Vì thế, Soluziona đề nghị mô hình phát điện cần đạt đến là EVN lập bản chào theo chi phí biến đổi, nghĩa vụ của EVN là bán điện qua hợp đồng trung hạn, không liên quan đến giá thị trường. Còn lại, bản chào của nhà máy thuỷ điện được xử lý bởi cơ quan vận hành thị trường.
Một thị trường điện lực VietPOOL đã và đang được hình thành với các thành phần tham gia là các nhà máy điện, các Cty Truyền tải điện, các Cty Phân phối điện và EVN. Theo kế hoạch của EVN, từ tháng 1/2007, sẽ có 9 cty phát điện do EVN nắm giữ 100% vốn hoặc nắm giữ cổ phần chi phối như Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Thác Bà, Bà Rịa, Phú Mỹ, Thác Mơ, Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi và Sông Hinh-Vĩnh Sơn tham gia. 3 cty thủy điện hạch toán phụ thuộc là Hoà Bình, Trị An và Ialy sẽ được xem xét giá điện và quyết định sau. EVN vạch rõ, mục tiêu chính của thị trường là nhằm tối ưu hoá hoạt động sản xuất điện, giảm giá thành điện năng trên cơ sở các nhà máy chào giá bán để từ đó từng bước thực hiện lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại VN.
Nói gì thì nói, hiện EVN vẫn đang nắm phần lớn tài sản, năng lực kinh doanh. Vì thế, một cuộc chơi chỉ thực sự công bằng và sôi động khi có đầy đủ thể lệ chơi và người chơi dù khoẻ hay yếu đều tuân thủ theo những quy định với tinh thần thiện chí! VietPOOL khởi động mang theo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư bên ngoài và quan trọng hơn ngành điện có cơ hội bứt lên để đảm bảo nhu cầu tăng tốc phát triển của kinh tế xã hội.
Từ 2002 đến nay ,thành phần điện năng của các nhà máy điện BOT, IPP và cổ phần đã tăng từ 2% lên 13,2% trong năm 2004 và dự kiến khoảng hơn 40% trong năm 2006. Các nhà đầu tư ngoài ngành điện đã và đang đầu tư thông qua các hình thức như tham gia Cty cổ phần, Cty TNHH và các dự án BOT.
Thị trường điện lực VN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hình thành và phát triển qua 3 cấp độ. Cấp độ 1-Thị trường phát điện cạnh tranh (2005-2014), trong đó bước 1 từ năm 2005-2008 là giai đoạn thí điểm thị trường nội bộ EVN; bước 2 từ 2009-2014 là giai đoạn thị trường cạnh trnah hoàn chỉnh. Cấp độ 2 là thị trường bán buôn điện cạnh tranh, theo đó, từ 2015-2016 là giai đoạn thí điểm và từ 2017-2022 là giai đoạn thị trường hoàn chỉnh được đưa vào hoạt động. Cấp độ 3 là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được vận hành từ sau năm 2022, trong đó thử nghiệm trong vòng 2 năm và sau đó là giai đoạn thị trường hoàn chỉnh được đưa vào hoạt động. Cục Điều tiết điện lực (ERAV) được hình thành trực thuộc bộ CN để xây dựng chương trình tái cơ cấu ngành điện phù hợp với lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện lực và thiết kế chi tiết thị trường ở các cấp độ.