Thị trường vẫn trong xu thế tích cực

Thứ hai, 10/5/2010 | 17:04 GMT+7
Dù giảm điểm vào phiên cuối tuần, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, xu thế tăng giá sẽ là chủ đạo của TTCK Việt Nam. Những yếu tố nào tạo nên xu thế đó? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hắc Hải - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP CK Rồng Vệt

Theo ông, xu thế chính trên TTCK hiện nay là gì? Những nhân tố nào tạo nên xu thế đó?

Theo tôi, có 2 vấn đề chính sẽ ảnh hưởng đến xu hướng chung của TTCK. Thứ nhất là về vĩ mô, chính sách tiền tệ vẫn giữ vai trò quyết định. Với lạm phát 3 tháng đầu năm khá cao (4,12%) so với mục tiêu 7% của năm 2010 do Chính phủ đề ra, nhiều ý kiến lo ngại NHNN sẽ sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ , kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ là mục tiêu được ưu tiên hơn trong các tháng còn lại của năm.

Kết hợp với yếu tố chu kỳ của nền kinh tế, nếu các tháng tới lạm phát được duy trì ở mức thấp (CPI tháng 4 chỉ tăng 0,14%), nhiều khả năng NHNN sẽ nới lỏng dần chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong quý II và có thể kéo dài sang quý III. Đây là dấu hiệu tích cực cho TTCK.

Thứ hai là khả năng tăng trưởng của các DN niêm yết. Sau một năm kinh tế phục hồi với kết quả kinh doanh ấn tượng (thống kê của VDSC cho thấy, doanh thu của toàn thị trường năm 2009 tăng khoảng 20% và lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 80%), có lẽ nhiều NĐT đang tự hỏi: sau khi bỏ qua các yếu tố thuận lợi của năm 2009 (như hàng tồn kho giá rẻ, chính sách hỗ trợ lãi suất ..), liệu các DN có khả năng tăng trưởng trong năm 2010 hay không.

Về vấn đề này báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2010 của các DN đã hé mở những dấu hiệu khả quan. Tổng hợp cả hai yếu tố, tôi cho rằng xu hướng TTCK năm 2010 là tích cực, nhưng sẽ không quá bùng nổ như năm 2009.

Nhiều người cho rằng, để có thể bứt phá, TTCK cần có một dòng tiền lớn đổ vào. Trong những nhân tố mà ông nêu ra, yếu tố nào có thể tạo lực đẩy để cho thị trường bứt phá?

Như tôi vừa nói, khả năng NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới là khá cao. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm của năm 2009, chắc chắn các nhà lập chính sách sẽ không thực hiện việc nới lỏng một cách ồ ạt, mà thực hiện rất thận trọng.

Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng sẽ tăng, nhưng ở mức độ có kiểm soát. Do vậy, khả năng một dòng tiền lớn đổ vào TTCK phải trông chờ ở các nguồn khác.

VN-Index đã vượt qua mức cản 540 điểm, nhưng sự đột phá trong thời gian tới nhiều khả năng không diễn ra, mà có xu hướng từ từ, tăng chậm và chắc. Hiện tại, tâm lý chung của NĐT còn khá dè dặt, nên tâm lý "lướt sóng" chiếm chủ đạo.
Như vậy, với tình hình hiện nay, các NĐT nên làm gì? Chiến lược đầu tư nào là hợp lý để có thể tạo được lợi nhuận, thưa ông?


Theo quan điểm cá nhân, xu hướng chung của thị trường là tích cực, nên xác suất thị trường không thể tiếp tục đi lên và chuyển qua sụt giảm mạnh là khá thấp.

Tuy nhiên, với các yếu tố cơ bản hiện tại và nền kinh tế không gặp phải các biến cố tiêu cực quá lớn, thì thị trường nếu có suy giảm sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư, khuyến khích các NĐT dài hạn tích lũy cổ phiếu (trong khi các NĐT ngắn hạn sẽ thực hiện việc "bắt đáy"). Trong trường hợp này, thị trường sẽ chuyển sang dao động trong biên độ giống như giai đoạn từ đầu năm đến nay. Khi đó, chiến lược lướt sóng sẽ là phù hợp.

Năm nay được dự báo là năm có nhiều đợt phát hành cổ phiếu của các ngân hàng, các DN. Theo ông, với một lượng cung lớn như vậy, khả năng thị trường có hấp thụ được không và giá cổ phiếu sẽ biến động như thế nào?

Hiện tại, khả năng huy động vốn của các DN qua kênh truyền thống (ngân hàng) là khá khó khăn và với chi phí cao. Do vậy, xu hướng các DN chuyển sang huy động vốn trên TTCK là hợp lý. Điều này sẽ làm gia tăng lượng cung và tạo áp lực lên TTCK, vốn cũng không mấy thoải mái với dòng tiền hiện tại.

Theo tôi, đây sẽ là trở ngại chính của thị trường trong năm 2010. Vấn đề này có thể được giảm bớt nếu xét thêm các yếu tố.  Các đợt phát hành phải nương theo cung cầu hiện có trên thị trường. Trường hợp sức cầu quá yếu, các DN nên tạm ngừng phát hành.

Như vậy, nguồn cung tuy tăng, nhưng không phải diễn ra dồn dập trong một thời gian ngắn; (2) Chính sách tiền tệ nới lỏng có thể tiếp thêm nguồn cung vốn cho các DN và gián tiếp hỗ trợ cho TTCK.

Tuy nhiên, theo tôi, yếu tố quyết định đến biến động giá cổ phiếu trên thị trường nằm ở khả năng duy trì lợi nhuận của DN (có tính đến lượng vốn mới bổ sung). Các DN có khả năng duy trì lợi nhuận, có các chỉ số định giá ở mức hấp dẫn sẽ được nhiều NĐT tích lũy. Ngược lại, các DN phát hành liên tục, dẫn đến hiện tượng “cháo quá loãng” sẽ khó có thể duy trì dược đà tăng giá.
Theo: StoxPlus