PV: Thưa ông, việc quy định thời gian bắt buộc tham gia VCGM đối với các nhà máy điện theo tinh thần của Thông tư số 30/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương (Thông tư 30) liệu có phù hợp với thực tiễn hoạt động của nhà máy điện hiện nay?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 30 đều nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành VCGM, đảm bảo việc vận hành thị trường phù hợp với thực tế vận hành của các nhà máy điện. Quy định thời hạn đăng ký tham gia thị trường điện là xuất phát từ thực tế vận hành của các nhà máy.
Đối với các nhà máy nhiệt điện, do kết cấu phức tạp, nhiều thiết bị, hệ thống (lò hơi, hệ thống nhiệt, tổ máy phát….) nên thời gian cần thiết để vận hành ổn định, đồng bộ giữa các thiết bị, các hệ thống là khoảng 12 tháng. Đối với các nhà máy thủy điện, hệ thống các thiết bị đơn giản hơn, vì vậy, theo điều kiện thực tế, khoảng thời gian cần để đảm bảo vận hành đồng bộ, ổn định được rút ngắn xuống còn khoảng 6 tháng sau ngày vận hành thương mại. Quy định trên cũng giúp các đơn vị có thêm thời gian hoàn thiện các hệ thống hạ tầng, đáp ứng yêu cầu khi tham gia Thị trường phát điện cạnh tranh.
Trong quá trình soạn thảo Thông tư này, ERAV đã thu thập, tổng hợp ý kiến của các đơn vị phát điện, nhà máy điện, nghiên cứu, đưa các đề xuất hợp lý vào nội dung Thông tư. Vì vậy, theo tôi những quy định trong Thông tư có tính khả thi cao.
PV: Để tất cả các nhà máy điện công suất trên 30 MW có thể thực hiện đúng quy định trong Thông tư trên, theo ông, cần có những điều kiện gì?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trước tiên, các nhà máy điện cần đáp ứng các điều kiện cơ bản về hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và nguồn nhân lực cho vận hành thị trường điện.
Cụ thể về hạ tầng CNTT bao gồm: Hệ thống SCADA/ EMS và hệ thống đo đếm điện năng, hệ thống chào giá, hệ thống quản lý lệnh điều độ, hệ thống tính toán thanh toán và hệ thống đường truyền kết nối đến các Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia.
Về nhân lực: Đào tạo, sắp xếp nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn phù hợp với việc tham gia vào thị trường điện, gồm: Hoạch định chiến lược chào giá trên thị trường, lập bản chào giá hàng ngày, vận hành các hệ thống CNTT thị trường điện, kiểm tra, đối chiếu các khoản thanh toán qua thị trường...
Để đảm bảo các yêu cầu trên, cán bộ, nhân viên của nhà máy điện trước hết cần được đào tạo, nắm bắt các nội dung quy định tại Thông tư số 30 và các Quy trình hướng dẫn chi tiết vận hành thị trường điện liên quan.
Các nhà máy tham gia ngày càng hiệu quả trên thị trường phát điện cạnh tranh - Ảnh: Ngọc Tuấn
PV: Trên thực tế, mặc dù ERAV và các đơn vị liên quan đã rất nỗ lực gia tăng số lượng các nhà máy tham gia thị trường, nhưng đến nay số nhà máy tham gia trực tiếp vẫn còn khiêm tốn, nhiều đơn vị vẫn chưa mặn mà… Theo ông, nguyên nhân chính là do đâu?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà máy điện trực tiếp tham gia VCGM chiếm 44% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Tuy nhiên, thực tế qua hơn 2 năm vận hành cho thấy, khá nhiều nhà máy đã chậm tham gia thị trường.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là các nhà máy điện mới thường vận hành không ổn định trong thời gian đầu, dẫn đến hạn chế tính linh hoạt của nhà máy trong môi trường thanh toán theo thị trường điện. Ngoài ra, còn có nhiều rào cản khác như: Tiến độ đưa các dự án nhà máy điện vào vận hành chậm hơn so với dự kiến; một số nhà máy gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đường truyền cho vận hành thị trường điện...
Đặc biệt, một số nhà máy mới chưa quyết toán được các chi phí đầu tư nên mới chỉ có giá điện tạm tính, dẫn đến lo lắng về khả năng cân đối chi phí khi thanh toán và giao dịch trên thị trường điện.
Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương, trong thời gian tới, ERAV sẽ tăng cường giám sát, phối hợp với các bên liên quan, chỉ đạo, hướng dẫn, xử lý các vướng mắc để các nhà máy điện tham gia thị trường điện đúng tiến độ theo yêu cầu của Thông tư 30.
PV: Kế hoạch của ERAV trong việc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị liên quan triển khai Thông tư 30 đúng lộ trình?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: ERAV đã và đang triển khai một loạt những công tác cần thiết.
Ngay sau khi Thông tư 30/2014/TT- BCT được Bộ Công Thương ban hành, ERAV đã phổ biến nội dung Thông tư này tới tất cả các đơn vị thành viên thị trường điện và các đơn vị điện lực có liên quan để triển khai thực hiện.
Hiện tại, ERAV đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, rà soát hệ thống 11 quy trình kỹ thuật hướng dẫn chi tiết các nội dung thực hiện của Thông tư 30, sửa đổi; bổ sung các nội dung cần thiết. Dự kiến trong tháng 11/2014, ERAV sẽ hoàn thành và ban hành hệ thống các quy trình vận hành chi tiết, hướng dẫn thực hiện.
Ngoài ra, ERAV sẽ phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổ chức các khóa đào tạo cho các nhà máy điện trong các tháng cuối năm 2014, hướng dẫn các nội dung mới điều chỉnh, sửa đổi trong Thông tư cho các nhà máy điện thực hiện trong quá trình vận hành thị trường.
Việc triển khai thực hiện thành công Thông tư 30 sẽ góp phần củng cố cơ chế vận hành VCGM và đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho việc phát triển Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thông tư số 30/2014/TT-BCT:
- Quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh được Bộ Công Thương ban hành ngày 02 tháng 10 năm 2014 thay thế Thông tư số 03/2013/TT-BCT ngày 08 tháng 02 năm 2013 của Bộ Công Thương.
- Chính thức có hiệu lực: từ ngày 18/11/2014 |