Tin trong nước

Thư ngỏ của một cán bộ ngành điện: Xin dư luận công bằng và thấu hiểu

Thứ năm, 17/7/2008 | 09:45 GMT+7
Thời gian gần đây, việc cúp điện luôn là tin nóng trên tất cả các báo và gây bức xúc không nhỏ trong dư luận. Ngành điện do vậy luôn luôn bị phê bình, ngoài việc cúp điện, phê bình còn lan sang cả những mặt hoạt động khác, đồng thời được công luận khoác lên vai tấm áo “độc quyền”, việc này làm không ít công nhân viên ngành điện chúng tôi cảm thấy rất bức xúc.

Để làm ra được dòng điện đến với nhân dân, biết bao công đoạn khó khăn gian khổ mà không nói ra thì nhiều người tiêu dùng không biết. Đó là những cán bộ “khảo sát thiết kế điện” luôn phải lặn lội tận rừng sâu, nhiều nơi chưa có dấu chân người để tìm những số liệu chính xác cho giải pháp tối ưu của từng dự án.

Đó là những cán bộ quản lý lăn lộn với các nhà thầu biến rừng núi hoang sơ thành nguồn điện. Đó là những người thợ đường dây vắt vẻo trên không, dưới nắng gắt bão giông để đưa những dòng điện thấm đẫm mồ hôi nước mắt của bao người về thành thị phục vụ nhân dân. Biết bao đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống do sốt rét, thiên tai, do tai nạn nghề nghiệp; nhiều người hiện đang phải chung sống với thương tật suốt đời. Những người vợ, người mẹ, người con phải chấp nhận hy sinh khi chúng tôi đi theo những công trình điện mà ngày càng xa dần thành phố.

Ở nhà vợ con chúng tôi cũng đã trách chúng tôi tại sao đi làm ra điện mà nhà cứ bị cắt điện hoài, nhưng ẩn chứa sau đó họ hiểu được nỗi vất vả của ngành điện qua nỗi vất vả của chúng tôi - có khi hàng tháng mới về gặp họ được 1 lần. Đó là sự chia sẻ mà chúng tôi đang rất cần trong bối cảnh mọi giá trị cứ lẫn lộn như hiện nay.

Mỗi lần bị cúp điện, ngoài việc phê bình, thậm chí chửi bới ngành điện, đã có lần nào các bạn tự hỏi tại sao?

Lưới điện Việt Nam chúng ta trải dài hàng ngàn km, đi qua những địa hình rừng núi hiểm trở, nơi ẩn chứa rất nhiều nguyên nhân xảy ra sự cố: ngoài yếu tố tự nhiên như mưa, bão, sớm chớp còn có yếu tố con người mà các bạn cũng thấy đấy: ý thức nhìn chung đang còn rất thấp. Việc thiếu điện sẽ ngày càng gay gắt hơn do giá điện không tăng trong khi giá các loại năng lượng khác đang tăng chóng mặt làm thay đổi xu hướng sử dụng: bếp điện, ấm điện đang thay thế bếp ga; xe đạp điện đang thay dần xe máy, v.v…

Nhu cầu điện do vậy ngày càng tăng cao trong khi nguồn cấp ngày càng khó: giá bán điện thấp đã không hấp dẫn nhà đầu tư bên ngoài (kể cả nước ngoài); nguồn điện giá rẻ là thuỷ điện thì ngày càng khan hiếm do vốn đầu tư ngày càng cao, đền bù giải phóng mặt bằng ngày càng khó. Giá dầu, giá than tăng nhanh ngoài dự báo làm đảo lộn các tính toán khi đầu tư nhiệt điện. Các nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời là quá xa xỉ khi vốn đầu tư ban đầu hiện đang còn ở mức rất cao, công suất lại hạn chế, chỉ phù hợp cho cấp điện sinh hoạt ở những vùng sâu, vùng xa chưa có lưới điện mà thôi.

Khi cúp điện các bạn, nhất là các doanh nghiệp chắc chắn đã phải kêu trời khi phải chạy máy phát phải không ạ? Một ký dầu chỉ phát ra được 4 ký điện, giá như vậy phải trên 3.000đ/kWh, quá cao phải không! nhưng đó mới là giá trị thật, là đúng giá thị trường đấy; còn ngành điện hiện chỉ được bán giá bình quân cỡ 800đ/kWh thôi.

Cho tôi hỏi nhỏ một câu nhé: gia đình các bạn hàng tháng phải trả bao nhiêu tiền điện ạ? như gia đình tôi xài thoải mái cũng khoảng 150.000đ, trong khi tiền gas 300.000đ và tiền xăng xe thì không thống kê vì mỗi lần đổ chỉ 50.000đ, nhưng 1 tuần đổ 1-2 lần/xe và như vậy chắc cũng không  dưới 300.000đ/tháng. Tóm lại đối với phần đông chúng ta, tiền điện dù xài 24/24 vẫn chỉ chiếm 1 phần nhỏ trong trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày đúng không. Vậy mà giá xăng đã tăng 5 lần trong 2 năm qua, giá gas thay đổi hàng ngày, còn giá điện cứ nói đến tăng giá là bị đập tới tấp. Vậy thì có công bằng không ạ?

Trong cuộc sống bộn bề hiện nay, không ai muốn đổ thêm dầu vào lửa trong cơn bão giá đang làm khổ biết bao gia đình nghèo, tuy nhiên tất cả chúng ta đều hiểu: mọi sự chịu đựng cũng chỉ có giới hạn. Nhà nước chắc không thể bù lỗ mãi cho giá xăng dầu, còn chúng tôi không thể chịu đựng mãi cổ tức 3-5%/năm trong khi lãi suất ngân hàng đang trên 20%. Nhiều bạn cho rằng lương chúng tôi đang quá cao phải không? Chúng tôi không biết có cao thật hay không, nhưng chảy máu chất xám đang là 1 điều nhức nhối trong ngành điện hiện nay khi một số nhà máy điện bên ngoài sẵn sàng trả lương 1 thợ điện lành nghề không dưới 5 triệu còn kỹ sư giỏi không dưới 10 triệu/tháng.

Đôi dòng tâm sự trên đây có thể làm một số bạn phật lòng, tôi cũng chỉ là 1 trong 8 vạn CNV ngành điện nên chẳng dám đại diện cho ai, chỉ nói lên những gì mình biết, mình thấy, có thể còn thiển cận và phiến diện, mong các bạn thứ lỗi và góp ý.

Cá nhân tôi cho rằng việc thiếu điện ở Việt Nam sẽ còn kéo dài cho tới khi nào chúng ta có những nhà máy điện nguyên tử công suất lớn, không phải phụ thuộc vào thiên nhiên, vào dầu mỏ …, và do vậy việc cúp điện sẽ vẫn là một nỗi nhức nhối cho cả tôi và các bạn.

Việc chúng ta cần làm lúc này là phải cố làm quen với hoàn cảnh chung thiếu thốn năng lượng hiện nay, giống như làm quen với giá xăng nay mai có thể trên 20.000đ/lít vậy, và điều quan trọng trước mắt là phải hết sức tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng cho bản thân các bạn và cho tất cả chúng ta.

Xin trân trọng cảm ơn.

Bùi Văn Thịnh – Gò vấp, Tp. Hồ Chí Minh

Theo Lao Động Điện tử