Phóng sự

Thực hiện Chương trình 30a: EVN quyết tâm hỗ trợ Lai Châu thoát nghèo

Thứ tư, 27/4/2022 | 08:58 GMT+7
Những người thợ điện – họ đã thực hiện Chương trình 30a bằng một trái tim ấm áp và luôn muốn mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội, bằng sự nỗ lực không biết mệt mỏi để cùng chính quyền và người dân Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ nói riêng và tỉnh Lai Châu vượt qua cái nghèo, cái đói đã đeo đẳng từ nhiều năm trước đây.

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Kể từ thời điểm ngày 27-12-2008, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP "về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo" (gọi tắt là chương trình hỗ trợ các huyện nghèo), tính đến nay đã 12 năm, với việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tạo được sự chuyển biến nhanh về đời sống vật chất, tinh thần cho những hộ nghèo, cũng như đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu. Sau 11 năm, tức đến năm 2020, đã ngang bằng các huyện khác trong khu vực. Để hỗ trợ cho các huyện thoát nghèo, EVN đã thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù với đặc điểm của từng huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, vì vậy, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng. 
 
Tập trung nguồn lực tạo sinh kế
 
Nhìn lên bản đồ Tổ quốc, vùng đất Lai Châu giống như một bàn chân tảo tần đang bám vững vào núi mà Điện Biên Phủ chính là cái gót chân đang nhẫn nại gánh toàn bộ sức nặng của cơ thể Đất nước. Từ Hà Nội lên Lai Châu không còn xa xôi cách trở. Nếu đi bằng ô tô, đường đi từ Hà Nội đến Lai Châu khá đơn giản với đoạn đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Sau khi vào địa phận tỉnh Lào Cai bạn rẽ trái vào quốc lộ 279. Đi thẳng đường quốc lộ này là đến địa phận Lai Châu. Thậm chí đi bằng phương tiện xe máy cũng không còn vất vả. Đường đi từ Hà Nội đến Lai Châu  bằng xe máy xuất phát theo hướng đường Hồ Tùng Mậu chạy xe thẳng hướng quốc lộ 32 sẽ cập địa phận Lai Châu. Ngoài hai phương tiện trên, có thể di chuyển từ Hà Nội đến Lai Châu bằng tàu hỏa, bằng đường hàng không, bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ và đi đường bộ khoảng 200km là khoảng cách từ sân bay Điện Biên Phủ đến Lai Châu. Như thế cho thấy, con đường đến với Lai Châu -  tỉnh nghèo nhất trong “lõi” nghèo Tây Bắc đã rất thuận tiện, tuy nhiên, con đường đến với các huyện nghèo Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ còn xa ngái, nên mọi thứ từ hạ tầng cơ sở đến đời sống văn hóa của người dân còn khó khăn. 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tỉnh Lai Châu có 6/7 huyện được thụ hưởng hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững gồm huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên. Trong số huyện nghèo nói trên, EVN nhận nhiệm vụ hỗ trợ thoát nghèo cho 3 huyện là Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ. Đây là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ các địa phương  khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế - xã hội.
 
Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các huyện nghèo thuộc chương trình 30a của Chính phủ về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, HĐQT EVN (nay là HĐTV EVN) đã thông qua "Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện Nghị quyết 30a của chính phủ tại Nghị quyết số 249/NQ-EVN-HĐQT ngày 21-5-2009 (giai đoạn 2009-2011) và Nghị quyết số 293/NQ-EVN-HĐTV ngày 23-4-2012 (giai đoạn 2012-2015), Nghị quyết số 246/NQ-EVN-HĐTV ngày 9-9-2015 (giai đoạn 2016-2020). Theo đó, EVN đã phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu, UBND các huyện Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ tổ chức rà soát, nghiên cứu đề xuất các nội dung hỗ trợ sao cho phù hợp với mục tiêu tạo sự chuyển biến giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững trên cơ sở các thế mạnh của EVN và phù hợp với đặc điểm, nhu cầu từng huyện và người dân, cùng đi đến thống nhất ký kết thỏa thuận hỗ trợ, thực hiện chương trình với các nội dung (phát triển mở rộng lưới điện nông thôn; hỗ trợ cấp điện đấu nối cho các hộ dân; xây dựng trường nội trú huyện Tân Uyên, Than Uyên, Trường PTDT bán trú Tiểu học Mù Sang, Nhà trẻ nhà mẫu giáo, xây dựng "Nhà bán trú dân nuôi"; Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các em học sinh; Hỗ trợ sản xuất các mô hình sản xuất nông nghiệp; Hỗ trợ xóa nhà tạm cho các hộ chính sách, hỗ trợ xây dựng nhà 3 cứng cho các hộ nghèo; Hỗ trợ đào tạo, bố trí việc làm cho các con em hộ nghèo, đào tạo khuyến nông khuyến lâm). Đến nay, đã thực hiện qua ba giai đoạn với tổng kinh phí đạt khoảng 943 tỷ đồng. 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

EVN cho biết, tính đến hết 30-12-2021 toàn tỉnh Lai Châu đã có 106/106 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được sử dụng điện lưới Quốc gia, đạt tỷ lệ 100%; số hộ có điện là 102.568/104.959 hộ, đạt tỷ lệ trên 97,7%. Các huyện theo nghị quyết 30a do EVN hỗ trợ đã thực hiện với giá trị đạt khoảng 820 tỷ đồng. Được đầu tư bằng các dự án ADB - gốc, ADB - vốn dư và vốn Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác trong đó, đã hoàn thành cấp điện cho 12/12 xã có điện, đạt 100%; số thôn bản có điện 130/131 đạt tỷ lệ 99%; số hộ có điện 13.578 / 13.601 hộ, đạt tỷ lệ 99,8% (huyện Than Uyên); hoàn thành cấp điện cho 10/10 xã có điện, đạt 100%; số thôn bản có điện 92/93 đạt tỷ lệ 99%; số hộ có điện 13.732 / 13.778 hộ, đạt tỷ lệ trên 99,7% (huyện Tân Uyên); hoàn thành cấp điện cho 17/17 xã có điện, đạt 100%; số thôn bản có điện 170/170 đạt tỷ lệ 100%; số hộ có điện 18.678/ 18.686 hộ, đạt tỷ lệ trên 99,96% (huyện Phong Thổ).
 
Cùng với chương trình 167 của chính phủ, EVN đã hỗ trợ xây dựng 3.391 căn nhà cho các hộ nghèo, trong đó, từ năm 2009-2010 đã hoàn thành xây dựng 16 nhà thuộc các gia đình chính sách có mức 40 triệu/căn (Tân Uyên 05 nhà, Than Uyên 05 nhà và Phong Thổ 06 nhà) với tổng giá trị 640 triệu đồng; từ năm 2009-2011, EVN đã bố trí 12,415 tỷ đồng kết hợp cùng nguồn vốn của các huyện xây dựng nhà cho hộ nghèo.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Từ năm 2009-2021, EVN đã hỗ trợ xây dựng 47 phòng học tại 24 điểm trường tại 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ với tổng kinh phí 21,1 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 56 nhà bán trú với tổng kinh phí 23,825 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng trường dân tộc nội trú huyện Tân Uyên với giá trị 15 tỷ đồng, xây dựng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Nậm Sỏ với giá trị 3,0 tỷ đồng (huyện Tân Uyên), xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mù Sang với giá trị 15 tỷ đồng (huyện Phong Thổ).
 
Cũng từ năm 2009 - 2011, EVN đã tuyển sinh  60 em theo học tại trường Cao đẳng Đào tạo Nghề điện với chi phí thường xuyên thực hiện chương trình học của các em khoảng 846 triệu đồng; đã mở được một lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng dạy nghề cho cán bộ khuyến nông, khuyến lâm với chi phí khoảng 846 triệu đồng.
 
EVN đã hỗ trợ 9 tỷ đồng/03 huyện/ 3 năm. Đến hết năm 2014, UBND các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ đã triển khai hoàn thành 10/10 mô hình sản xuất nông nghiệp, với tổng kinh phí thực hiện là: 4,8/9,0 tỷ đồng. Trong đó, huyện Phong Thổ hoàn thành 4/4 mô hình sản xuất nông nghiệp (nuôi cá, nuôi gà, nuôi thủy cầm và trồng rau vụ đông với kinh phí 1,575 tỷ đồng; huyện Than Uyên hoàn thành 4/4 mô hình sản xuất nông nghiệp (sản xuất rau an toàn, sản xuất ngô vụ đông, chăn nuôi vịt, chăn nuôi gà với kinh phí 1,322 tỷ đồng; huyện Tân Uyên hoàn thành 2/2 mô hình sản xuất nông nghiệp (hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, thâm canh sản xuất lúa chất lượng với kinh phí 1,925 đồng; hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông nông thôn (đường loại C) cho 03 huyện Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên tổng chiều dài 72,7 km với tổng kinh phí 12,76 tỷ đồng; mua BHYT cho 4.278 em học sinh tại các trường THCS và PTDT BT trên địa bàn các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ với giá trị  1,102 tỷ đồng.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ngoài ra, Đoàn Thanh niên Công ty Điện lực Lai Châu dưới sự chỉ đạo của Đoàn thanh niên EVN đã phối hợp cùng Đoàn thanh niên trường ĐH Điện lực, Huyện Đoàn và các tổ chức, đoàn thể khác của huyện triển khai các chương trình: Tết vì người nghèo, Xuân biên giới, tiếp sức đến trường, phát thuốc, tặng quà tặng chăn ấm cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và trao học bổng cho các em nghèo vượt khó; tặng cột cờ, bể nước cho các trường học vùng sâu vùng xa; lắp đặt sửa chữa mạng điện cho các hộ dân... với kinh phí gần 2 tỷ đồng. EVN tặng 50 chiếc "xe đạp" phát điện cho các hộ nghèo vùng sâu, vùng xa nguồn lưới điện quốc gia với giá trị khoảng 700 triệu đồng.
 
Tạo động lực xóa đói giảm nghèo
 
Đến hết năm 2021 song song cùng với công tác hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của chính phủ, EVN đã giúp cho công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của các huyện Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ đạt được kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2021 tỉnh Lai Châu  tỷ lệ hộ nghèo 3,01% so với năm 2009 là 7,15%.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Kết quả, giai đoạn 2018 - 2020, huyện Than Uyên, Tân Uyên là huyện điển hình của tỉnh Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định Số: 275/QĐ-TTg ngày 7-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi danh sách các huyện nghèo trong cả nước và và không thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và có 19/66 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
 
Các công trình lưới điện ở Lai Châu được đưa vào vận hành đã phát huy hiệu quả do hoạt động sản xuất của người dân nông thôn chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, dịch vụ đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; con em đồng bào các dân tộc có đủ ánh sáng và các điều kiện khác để học tập, chất lượng dạy và học ở tất cả các cấp học được tăng lên; góp phần xây dựng củng cố mạng lưới y tế cơ sở, mở rộng các dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt hơn; mở rộng các hoạt động văn hóa thông tin truyền thông, dân trí được mở mang góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, người dân có thể đầu tư máy móc chế biến, phát triển sản xuất theo hướng phi nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững. 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Việc hỗ trợ xây dựng "Nhà bán trú dân nuôi" đã tạo điều kiện cho các em học sinh nhà xa trường có chỗ nghỉ ổn định, giúp các em có điều kiện học tập tốt, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng tăng, tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ "Bảo hiểm y tế cho các em học sinh" nhằm nâng cao giáo dục thể chất toàn diện cho các em; hỗ trợ "xóa nhà tạm", tạo điều kiện để các hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”, vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây "Trường dân tộc nội trú", các lớp học Nhà trẻ, lớp học Mầm non, góp phần nâng cao cơ sở vật chất cho nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục cho các em học sinh...; hỗ trợ "Mô hình sản xuất nông nghiệp" qua những mô hình hỗ trợ đã nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, tạo điều kiện cho bà con được tiết xúc với tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp, từ đó có cơ sở phát triển mở rộng, vươn lên để thoát nghèo; hỗ trợ "Đào tạo nghề" mạng lại cho con em các hộ nghèo có nghề trong tay, việc làm ổn định, tạo thu nhập cho bản thân cũng như phụ giúp gia đình nâng cao điều kiện kinh tế ổn định hơn….
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Việc đầu tư, hỗ trợ trên của EVN đã tạo động lực cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện về chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo tại các Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ là khu vực vùng sau, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Nhìn lại những thành quả thực hiện 30a của EVN tạo Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ khiến chúng ta thật ấm lòng bởi tình người với nhau. Yêu thương và giúp đỡ nhau trong hoạn nạn có lẽ nguồn năng lượng được tạo trao truyền đi cùng với quá trình hình thành nòi giống Việt và là truyền thống của ngành Điện Việt Nam. Đó chính là sức mạnh làm nên từ những hành động mang “nghĩa đồng bào”. Cũng chính hai tiếng đồng bào ấy đã khiến ngành Điện vững chãi qua 67 năm trường kỳ công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam và xây dựng đất nước.
 
Năm 2018, huyện Tân Uyên và Than Uyên đã được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo, nhưng dẫu vậy, đâu đó ở Tân Uyên, Than Uyên, cái nghèo vẫn còn giăng mắc ở bên lòng. Trong ký ức của tôi còn một Tân Uyên, một Than Uyên vẫn cần trợ giúp  của EVN, của tỉnh Lai Châu và của Chính phủ. Buổi sáng xe chúng tôi lên đường về Hà Nội, có một Tân Uyên và một Than Uyên đang cất cánh bay lên từ sự nghèo khó.
Thanh Mai