Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và 4 có tổng công suất lắp máy là 520MW (Đồng Nai 4 là 340MW và Đồng Nai 3 là 180MW) với tổng sản lượng điện trung bình 1,7 tỷ kWh/năm. Được khởi công vào cuối tháng 12-2004, Tổ máy 1 và 2 của Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 lần lượt hòa lưới điện quốc gia vào ngày 5-1-2011 và 27-6-2011; Tổ máy số 1và 2 của Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4 lần lượt phát điện vào ngày 28-3-2012 và 16-6-2012 đã đưa lại doanh thu mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng, đóp góp tích cực cho ngân sách Nhà nước, chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động, điều tiết nước trong sản xuất nông nghiệp…, đó là những kết quả bước đầu sau hơn 3 năm 2 nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và 4 đi vào vận hành.
Năm 2013, mặc dù tình trạng khô hạn nghiêm trọng ở miền Trung và Tây nguyên kéo dài tới giữa tháng 5 nhưng tình hình khí tượng thủy văn ở lưu vực Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 khá thuận lợi, lưu lượng nước về của tháng 5, 6 và 7 cao hơn trung bình các năm trước, tạo điều kiện cho công tác sản xuất điện nên đến cuối tháng 10, Công ty đã đạt kế hoạch sản lượng điện sản xuất năm 2013 là 1.296 triệu kWh.Tính đến ngày 31-12-2013, sản xuất điện đạt 1.670 triệu kWh, vượt kế hoạch sản lượng được giao (1.296 triệu kWh) là 129% và vượt kế hoạch điều chỉnh (1.635 triệu kWh) là 102%.
|
Kiểm tra kỹ thuật trước khi chạy máy tổ máy số 1 nhà máy thủy điện Đồng Nai 3. Ảnh: Ngọc Hà |
Nhận thấy tầm quan trọng và tính cấp bách trong việc lựa chọn công cụ quản lý điều tiết ở tầm vi mô; tạo ra môi trường làm việc ngăn nắp, khoa học, bền vững và thân thiện, nên ngay sau khi xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 – 2008 được Trung tâm chứng nhận phù hợp (Quacert) đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008, lãnh đạo Công ty đã quyết định tiếp cận và xây dựng Công cụ cải tiến năng suất Kaizen/5S. Với khẩu hiệu “Hành động hôm nay, thắp sáng ngày mai” đã được bình chọn theo logo 5S, Công ty đã tổ chức khởi động chương trình 5S bằng hình thức “Toàn công ty ra quân làm sạch môi trường nơi ở và nơi làm việc” và duy trì “ mỗi tuần 1 giờ tổng vệ sinh” đã tạo chuyển biến tích cực trong quá trình sản xuất kinh doanh và luôn giữ cho môi trường làm việc đảm bảo sạch sẽ, cảnh quan luôn Xanh – Sạch – Đẹp.
Công ty đã hoàn thành việc xây dựng các hệ thống, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tham gia thị trường cho cả hai Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 và đã tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
Để phòng chống lụt bão năm 2013, Công ty đã tổ chức diễn tập “Phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn Đập Thủy điện Đồng Nai 3&4”, “Phương án bảo vệ Đập Thủy điện Đồng Nai 3&4”, “Phương án bảo vệ an toàn hạ du Thủy điện Đồng Nai 3&4”. Cụ thể, Công ty đã tổ chức diễn tập xả tràn điều tiết hồ chứa Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 nhằm chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời khi có mưa bão trên diện rộng và các hiện tượng diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn vận hành đập và nhà máy.
Với vùng hạ du, Giám đốc Công ty thủy điện Đồng Nai Phạm Văn Cúc cho biết, Công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành các trạm cảnh báo lũ cho các vùng hạ du đập, kiểm tra, duy trì sự hoạt động tốt và liên tục của hệ thống cảnh báo cho vùng hạ du đập khi vận hành, xả lũ hồ chứa và hệ thống camera giám sát tại thượng lưu, hạ lưu các hồ chứa Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 truyền hình ảnh về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và sử dụng để giám sát vận hành, phục vụ công tác PCLB nhằm đảm bảo vận hành an toàn cao nhất. Vào mùa hạn (từ 15-12 đến 30-6), mỗi ngày các Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và 4 chạy 10 tiếng với lưu lượng 100m3/s để đảm bảo cho hạ du có nước sinh hoạt và sản xuất; mùa lũ, hồ chứa thủy điện Đồng Nai 3 với trữ lượng triệu m3 nước đã tham gia cắt lũ cho thủy điện Trị An, ngoài ra, còn giúp cho hồ Trị An duy trì mực nước cao ổn định, điều tiết lưu lượng cho bậc thang dưới, đồng nghĩa làm tăng hiệu suất cho các nhà máy thủy điện ở bậc thang dưới.
Trong năm 2013, do ảnh hưởng của bão số 13 và 14, Công ty đã thực hiện xả tràn 2 lần với tổng lưu lượng xả Đồng Nai 3 là 18,85 triệu m3 và Đồng Nai 4 là 18,15 triệu m3.
Giám đốc Phạm Văn Cúc cũng cho biết, năm 2013, sản lượng điện của 2 nhà máy Đồng Nai 3 và 4 do Công ty Thủy điện Đồng Nai 3 quản lý đã thực hiện sản lượng được 1,650 tỷ Kwh, đưa lại tổng doanh thu hơn 1.900 tỷ đồng. Ngoài nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, Công ty Thủy điện Đồng Nai 3 còn thực hiện nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước trên 214 tỷ đồng, đó là chưa kể đến hàng chục tỷ đồng việc chi trả môi trường sử dụng tài nguyên theo quy định. Hiện nay, công ty đang tạo công ăn việc làm cho gần 175 lao động, với thu nhập ổn định. Năm 2014, hai nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và 4 sẽ cung cấp điện cho Miền Nam qua đường dây 220kV Đắk Nông- Phước Long-Bình Long, vì vậy, cả hai hồ thủy điện đều đang tích nước ở mức cao để đảm bảo khai thác khoảng 850 triệu kWh trong 6 tháng đầu năm.
Tính đến thời điểm hiện nay, Công ty đã hoàn thành việc xây dựng các hệ thống, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tham gia thị trường điện canh tranh cho cả hai Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 và đã hoàn thành thủ tục đăng ký tham gia thị trường phát điện cạnh tranh được Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia thẩm định đủ điều kiện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
Để tăng cao năng suất lao động, đảm bảo vận hành an toàn, đạt hiệu quả cao, Công ty Thủy điện Đông Nai luôn quan tâm cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất, như: Cải tiến phương pháp súc rửa bộ làm mát gió máy phát; thiết kế, lắp đặt hệ thống cảnh bão lũ ở vùng hạ du; ghép chung các mạng IP vào thiết bị truyền dẫn quang; hương án chuyển đổi nguồn tự dùng cấp cho đập tràn từ nguồn nhà máy; chống văng dầu ổ hướng Turbine; Giảm rung và ồn Jetpump nước kỹ thuật; thiết kế hệ thống đo thấm thân đập từ xa …. các sáng kiến này đã đưa vào ứng dụng và được đánh giá cao.
Nếu so sánh với các Nhà máy thủy điện khác trên hệ thống, thì cả hai Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và 4 đều không “đắc địa” về vị trí, cả hai nhà máy đều năm vào khu vực nghèo của Tây Nguyên. Khu vực Tây Nguyên có 4 huyện nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất trong cả nước được đầu tư theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, gồm các huyện: Đam Rông (của tỉnh Lâm Đồng), TuMơ Rông và Kon Plong (của tỉnh Kon Tum) và huyện Đăk Glong của tỉnh Đăk Nông, thì 2 Nhà máy Đồng Nai 3 và 4 nằm trải dài trên vùng đất nghèo khó trên. Mặc dù Chính phủ hết sức quan tâm đến xóa nghèo cho các huyện này nhưng khó khăn vẫn tồn tại như một thách thức. Tỷ lệ nghèo vẫn cao; kinh tế thấp, trình độ văn hoá, mặt bằng dân trí thấp, một số tập tục lạc hậu, đa phần là người dân tộc thiểu số ...nên việc thu hút cán bộ kỹ sư khó khăn hơn các nhà máy thủy điện khác. Giám đốc Phạm Văn Cúc cho biết, Công ty tuyển kỹ sư chủ yếu ở khu vực Miền Trung và đào tạo tại chỗ để dự phòng có người chuyển đi.
Năm 2013, Công ty đã nộp 217,6 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, trong đó: thuế tài nguyên 48 tỷ đồng; thuế GTGT 135 tỷ đồng; thuế TNCN 1,6 tỷ đồng và phí dịch vụ môi trường rừng: 33 tỷ đồng. Con số này nếu so sánh với các tỉnh khác thì không phải là lớn nhưng với tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng, thì là sự đóng góp quan trọng để các tỉnh phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các huyện đang còn rất nghèo./