Sự kiện

Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La: Áp dụng thành công mô hình quản lý mới

Thứ năm, 8/11/2012 | 16:02 GMT+7
Mô hình quản lý được áp dụng cho tất cả các công trình xây dựng thủy điện từ trước đến nay là: ban Quản lý dự án và ban sản xuất độc lập với nhau về công tác chuyên môn và kỹ thuật, chỉ phụ thuộc nhau về công tác tài chính.
 

Tại công trường xây dựng Thủy điện Sơn La, nếu áp dụng mô hình này sẽ rất bất cập, không tạo được sức mạnh tổng hợp, trí tuệ tập thể lãng phí lớn về nhân lực và chất xám của đội ngũ kỹ sư được đào tạo cơ bản, nhiều kinh nghiệm hoạt động trên các công trường xây dựng thủy điện ... Thế là, một mô hình quản lý mới đã được "dựng lên" và đã thành công ...

Với tư duy và nhận thức như thế, ông Nguyễn Hồng Hà - Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La (DATĐSL) - Trưởng ban quản lý và ông Hoàng Trọng Nam với vai trò Phó Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý (DATĐSL) và là Trưởng ban chuẩn bị sản xuất đã thống nhất vận dụng mô hình quản lý mới đó là: Ban quản lý dự án và Ban Chuẩn bị sản xuất không thể độc lập với nhau về mặt chuyên môn mà phải đoàn kết, gắn bó cùng một mục tiêu chung và đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Ngay từ đầu năm 2007, hơn 100 kỹ sư được tuyển chọn từ các trường đại học trong nước, từ một số đơn vị trực thuộc EVN đã được đưa đi đào tạo tại các nhà máy thủy điện lớn như: Hòa Bình, Ialy, Hàm Thuận, Đa Mi ... Sau hơn một năm đào tạo trở về, đại đa số anh em kỹ sư trên đã nắm bắt được các yêu cầu kỹ thuật cơ bản về nguyên lý hoạt động của nhà máy thủy điện, nhưng để hiểu rõ, tường tận hệ thống thiết bị cơ điện của nhà máy Thủy điện Sơn La với những yêu cầu kỹ thuật cao hơn vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, bên cạnh đó lực lượng cán bộ kỹ thuật giám sát lắp đặt thiết bị cơ điện tại hiện trường của Ban quản lý dự án nhà máy Thủy điện Sơn La (QLDANMTĐSL) còn thiếu rất nhiều. Nếu tuyển dụng thêm cán bộ kỹ thuật giám sát mới là rất khó, lại phải tốn thêm chi phí quản lý dự án, đồng thời không gắn kết được công đoạn thi công lắp đặt thiết bị với công đoạn thí nghiệm, hiệu chỉnh, chạy thử, vận hành ổn định sau này. Từ thực tế hiện trường đó, Đảng ủy Ban QLDANMTĐSL và lãnh đạo Ban chuẩn bị sản xuất đã điều động, biệt phái tất cả những kỹ sư trẻ được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn tại các nhà máy thủy điện lớn trong nước sang làm việc cùng với  Ban QLDANMTĐSL, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về phương tiện, chỗ ăn nghỉ, làm việc tại hiện trường. Những kỹ sư trẻ vừa được tập huấn, đào tạo tại các nhà máy khác về lại được làm việc ngay tại nhà máy của chính mình quản lý vận hành sau này nên rất phấn khởi, khí thế và quyết tâm cao ví như "cá gặp nước". Toàn thể đội ngũ trẻ đều nhận thức được rằng đây là một cơ hội, thách thức để được thể hiện năng lực của mình, và cũng là để nâng cao trình độ, hiểu biết thực tế về công nghệ kỹ thuật của nhà máy; cũng là cơ hội để cống hiến một phần nhỏ bé sức lực, trí tuệ của mình đối với công trình trọng điểm quốc gia, cũng như cho Tổ quốc. Từ ý thức đó, toàn bộ đội ngũ ký sư trẻ đã miệt mài, hăng say nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, hồ sơ, bản vẽ thiết kế, các tài liệu kỹ thuật của các nhà thầu, các tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng cho nhà máy để có đủ kiến thức, trình độ để thẩm tra các tài liệu hồ sơ thiết kế của các nhà thầu và làm các công việc của Ban QLDA.

Đội ngũ kỹ sư của Công ty Thủy điện Sơn La bây giờ đã quản lý kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa được 6 tổ máy an toàn, liên tục, hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ thiết kế cũng như các nhà chế tạo đề ra
Toàn thể đội ngũ kỹ sư tăng cường sang Ban QLDA đã không kể ngày đêm, vượt mọi khó khăn, thử thách, lao động sáng tạo, trí tuệ, bám sát công trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Những cố gắng của cán bộ công nhân viên (CBCNV) Ban QLDA và Ban chuẩn bị sản xuất đã đạt được những thành quả hết sức to lớn, đó là: Dự án NMTĐSL đã phát điện 6 tổ máy an toàn, đảm bảo các thông số kỹ thuật yêu cầu và đặc biệt hơn là đã vượt tiến độ sớm hơn tiến độ mà Quốc hội phê duyệt trrước 3 năm. Về mặt kinh tế, chính trị: Thời điểm tổ máy số 1 đưa vào hành hành từ tháng 12 năm 2010, tổ máy số 2 đưa vào vận hành tháng 4/2011 đã giải quyết triệt để vấn đề thiếu điện của hệ thống lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lương quốc gia để phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự xã hội và đời sống nhân dân. Một thành quả quan trọng nữa đó là việc đưa 6 tổ máy vào vận hành vượt tiến độ trước 3 năm đã đem lại lợi ích về mặt kinh tế cho nhà nước hàng vài chục nghìn tỷ đồng, tính đến ngày 10/10/2012 tổng sản lượng điện nhà máy sản xuất ra đạt 11,553 tỷ kWh, góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách của quốc gia và tăng hiệu quả kinh tế cho dự án.

Đối với toàn thể CBCNV Công ty Thủy điện Sơn La bây giờ, công trình nhà máy TĐSL ngoài những thành quả to lớn về mặt kinh tế, chính trị như trên còn có một thành quả to lớn nữa là: Công trình Thủy điện Sơn La g là nơi đào tạo, trưởng thành của toàn thể đội ngũ kỹ sư, công nhân viên trong công ty. Toàn bộ hơn 100 kỹ sư và gần 200 công nhân của Công ty Thủy điện Sơn La đã được đào tạo và trưởng thành từ thực tế công trường hiểu rõ được cấu tạo, nguyên lý làm việc, các thông số kỹ thuật, các tiêu chuẩn áp dụng và đặc biệt là biết được những điểm lưu ý của thiết bị, hệ thống công nghệ của nhà máy; làm chủ được công nghệ và từ đó thực hiện tốt được những nhiệm vụ biên soạn, dựa các tài liệu hướng dẫn, quy trình vận hành từng thiết bị, vẽ sơ đồ vận hành cho các hệ thống công nghệ toàn nhà máy v.v...


Năm 2011 đến năm 2012, Công ty Thủy điện Sơn La tiếp tục tuyển chọn thêm gần 26 kỹ sư từ các trường đại học trong nước; công ty đã trực tiếp tổ chức đào tạo cho 26 kỹ sư này ở hai chuyên môn là sửa chữa và vận hành, hiện nay Công ty đang kết hợp với Trung tầm Điều độ Quốc gia và Ban kỹ thuật sản xuất EVN để kiểm tra và đánh giá chất lượng cho 10 kỹ sư ở các chức danh trưởng ca và trưởng kíp của nhà máy; đây là khóa đào tạo đầu tiên của Công ty Thủy điện Sơn La tự đào tạo.

Các cán bộ quản lý các phòng, phân xưởng đều là những cán bộ kỹ thuật trưởng thành từ thực tế công trường, sau 4 năm biệt phái sang hoạt động trong mô hình Ban QLDATDSL, đến thời điểm thành lập Công ty Thủy điện Sơn La đã nắm chắc kỹ thuật chuyên ngành, có kinh nghiệm quản lý điều hành, đủ năng lực, uy tín đảm nhận các cương vị công tác quản lý của Công ty Thủy điện Sơn La. Thế hệ cán bộ này rất trẻ, đại đa số là thế hệ 8X hiện các đồng chí cán bộ này đã được kết nạp Đảng trên công trường và vẫn đang được tiếp tục cho đi đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, trình độ quản lý doanh nghiệp, tạo điều kiện để có thể đảm đương những nhiệm vụ quan trọng, cao hơn trong thời gian tới.

ST