Sự kiện

Nơi khởi nguồn của những đam mê và tài năng âm nhạc

Thứ ba, 6/11/2012 | 09:24 GMT+7
Tấm màn nhung của Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ - Hà Nội đã chính thức khép lại sau hơn 3 ngày thắp sáng  những đam mê ca hát, âm nhạc. Đọng mãi trong lòng khán giả là quy mô tổ chức cuộc thi "Tiếng hát CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2012"  thật hoành tráng, công phu, hiệu quả; nhiều thí sinh có kỹ thuật thanh nhạc đạt đến trình độ chuyên nghiệp, cảm thụ âm nhạc tinh tế. Hội thi cũng là nơi giao thoa văn hoá, văn nghệ, nơi những người yêu ca hát được cháy hết mình, hát nhiệt tình, đầy đam mê, cảm xúc...


Tốp ca Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia với ca khúc mở màn chào mừng khai mạc Hội thi. Ảnh: Duyên Hải

Sáng tạo, khoa học trong tổ chức - Chuyên nghiệp trong ca hát

Với sự tỉ mỉ về nội dung, chuyên nghiệp trong kết cấu chương trình, xây dựng kịch bản, tiêu chí đánh giá chấm điểm... Đây là cách làm mới, hiệu quả, thiết thực nhằm tạo sân chơi rộng rãi để CNVCLĐ có cơ hội tham gia dự thi phù hợp với chất giọng và khả năng của thí sinh, thể hiện tính quần chúng trong phong trào cất cao lời ca tiếng hát của CNVCLĐ, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, đầm ấm trong đại gia đình EVN. Qua đó đã phát hiện và bồi dưỡng những hạt nhân trong phong trào ca hát quần chúng, tạo dựng đời sống tinh thần tích cực, lành mạnh trong CNVCLĐ, là hình thức thiết thực chào mừng kỷ niệm 58 năm ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.

Mở màn trong ngày thi thứ nhất là phần biểu diễn chùm ca khúc mới về ngành Điện do các nhạc sỹ chuyên nghiệp và một số CBCNV của Tập đoàn Điện lực Việt Nam sáng tác. Các đơn vị như Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam, TP Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Truyền tải điện Quốc gia...đã thực sự khuấy động hội trường bằng những ca khúc thể hiện tình yêu ngành, yêu nghề tha thiết qua các ca khúc như: EVN – Vi đất nước phồn vinh (sáng tác Quốc Dũng), Bản tình ca ngành Điện (sáng tác Đào Hữu Thi)... Được dàn dựng công phu, đầu tư kỹ lưỡng; hát trong cảm xúc tràn đầy tự hào của người lao động ngành Điện.

Ngay sau phần biểu diễn các ca khúc về ngành điện, lần lượt các ngày tiếp theo, 134 thí sinh đến từ 42 đơn vị trong toàn Tập đoàn  đã cùng nhau  "tranh tài"  ở 3 phong cách âm nhạc: thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ. Ở mỗi phong cách âm nhạc đều ghi dấu những cá tính, phong cách biểu diễn rất riêng biệt, đầy sắc màu  biểu cảm của các giọng ca nhưng đều có chung một tinh thần quyết tâm, thi diễn nhiệt tình, thi diễn hết mình để đạt được kết quả cao nhất.

Được cho là dòng nhạc bác học, kén cả người hát và người nghe, nhưng tại Hội thi lần này có tới 49 thí sinh tham gia thi phong cách âm nhạc thính phòng. Nhiều tác phẩm kinh điển, có độ khó cao, đã "đóng đinh" với những tên tuổi nổi tiếng trong làng âm nhạc Việt Nam, nay được các thí sinh tự tin trình bày như Người Hà Nội (sáng tác Nguyễn Đình Thi), Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam (sáng tác Chu Minh), Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du), Miền Xa thẳm (Đức Trịnh)...Các thí sinh đã thể hiện những khúc hùng ca, tráng ca trên thật tinh tế, nhuần nhuyễn, truyền cảm, kỹ thuật thanh nhạc và cảm thụ âm nhạc tốt, đặc biệt là phần phối khí hay đã tôn giọng ca lên rất nhiều, đó là:  Nguyễn Thị Thu Hương đến từ Tổng công ty Điện lực Miền Bắc; Nguyễn Thị Mộng Hà, Trương Quang Điệp - Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; Nguyễn Tiến Dũng - Tổng công ty Điện lực Hà Nội,...

Dù không nhiều thí sinh tham dự thi bằng dòng nhạc thính phòng hay nhạc nhẹ, 34 thí sinh đã chọn dòng nhạc dân gian "làm đất" để trình diễn. Qua những ca khúc mang âm hưởng dân ca các vùng miền khác nhau trên cả nước, các thí sinh đã chinh phục khán giả bởi sự mượt mà , da diết, sâu lắng trong từng lời ca, tiếng hát; trong sự tìm tòi, thử nghiệm, sáng tạo ở phong cách biểu diễn. Khán giả hẳn không quên  giọng ca biểu cảm đầy kỹ thuật của thí sinh Lý Thị Nhung - Tổng công ty Điện lực Miền Trung với bài Tình làng quê (sáng tác: nhạc sỹ An Thuyên); cột hơi tốt, đầy nội lực, biểu diễn tự tin, làm chủ sân khấu của thí sinh Dương Thị Hường - Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia qua ca khúc Đêm Gành hào nghe điệu Hoài lang (Vũ Đức Sao Biển); sự phiêu, nhấn nhá, nhả chữ trong các cung bậc của bài hát Trên đỉnh Phù Vân (Phó Đức Phương) của Phạm Phương Huê - Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội; sự đằm thắm, chín chắn, đầy chiêm nghiệm của một phụ nữ sắp thực hiện thiên chức làm mẹ đã được Trần Đức Quang Như - Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia truyền lửa qua ca khúc Vỗ bến lam chiều (Trần Hoàn)...

Những ca khúc mang hơi thở, kết cấu nhịp điệu của xã hội hiện đại ở dòng nhạc nhẹ lại được nhiều thí sinh "chọn mặt gửi vàng" để "tranh tài cao thấp". Qua những ca khúc được trình bày, khán giả như thấy có bóng dáng của ca sỹ Thanh Lam, Ngọc Anh nồng nàn, đam mê, say đắm, ngọt ngào; thấy được sự phiêu, cá tính trong lối hát; sự sáng tạo, tìm tòi, xuất thần trong phong thái biểu diễn của ca sỹ Tùng Dương; sự khoẻ khoắn, hoang dại và đầy nam tính của người con núi rừng Tây Nguyên - nghệ sỹ Y Moan thuở nào...Những tràng pháo tay giòn giã tưởng như không dứt được dành tặng cho phần biểu diễn của thí sinh Phạm Thị Quỳnh Anh, Phan Thị Minh Bảo - Tổng công ty Điện lực Miền Trung qua hai ca khúc: Và ta đã thấy mặt trời (Nguyễn Cường), Không thể và có thể (Phó Đức Phương); Nguyễn Minh Hiếu - Cơ quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam với bài Cuối đông chiều Hà Nội (Quốc Dũng);  Hoàng Việt Cường, Lê Hồng Việt - Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia với 2 ca khúc lần lượt là Giăng tơ, Con cò (Lưu Hà An); Bùi Thế Anh - Tổng công ty Điện lực Miền Bắc qua ca khúc Đôi chân trần (Ivolcso)...

Qua 3 ngày diễn ra cuộc thi, khán giả được mãn nhãn và đắm mình trong bữa tiệc tinh thần của 3 phong cách âm nhạc, đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi phần lớn các thí sinh đều thể hiện khá tốt các tác phẩm dự thi; có bản lĩnh sân khấu, tự tin, chững chạc, làm chủ giọng hát. Không thể tin được những người lao động ngành điện hàng ngày say sưa làm việc trên những công trình điện, trên những đường dây cao thế, len lỏi đến từng ngõ xóm, từng con phố, đến những vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh lại có thể biểu diễn trên sân khấu chẳng khác gì các ca sỹ chuyên nghiệp. Họ biểu thị bằng tình yêu quê hương, đất nước, với Đảng, Bác Hồ kính yêu qua những lời ca, tiếng hát cất lên từ trái tim của những người làm ra dòng điện. Ông Nguyễn Quốc Dũng – thay mặt các thành viên Ban Giảm khảo cho biết  "Có những thí sinh đã đem đến bất ngờ cho chính Ban Giám khảo bởi khả năng cảm thụ âm nhạc rất tốt, thể hiện những tác phẩm có độ khó cao, xử lý tinh tế giàu cảm xúc, xử lý kỹ thuật thanh nhạc đạt tới trình độ chuyên nghiệp bậc cao..."

Hội thi - Nơi khơi nguồn cảm xúc

Ngoài những đơn vị lớn có truyền thống, bề dầy về thành tích trong phong trào thi đua, văn nghệ, thể thao như các Tổng công ty: Điện lực Hà Nội, Miền Bắc, Miền Nam, Miền Trung, TP.Hồ Chí Minh, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia...vv, Hội thi tiếng hát CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2012 còn ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực tham gia hết mình, nhiệt tình của nhiều đơn vị như: Công ty Nhiệt điện Uông Bí, Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ, Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Cần Thơ, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, Ban QLDA điện Hạt nhân Ninh Thuận...Có thể trong 134 thí sinh và 42 tập thể tham gia cuộc thi, nhiều tập thể và thí sinh không được đứng lên bục vinh quang, ngập tràn trong những bó hoa tươi thắm và những tràng pháo tay tán thưởng giòn giã, song họ vẫn là những người chiến thắng. Họ đã chiến thắng chính mình, tự tin, nhiệt huyết trên sân khấu, cởi mở tấm lòng để giao lưu, học hỏi với thí sinh đơn vị khác. Nhiều thí sinh ở 3 miền đã cố gắng thu xếp công việc nhà, tạm gác lại những bộn bề công việc thường nhật, xa người thân, gia đình để tụ hội về đây hát cho nhau nghe, cùng đắm mình trong không gian âm nhạc. Cảm động làm sao khi có thí sinh đang chờ phẫu thuật đã dời lịch tiểu phẫu để đến với Hội thi góp lời ca tiếng hát làm nên "màu cờ sắc áo của đội nhà". Nhiều cháu bé còn ẵm ngửa hoặc chập chững biết đi cũng có mặt trong khán phòng để mẹ các cháu yên tâm, thư thái thả hồn trong âm nhạc. Lại có nữ thí sinh đang ở những tuần cuối của thời gian thực hiện thiên chức làm mẹ, việc đi lại đã khó khăn, cồng kềnh song vẫn nhiệt tình bay ra từ Miền Trung xa xôi để hoà mình cùng những tâm hồn đồng điệu. Hình ảnh quen thuộc trong hội thi là những cuộc điện thoại líu ríu, vỡ oà niềm vui của mỗi thí sinh sau khi thực hiện xong tác phẩm dự thi của mình, họ gọi điện cho người thân để chia sẻ khoảnh khắc đáng nhớ và hẹn ngày về. Tất cả những thí sinh này đã gặp nhau ở niềm đam mê ca hát, thắp lên những thanh âm trong trẻo của cuộc đời, của niềm tin, của sự sống, tạo nên âm hưởng hào hùng, sức sống mãnh liệt của phong trào văn hoá CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam....

Thành công hơn cả mong đợi

Hội thi đã thành công rực rỡ, trên cả mong đợi của Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội  thi. Không chỉ có đông đủ các đồng chí Lãnh đạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Lãnh đạo Tập đoàn đoàn Điện lực Việt Nam,  Công đoàn Bộ Công thương, Công đoàn Điện lực Việt Nam, các Công đoàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công đoàn Than khoáng sản Việt Nam, các phóng viên, báo chí truyền hình đến tham dự và đưa tin; 6 tập thể và 66 giọng ca tiêu biểu đã được tôn vinh.Hơn thế nữa,  Hội thi còn có sức lan toả mạnh mẽ trong CNVCLĐ ngành Điện,  tiếp tục chắp cánh, nâng bước những bước chân người thợ điện trên mọi miền đất nước, tạo đà khích lệ cho toàn thể CBCNV Tập đoàn tin yêu hơn Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tự hào hơn về những thành tích, kết quả đạt được trong suốt quá trình hình thành và phát triển 58 năm qua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2012 và những năm tiếp theo. Đó cũng chính là niềm hy vọng, tin tưởng của đồng chí Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đồng chí  Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam khi phát biểu chỉ đạo, động viên  tại Hội thi "Tiếng hát CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2012".

 
Lê Duyên Hải