Chuyển động năng lượng

Trà Vinh đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Thứ năm, 2/2/2023 | 08:54 GMT+7
Trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng, đặc biệt về chính sách phát triển năng lượng tái tạo.

Các trụ điện gió được lắp đặt đưa vào vận hành tại nhà máy điện gió V1.2 thuộc ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải.

Đã có nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc đầu tư phát triển các dự án công trình năng lượng tái tạo, đến công tác đấu nối, nghiệm thu đưa dự án vào vận hành kịp thời các dự án điện, điện mặt trời, góp phần tăng cường năng lực cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hộ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và các tỉnh lân cận.

Tính đến cuối tháng 12/2022, tỉnh Trà Vinh có các nguồn năng lượng điện với tổng cộng 4.962 MW, trong đó Trung tâm Điện lực Duyên Hải - tổng công suất 4.498 MW, gồm: Nhiệt điện (NĐ) Duyên Hải 1 (2x622,5 MW), NĐ Duyên Hải 2 (2x660 MW), NĐ Duyên Hải 3 (2x622,5 MW) và NĐ Duyên Hải 3 mở rộng (688 MW).  

Hệ thống pin năng lượng mặt trời tại Nhà máy điện mặt trời Trung Nam, ấp Giồng Giếng, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải.

Điện mặt trời gồm Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh - công suất 165 MWp; Nhà máy điện mặt trời VNECO Vĩnh Long đặt tại huyện Vũng Liêm công suất 49,3 MW đấu nối cấp điện cho trạm 110kV Long Đức; Điện mặt trời mái nhà 41,8 MWp (1.048 khách hàng). 

Có 05 nhà máy điện gió, tổng công suất là 256,8 MW (04 nhà máy đấu nối cấp 110kV và 01 nhà máy đấu nối cấp 220kV). 

Điện sinh khối độc lập (sử dụng nguồn bã mía phát điện) là Công ty mía đường Trà Vinh đặt tại ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh huyện Trà Cú, công suất 4,5MW chủ yếu dự phòng và tự dùng cho nhà máy đường sản xuất, không nối lưới điện quốc gia. 

Công ty Điện lực Trà Vinh phối hợp cùng Sở Công thương Trà Vinh tổ chức Hội thảo điện năng lượng mặt trời.

Trong giai đoạn 2016-2021 phụ tải lớn nhất của Trà Vinh là 201,48 MW (năm 2021), nguồn năng lượng điện (than, năng lượng tái tạo) cung cấp cho tỉnh Trà Vinh chủ yếu nhận từ Trung tâm Điện lực Duyên Hải (Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 - công suất 1.245MW), 04 Nhà máy điện gió - công suất 156,8 MW (đấu nối cấp điện áp 110kV) và 01 Nhà máy điện mặt trời VNECO Vĩnh Long – công suất 49,3 MW (đặt tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Trà Vinh mà còn hòa vào lưới điện quốc gia cung cấp cho một tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Theo quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2025, xét đến năm 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, nhu cầu phụ tải tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 dự kiến đạt khoảng 362 MW, với công suất nguồn điện hiện có như trên sẽ đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới năm 2021-2025. Về sản lượng năng lượng sản xuất từ năm 2016-2021 (điện sản xuất từ nhiệt điện, điện gió, mặt trời nối lưới) và các chủ đầu tư nguồn năng lượng mái nhà toàn tỉnh Trà Vinh đạt trên 6,14 tỷ kWh. Năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu trong sản xuất điện. 

Cán bộ Công ty Điện lực Trà Vinh phối hợp cùng Sở Công thương Trà Vinh tổ chức Hội thảo tiết kiệm điện, an toàn và ứng dụng điện mặt trời trong nuôi trồng thủy sản.

Các nguồn năng lượng tái tạo được đầu tư khá đồng bộ theo đúng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các nguồn điện thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải đưa vào vận hành đồng bộ hòa vào lưới điện Quốc gia, góp phần tăng cường năng lực cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. 

Ông Vũ Hồng Dương- Phó Giám đốc Sở Công thương Trà Vinh cho biết trong thời gian qua, đặc biệt là trong những năm gần đây từ 2016-2022, tỉnh Trà Vinh có những bước phát triển nhanh, đồng bộ về năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng điện nói riêng đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của người dân, góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ ổn định chính trị, an ninh của tỉnh. 

Việc quy hoạch và phát triển nguồn năng lượng tái tạo, phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, trong quy hoạch xác định quy mô công suất và tiến độ vào vận hành của từng dự án, không xảy ra tình trạng quá tải lưới điện, khi chuyển tải công suất nguồn năng lượng tái tạo.

Đặng Huy Hoàng