Chuyển đổi số trong EVN

Trái ngọt chuyển đổi số

Thứ ba, 31/1/2023 | 15:08 GMT+7
Chỉ trong thời gian ngắn, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã khoác lên mình chiếc áo mới khi sớm hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số, đưa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp lên môi trường số.

Trung tâm điều độ hiện đại, trái tim của hệ thống điện TP.HCM - Ảnh: EVNHCMC

Chưa bao giờ khách hàng sử dụng điện của EVNHCMC lại được trải nghiệm các dịch vụ qua công nghệ hiện đại như hiện nay. Chỉ cần chiếc smartphone, khách hàng có thể tương tác với ngành điện từ A đến Z.

Ngay trước thềm năm mới, ngành điện TP.HCM nhận được tin vui khi EVNHCMC là Tổng công ty nhà nước đầu tiên được Bộ thông tin và Truyền thông chứng nhận là doanh nghiệp số, đồng thời được nhận giải thưởng "Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022" do Diễn đàn kinh doanh IoT Châu Á (AIBP) trao tặng.

Bứt tốc chuyển đổi số

Nửa đêm, nhận được tin báo mất điện từ một khách hàng tại quận Bình Thạnh, trưởng kíp trực tại Công ty điện lực Gia Định tức tốc chuyển thông tin khách hàng đến những công nhân điện lực đang làm việc ngoài hiện trường. Nhận được thông tin từ ứng dụng hiện trường (app) trên smartphone, những công nhân điện lực lập tức định vị địa chỉ khách hàng và chỉ ít phút đã có mặt, xử lý xong sự cố. Đặc biệt, toàn bộ quá trình công tác từ khi tiếp nhận phản ánh của khách hàng đến khi hoàn tất đều được phía công ty theo dõi, quản lý trên App.

Bên cạnh đó, việc theo dõi chỉ số điện của khách hàng tại TP.HCM cũng trở nên rất dễ dàng khi chỉ cần mở app là khách hàng có thể trải nghiệm đầy đủ các dịch vụ điện từ A đến Z. Từ theo dõi biểu đồ dùng điện, số tiền điện, thanh toán tiền điện trực tuyến, nhận hóa đơn điện tử, lịch cắt điện đến đăng ký các dịch vụ điện... đều được thực hiện qua App thay vì khách hàng phải đến trực tiếp các điểm giao dịch như trước đây. Thậm chí, với khách hàng ở bất kỳ đâu trên thế giới vẫn có thể vẫn có thể giao dịch với ngành điện TP.HCM qua App... miễn có internet.

Ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch EVNHCMC cho biết đơn vị đã cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4, hiện tỉ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt hơn 99%; 100% công việc hiện trường được thực hiện trên thiết bị di động và cập nhật trực tuyến về hệ thống quản trị điều hành tập trung. Để đảm bảo vận hành lưới điện ổn định cho thành phố đông dân nhất cả nước, ngành điện thành phố cũng đã áp dụng các công nghệ hiện đại, bao gồm cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý vận hành hệ thống điện và chăm sóc khách hàng.

Với hệ thống lưới điện thông minh, mỗi khi xảy ra sự cố, ngành điện đã nhanh chóng chuyển tải để thu hẹp phạm vi ảnh hưởng cũng như rút ngắn thời gian khắc phục đến mức tối thiểu. Theo ông Bảo, đến nay ngành điện thành phố đã tự động hóa toàn bộ lưới điện khi 100% trạm 110kV không người trực và 100% lưới trung thế được điều khiển từ xa. Đặc biệt, gần 100% khách hàng đã được lắp đặt công tơ điện tử đo đếm từ xa với gần 2,7 triệu khách hàng, giúp khách hàng có thể theo dõi tình hình tiêu thụ điện hàng ngày thông qua ứng dụng EVNHCMC CSKH.

Nhìn lại chặng đường nước rút chuyển đổi số, ông Bảo cho biết: trái ngọt của ngành điện thành phố trong chuyển đổi số không chỉ là nâng cao chất lượng cung cấp điện và dịch vụ khách hàng, được khách hàng ghi nhận, mà còn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Gần đây nhất là Tổng công ty đã được nhận giải thưởng "Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022" do Diễn đàn kinh doanh IoT Châu Á (AIBP) trao tặng vì đã "khai thác sức mạnh của các công cụ tự động hóa trong hành trình xây dựng lưới điện thông minh". Đây là niềm tự hào trên hành trình chuyển đổi số của Tổng công ty.

Góp sức xây dựng thành phố thông minh

Chia sẻ về kết quả đánh giá của Bộ Thông tin và truyền thông, ông Bảo cho biết, điểm đánh giá ở mức rất cao thể hiện Tổng công ty đã cơ bản trở thành doanh nghiệp số và sẵn sàng để phát triển lên mức nâng cao. Tổng công ty cũng có ba đơn vị trực thuộc là Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện, Trung tâm Chăm sóc khách hàng và Công ty Công nghệ thông tin đã được xác nhận đạt mức độ nâng cao về chuyển đổi số (mức 4/5). "Điều này thể hiện rõ các thế mạnh mũi nhọn của EVNHCMC trên các phương diện như có lưới điện 100% tự động hóa, có chất lượng dịch vụ khách hàng xuất sắc và có hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục với chất lượng ngày càng cao trên địa bàn TP.HCM", ông Bảo tự hào chia sẻ.

Với những nền tảng chuyển đổi số vững chắc đã xây dựng và gặt hái được những thành công thời gian qua, EVNHCMC đặt mục tiêu tiếp tục lộ trình thực hiện chuyển đổi số ở mức nâng cao, quản trị hiệu quả doanh nghiệp số, bao gồm các hoạt động từ phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng hoàn chỉnh hệ thống EVNHCMC's Cloud, đảm bảo sẵn sàng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng giám đốc EVNHCMC - cho biết Tổng công ty đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt mức phát triển ngang tầm các công ty điện lực hàng đầu của các nước tiên tiến trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. "EVNHCMC sẽ không ngừng đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu trở thành một doanh nghiệp chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm "3M" là Mọi việc - Mọi lúc - Mọi nơi, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, ổn định cho thành phố và góp phần xây dựng đô thị thông minh" - Tổng giám đốc EVNHCMC khẳng định.

Ông Phạm Quốc Bảo (Bí thư Đảng ủy, chủ tịch Tổng công ty Điện lực TPHCM).

EVNHCMC sẽ xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số ở mức nâng cao, bao gồm các hoạt động từ phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, các hoạt động quản trị doanh nghiệp số, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, góp phần thúc đẩy cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của cả nước và góp phần xây dựng thành phố thông minh.

Những con số chuyển đổi số ấn tượng của EVNHCMC

- Tự động hóa 100% lưới điện.

- Hoàn tất số hóa lưới điện trên nền bản đồ GIS.

- 100% ứng dụng hiện trường trong khâu quản lý lưới điện và quản lý khách hàng đều được thực hiện trên thiết bị di động.

- Triển khai đo đếm từ xa công tơ điện tử cho gần 100% số khách hàng.

- Cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đối với 19/19 loại hình dịch vụ.

- Vận hành Tổng đài chăm sóc khách hàng đa kênh đầu tiên trong EVN.

- Triển khai các ứng dụng giám sát từ xa các công trình đầu tư xây dựng. Xây dựng trạm biến áp số 110 kV (Digital Substation) đầu tiên của TP.HCM.


6 trụ cột chính để đo lường mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp (Theo Deloitte & Diễn đàn TM). Bộ Thông tin và truyền thông tham chiếu và hiệu chỉnh phù hợp cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Link gốc

 

Theo: Tuổi trẻ