Sự kiện

Trên công trường Thuỷ điện Tà Làng

Thứ tư, 26/8/2009 | 09:48 GMT+7

Đúng 2h15, đêm ngày 10.8 trong sự hồi hộp đến nín thở của hàng chục kỹ sư, công nhân và lãnh đạo nhà máy thuỷ điện Tà Làng 2 tổ máy phát điện với công suất 4,5 MW chính thức vận hành phát ra dòng điện mới hoà vào lưới điện quốc gia sau tròn 2 năm kể từ ngày đặt nền móng đầu tiên thi công công trình thuỷ điện này tại khu vực suối Tà Loòng, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể.

Bắc Kạn sẽ tiếp tục tận dụng các nguồn lợi tự nhiên của tỉnh để đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.
Đây là công trình thuỷ điện đầu tiên xây dựng thành công tại tỉnh, nó lại càng có ý nghĩa đặc biệt bởi khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Bắc Kạn (24/8/1949-24/8/2009). Cùng với những con số đáng chú ý như: Khi chưa tách tỉnh,  Bắc  Kạn chỉ có 12 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện chỉ chiếm 20%, nhưng giờ đây 100% số xã, phường, thị trấn có điện; trên 83% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, trong đó 83,5% là hộ dân nông thôn thể hiện sự phát triển khá nhanh của ngành điện cũng như những nỗ lực không ngừng để có được kết quả đáng tự hào đó.

Trước đây rất nhiều lần chúng tôi đặt vấn đề viết bài về nhà máy nhưng lần nào cũng nhận được sự từ chối khéo của anh Hoàng Vũ Phong- ông chủ của nhà máy, bởi một lẽ rất đơn giản: khi ấy công trình vẫn chưa đâu vào đâu, không thể nói trước được điều gì, chỉ đến bây giờ khi dòng điện chính thức phát lên lưới, máy móc vận hành nhịp nhàng anh Phong sẵn sàng tận tình đưa chúng tôi đến tận nơi. Giờ mới là lúc anh thở phào nhẹ nhõm sau mấy đêm liền thức trắng cùng các cộng sự điều chỉnh, khắc phục các sự cố nhỏ tại buổi đầu chạy thử tải. Sau 3 ngày phát điện lên lưới suôn sẻ, đúng  11h ngày 13/8 được sự uỷ quyền của Công ty Điện lực I-đơn vị mua điện của nhà máy,  Điện lực Bắc Kạn đã chính thức chốt số thương mại đối với nhà máy. Nghĩa là từ nay trở đi, Thuỷ điện Tà Làng là một trong những nguồn cung cấp điện cho cả nước.

Tại tổ máy phát điện ông Bùi Văn Minh-Giám đốc điều hành nhà máy- người đã có gần 30 năm trong nghề thuỷ điện, đã từng lăn lộn ở công trình thuỷ điện Thác Bà cho biết: Buổi đầu chạy thử tải chúng tôi chạy 2,5 MWnay nâng lên 4,5 MW và có thể tối đa là 5 MW. Mùa mưa máy chạy đều 24/24h, mùa khô qua khảo sát vẫn có thể chạy được 8h/1ngày với công suất 60-70% của máy. Như vậy sản lượng điện thương phẩm xấp xỉ 18 triệu kW/h/năm. Trung bình mỗi tháng nhà máy thu về 1,5 tỷ đồng bán điện.        

Ngoài chi phí trả cho kỹ sư, công nhân quản lý vận hành máy (chỉ có 19 người) và các chi phí khác không đáng kể, ông Phong khẳng định chỉ sau 10 năm nhà máy hoàn toàn có thể trả hết nợ ngân hàng. Trong khi đó tuổi thọ của nhà máy được tính là 50 năm. Ví dụ như Thuỷ điện Thác Bà, đến nay đã được 39 năm vẫn chạy tốt.

Kể về quá trình xây dựng nhà máy, anh Phong- giám đốc tuổi rất trẻ mới 30 tuổi năng động, nhiệt tình, quyết đoán cho biết:  tháng 6.2007 qua nghiên cứu  về thuỷ điện vừa và nhỏ ở tỉnh ta, anh nhận thấy đây là lĩnh vực khá mới nhưng rất có tiềm năng, mặc dù ngành nghề chính mà anh đang kinh doanh đó là vật liệu xây dựng, sản xuất gạch ốp lát, gạch tuylen. Chỉ trong thời gian ngắn ý tưởng đó đã theo đuổi thôi  thúc anh thực hiện bằng được, với sự nỗ lực rất lớn tháng 8.2007 công trình đã chính thức khởi công. Sau tròn 2 năm công trình hoàn thành, chỉ chậm so với kế hoạch ban đầu 3 tháng do sự cố mưa lũ tháng 5.2009. Trận mưa ngày 19/5 đã làm sạt lở lượng đất đá khiến 150m đường ống bị uốn cong thiệt hại 4 tỷ đồng của công ty. Tuy nhiên trong suốt quá trình thi công trên công trường có lúc lên tới 500 kỹ sư, công nhân, nhưng an toàn tuyệt đối, không xảy ra bất cứ sự cố đáng tiếc nào. Đây là điều rất may mắn, bởi thường các công trình thuỷ điện, do điều kiện thi công nguy hiểm, núi cao vực sâu nên rất hay xảy ra tai nạn lao động. Hơn nữa điều kiện thi công ở đây cực kỳ khó khăn vất vả do địa hình cao, địa chất không ổn định nhiều đá mồ côi…

Thuỷ điện Tà Làng đưa vào hoạt động vừa tạo ra dòng điện mới, bù đắp sự thiếu hụt điện năng của quốc gia, vừa tạo công ăn việc làm cho công nhân lao động, bình quân thu nhập của công nhân vận hành là trên 3 triệu đồng/tháng (chủ yếu là thanh niên địa phương ở các xã Đồng Phúc, Bằng Phúc, Thị xã Bắc Kạn được nhà máy đưa đi đào tạo), vừa đóng góp cho ngân sách nhà nước. Với sản lượng điện bán như vậy, theo ông Phong sắp tới bình quân mỗi năm nhà máy phải nộp ngân sách nhà nước gồm các loại khoảng từ 5 tỷ đến 7 tỷ đồng. Nhà máy thuỷ điện Tà Làng còn có thể cấp điện cho toàn bộ hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như sinh hoạt của huyện Chợ Đồn nếu như có sự cố mất điện đường dây 110 kV từ Thái Nguyên lên, nhánh  rẽ 135 kV vào huyện, cũng như huyện Ba Bể nếu được đổi pha cũng nhánh rẽ Chợ Đồn, vì đây là khu du lịch của tỉnh.

Niềm đam mê làm thuỷ điện của giám đốc Hoàng Vũ Phong còn đang tiếp tục bởi dự án Thuỷ điện sông Năng 1 với công suất cao hơn 8 MW. Hiện nay dự án này đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục liên quan. Hiện nay quy hoạch tỉnh ta có khoảng 28 điểm có thể làm thuỷ điện vừa và nhỏ, đây là tiềm năng để các nhà đầu tư quan tâm.Theo ông Phong, làm thuỷ điện là phải nghĩ tới lợi ích lâu dài, sau 10 năm; 20 năm và xa hơn nữa. Đầu tư thuỷ điện sẽ có lãi nếu vận hành tốt, đầu ra sản phẩm không lo thừa, luôn ổn định. Đó chính là lý do khiến anh khá tâm đắc với ngành nghề này. Tuy nhiên với số vốn đầu tư khá lớn: 102 tỷ đồng cho một nhà máy có công suất 4,5 MW, đòi hỏi các ngân hàng phải tích cực tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, cùng với sự tạo điều kiện ủng hộ của các cấp, các ngành chức năng.

Sau 60 năm giải phóng, từ một tỉnh thuần nông, giờ đây công nghiệp tỉnh ta ngày một phát triển. Sự kiện tạo ra dòng điện mới tại thuỷ điện Tà Làng trong tháng 8 lịch sử này hoà vào lưới điện quốc gia là một điểm nhấn quan trọng khẳng định sự đóng góp quan trọng của công nghiệp Bắc Kạn vào sự phát triển chung của ngành điện cả nước cũng như sự vươn lên mạnh mẽ thể hiện sức mạnh nội lực của con người Bắc Kạn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập của  đất nước

Theo: Báo ĐT Bắc Cạn