Sự kiện

Một số vấn đề về công tác bàn giao - tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn

Thứ sáu, 14/8/2009 | 13:42 GMT+7

Sau hơn 4 năm thực hiện Luật Điện lực, công tác mua bán điện nói chung,  kinh doanh điện tại khu vực nông thôn nói riêng từng bước đã được điều chỉnh theo hướng tuân thủ pháp luật và các quy định của Nhà nước. Việc chuyển đổi mô hình từ các Tổ, Ban quản lý điện xã sang hoạt động trong các HTX dịch vụ tổng hợp hay dịch vụ điện năng đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, vận hành, kinh doanh điện nông thôn.

Công nhân ngành điện thi công cải tạo, nâng cấp lưới điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng với chất lượng ổn định và tin cậy (Ảnh: Ngọc Hùng)
Tuy nhiên, mô hình HTX kinh doanh điện nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với các quy định và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, thể hiện qua một số điểm sau:

Do đặc điểm lưới điện nông thôn hình thành từ nhiều nguồn như vốn ngân sách, vốn địa phương đứng ra vận động nhân dân đóng góp, vốn từ nguồn miễn thuế nông nghiệp, vốn của HTX, vốn vay..., trong đó chủ yếu là vốn ngân sách và vốn huy động của dân. Khi chuyển đổi từ UBND xã quản lý sang HTX, việc xác định từng nguồn vốn chưa được thực hiện triệt để do đó đối với nhiều HTX quản lý điện chỉ đóng vai trò "hữu danh vô thực" đối với tài sản lưới điện. Chính vì thế các HTX chủ yếu tập trung vào kiếm lời trong kinh doanh điện trên tài sản hiện có mà chưa tuân thủ việc khấu hao tài sản để sửa chữa, nâng cấp lưới điện cũng như thực hiện nghĩa vụ đối với các nguồn vốn ngân sách, dân góp ...

Hoạt động kinh doanh điện đòi hỏi tập trung vốn lớn, trình độ chuyên môn, quản lý mang tính chuyên ngành cao, lực lượng lao động không nhiều, do đó không phù hợp với hình thức "kinh tế tập thể" được xây dựng trên cơ sở "nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức" của các thành viên lập ra theo Luật Hợp tác xã.

Đa số lưới điện đưa vào vận hành từ lâu, các HTX chủ yếu tập trung khai thác sử dụng mà không duy tu, sửa chữa thường xuyên nên đến nay đã xuống cấp; hầu hết các đường nhánh rẽ hoàn toàn do các hộ dân tự làm không có hồ sơ thiết kế, dây dẫn không đảm bảo kỹ thuật, kéo từ nhà này sang nhà khác treo trên cột bê tông tự đúc, thậm chí có nơi còn tận dụng cả cây phi lao, tre hoặc luồng làm cột điện. Do vậy, tổn thất điện năng và nguy cơ mất an toàn về điện rất cao.

Trong công tác quản lý của các HTX còn nhiều bất cập, phần lớn các HTX hoạt động chưa có hiệu quả, đội ngũ cán bộ năng lực quản lý yếu nên quản lý chưa mang tính chuyên nghiệp, công tác kiểm soát tài chính chưa được quan tâm và thực hiện chưa nghiêm. Đặc biệt, đa số các HTX hoạt động kinh doanh điện chưa tuân thủ hoạt động theo đúng Luật Điện lực như còn bắt dân đóng góp tiền để đầu tư cải tạo lưới điện, lắp đặt công tơ; chưa ký hợp đồng mua bán điện, áp sai giá bán điện ...; hoạt động thu chi, hạch toán kinh doanh chưa đúng với Luật Kế toán - thống kê...

Từ những vấn đề nêu trên, để công tác kinh doanh điện nông thôn tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn cần thiết phải có sự thay đổi lớn về nội dung và hình thức quản lý. Một trong những biện pháp mà Nhà nước đưa ra theo Quyết định 21/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đó là bàn giao cho ngành điện tiếp nhận bán lẻ đến hộ dân nông thôn.

Việc bàn giao cho ngành điện bán lẻ đến hộ dân nông thôn chính là nhằm thực hiện chính sách giá điện cho người nghèo của Chính phủ, tạo điều kiện cho hộ dân nông thôn được sử dụng điện an toàn, chất lượng điện ổn định, đảm bảo khách hàng nông thôn bình đẳng về quyền lợi sử dụng điện như khách hàng tại khu vực thành phố, không phân biệt giữa thành thị và khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho các hộ dân, cho địa phương trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn và giữ vững an ninh quốc phòng.

Lợi ích từ việc giao cho ngành điện tiếp nhận bán lẻ đến hộ, có thể đánh giá ở các khía cạnh:

Đối với các hộ dân nông thôn: Được mua điện của ngành điện đúng theo giá của Chính phủ quy định, các chính sách của Nhà nước về sử dụng điện được đến trực tiếp với người dân, không phải qua các khâu trung gian; được hưởng trực tiếp các dịch vụ của ngành điện; được sử dụng điện an toàn với chất lượng đảm bảo ổn định và tin cậy; không phải quản lý, đóng góp để sửa chữa, xây dựng, nâng cấp lưới điện khi nhu cầu sử dụng điện tăng lên hoặc đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành nghề tại địa phương.

Đối với chính quyền và cộng đồng xã hội: Giảm thất thoát điện năng tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm điện theo chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của Chính phủ. Đồng thời cũng chính là giảm lãng phí xã hội do việc thất thoát điện năng gây ra. Địa phương giảm nhẹ được gánh nặng phải dành ngân sách để lo đảm bảo điện phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống của nhân dân; giảm nhẹ quá trình kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ chính sách, quy định của Nhà nước trong lĩnh vực mua bán điện.

Đối với ngành điện: Mở rộng thị trường bán điện, có điều kiện để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, nâng cao uy tín của ngành điện nói riêng cũng như Nhà nước và hệ thống chính trị nói chung đối với cộng đồng và xã hội; có điều kiện để thực hiện giảm tổn thất điện năng trên lưới điện hạ áp nông thôn, góp phần tiết kiệm, nâng cao khả năng cung cấp điện, giảm thiểu khả năng thiếu điện, dành được nhiều điện hơn cho phục vụ sản xuất, phục vụ phát triển đất nước.

Bàn giao cho ngành điện bán lẻ đến hộ dân khu vực nông thôn là một chủ trương lớn của Nhà nước, góp phần quan trọng vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và các nghị quyết của địa phương “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Do đó, để làm được điều này, ngoài sự quyết tâm nỗ lực của ngành điện, cần có sự ủng hộ của nhân dân và đặc biệt là sự phối hợp của chính quyền địa phương trong suốt quá trình thực hiện.

Theo: PC3