Triển vọng TTCK 6 tháng cuối năm

Thứ tư, 11/8/2010 | 10:29 GMT+7
Trong báo cáo về thị trường 6 tháng đầu năm, CTCK Phố Wall (WSS) cho rằng trong 6 tháng vừa qua, TTCK Việt Nam không có nhiều biến động mạnh mà chủ yếu giao động trong biên độ hẹp với thanh khoản khá tẻ nhạt và đưa ra kịch bản 3 giai đoạn cho TTCK trong thời gian tới.

Nhìn một cách toàn diện, bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới trong nửa đầu năm 2010 là một bức tranh nhiều mảng với những mảng tối của cuộc khủng hoảng nợ công đang bao trùm toàn Châu Âu và có nguy cơ gây hiệu ứng lan rộng. Những điểm sáng từ sự phục hồi của những nền kinh tế hàng đầu là Mỹ, Nhật Bản, cũng như đà tăng trưởng mạnh mẽ vẫn được duy trì của các nền kinh tế mới nổi.

Kinh tế Mỹ lại cho thấy đà phục hồi chưa thật sự vững chắc, đồng thời lạm phát và bong bóng BDS tại các nền kinh tế phát triển nóng mà cụ thể là Trung Quốc cũng là những vấn đề sẽ góp phần ảnh hưởng tới cục diện kinh tế toàn cầu trong nửa năm còn lại. WSS cho rằng, đây chỉ là giai đoạn tạm thời trầm lắng của kinh tế trong quá trình hồi phục.

Kinh tế vĩ mô trong nước, tổng sản phẩm trong nước quý I/2010 tăng 5.83% so với cùng kỳ năm 2009, quý II/2010 tăng 6.4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 109.8% tốc độ tăng quý I/2010. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước tăng 6.16% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, mức thâm hụt thương mại vẫn có xu hướng tăng cao và tạo nguy cơ bất ổn tỷ giá trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức khá khiêm tốn và chưa có tín hiệu rõ ràng cho sự cải thiện tình hình này.

Trong 6 tháng vừa qua, TTCK Việt Nam không có nhiều biến động mạnh mà chủ yếu giao động trong biên độ hẹp với thanh khoản khá tẻ nhạt. Chỉ số VN-Index xuất phát năm 2010 quanh mốc 500 điểm và khi kết thúc 6 tháng đầu năm cũng chỉ dừng lại ở mốc này. Ngoại trừ đợt sóng của các penny stocks vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, thị trường gần như đi ngang trong tâm lý rất thận trọng của giới đầu tư và sự khan hiếm dòng tiền.

Trên phương diện phân tích kỹ thuật, hai đường Trendline hỗ trợ và kháng cự cho VN-Index từ năm 2006 trở lại đây đang có xu hướng hội tụ và hình thành “vùng xoay chuyển chiến lược”. Nếu phá vỡ đường trendline kháng cự sẽ mở ra chu kỳ phục hồi, ngược lại nếu xuyên thủng đường trendline hỗ trợ sẽ đi vào thoái trào. Có nghĩa sẽ tạo ra sự thay đổi trong chiến lược đầu tư chung trên toàn thị trường. Đây là giai đoạn rất nhạy cảm của TTCK, khi nút thắt xoay chuyển chiến lược sẽ xuất hiện trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, WSS đưa ra kịch bản thị trường trong 3 giai đoạn:

Giai đoạn tháng 7-8: Tiếp tục đi ngang hoặc suy giảm nhẹ

Thị trường có khả năng đánh mất mốc tâm lý 500 điểm và giảm xuống sát mốc 480 điểm trong bối cảnh thị trường thế giới tiếp tục ảnh hưởng xấu đến chứng khoán trong nước và chưa có tín hiệu rõ ràng hơn trong động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, khả năng giảm sâu rất khó xảy ra, bởi trong quá khứ mốc 480 điểm đã được test khá nhiều lần và tỏ ra khá vững.

Giai đoạn tháng 9 -10: Kỳ vọng sự phục hồi trở lại 550 điểm

Thị trường có thêm kỳ vọng về KQKD quý III/2010 của các DNNY. Dự báo, đây là quý mà các DN tập trung mạnh nhất vào hoạt động SXKD nhằm đạt được kế hoạch đề ra và thường là quý đóng góp lớn nhất trong kết quả cả năm. Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, NHNN cần thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế dần ổn định trở lại, nhiều khả năng thị trường trong nước sẽ có những bước phục hồi với mục tiêu trước mắt là 550 điểm cho VN-Index.

Giai đoạn tháng 11 - 12: Kỳ vọng tăng trưởng hợp lý 20%/năm

Mặc dù kỳ vọng về sự phục hồi trở lại của thị trường trong 6 tháng cuối năm là rất lớn, nhưng khả năng bứt phá mạnh khó có thể xảy ra trong bối cảnh TTCK toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với một loạt các vẫn đề khó có thể giải quyết triệt để ngay trong năm 2010. Do vậy, kỳ vọng hợp lý cho sự tăng trưởng của thị trường trong năm nay được WSS đặt ra là khoảng 20%.
Theo: ATPvietnam