Sự kiện

Trò chuyện với ông Trần Minh Khâm- Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia: Giá trị thực chất sẽ còn lại với thời gian

Thứ tư, 10/6/2009 | 10:28 GMT+7

“Câu chuyện về đường dây 500 kV mạch 1 cách đây 15 năm? Tôi sợ mình quên rất nhiều vì cũng nghỉ hưu lâu rồi” – Ông đã nói như vậy khi tôi điện thoại đề nghị một cuộc phỏng vấn. Điều đó khiến tôi không khỏi băn khoăn. Nhưng khi được trực tiếp cùng ông trò chuyện, thật khác xa với hình dung của tôi, ông vẫn rất phong độ, cởi mở, chân thành, gần gũi và dường như câu chuyện về đường dây 500 kV mạch 1 với những kỷ niệm đẹp đẽ vẫn đong đầy trong ký ức của ông…


PV: Năm 1994, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (Ao) được thành lập. Một đơn vị mới đã mang sẵn những khó khăn nhất định của sự khởi đầu nan, lại phải gánh vác trọng trách nặng nề là chuẩn bị phương thức đóng điện và vận hành hệ thống truyền tải điện cao áp 500 kV Bắc – Nam. Vào thời điểm nhận quyết định là Giám đốc đầu tiên của Ao, với tất cả những thách thức, trọng trách, sứ mệnh như vậy, ông nhận định như thế nào về khả năng thành công của Ao nói riêng và công trình xây dựng đường dây 500 kV nói chung?

Ông Trần Minh Khâm: Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi tương tự như vậy cách đây hơn 15 năm. Tôi cũng nhớ, khi lựa chọn một cán bộ về làm phó giám đốc cho Ao, câu đầu tiên anh ấy hỏi tôi là: Anh có tin vào sự thành công của đường dây hay không? Ngày ấy, nếu tôi còn một chút băn khoăn, có lẽ anh ấy sẽ  rút lui.

Thời gian đó, việc xây dựng đường dây 500 kV gây xôn xao dư luận với các ý kiến trái ngược nhau. Rất nhiều nhà chính trị, khoa học, kinh tế có uy tín… lên tiếng phản đối. Ngay cả miền Trung, miền Nam rất thiếu điện, nhưng dư luận tại những khu vực này cũng không hoàn toàn ủng hộ vì theo logic đơn thuần: Tự xây dựng một nhà máy điện trên địa bàn sẽ chủ động hơn. Việc truyền tải điện qua 1500 km Bắc – Nam sẽ không hiệu quả bằng truyền tải điện trong khoảng cách vài trăm km. Còn việc dư thừa công suất điện tại miền Bắc tại thời điểm đó thì cũng có một lời giải khác được đề xuất là: Bán điện cho Trung Quốc.

Nhưng Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Khi dư luận còn tranh cãi là lựa chọn giải pháp nào thì ông đã có quyết định hết sức sáng suốt: Không bán một kWh điện nào cho Trung Quốc và sẽ xây dựng đường dây 500 kV mạch 1. Quyết định táo bạo này được thực thi một cách quyết liệt và không phải thông qua quá nhiều cơ quan để lấy ý kiến hay bàn thảo, vì theo Cố Thủ tướng: Những gì không muốn thực thi thì đưa ra bàn. Cái cần làm thì không nên muộn hơn. Công trình đã được xây dựng “thần tốc” với một sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn ngành Điện, với sức mạnh tổng hợp của cả nước.

Tuy nhiên, sự hoài nghi và phản đối của dư luận về công trình này vẫn cứ đeo đẳng cả đến khi đường dây chính thức đi vào vận hành trong những năm đầu tiên và cũng tạo thành một áp lực rất lớn đối với tất cả những đơn vị tham gia xây dựng, quản lý, vận hành đường dây.

PV: Trở lại câu hỏi của người mà ông lựa chọn vào vị trí phó giám đốc Trung tâm lúc bấy giờ: Ông có thực sự tin tưởng vào thành công của đường dây không? Trong suốt hơn 2 năm xây dựng đường dây, có sự việc hay diễn biến nào khiến ông băn khoăn hay e ngại về khả năng thất bại hay không?

Ông Trần Minh Khâm: Niềm tin thì rất lớn. Nếu không có niềm tin thì không phải cá nhân tôi mà tất cả những cơ quan, địa phương, đơn vị tham gia sẽ không thể đi trọn vẹn con đường đã lựa chọn. Nhưng đó không phải là niềm tin cảm tính. Bởi trước hết, với tất cả các căn cứ khoa học, trong đó thuyết phục nhất là báo cáo tiền khả thi mà Tư vấn Nhật Bản xây dựng và tặng cho Chính phủ Việt Nam đã khẳng định sự cần thiết, tính khả thi của công trình này. Sau đó, Chính phủ Úc cũng đã nghiên cứu rất sâu sắc về dự án và quyết định cấp kinh phí, cử chuyên gia sang giúp đỡ chúng ta về kỹ thuật. Vào thời điểm đó, với thâm niên gần 30 năm làm việc trong ngành Điện, cá nhân tôi cũng hiểu được phần nào những gì ngành Điện chúng ta cần và có thể làm được, nên niềm tin đó gần như là tuyệt đối. Song, sức ép là không thể tránh khỏi, bởi muôn vàn khó khăn, thách thức đặt ra: Lần đầu tiên xây dựng một công trình thế kỷ trong khi nhân lực, vật lực, kinh nghiệm của Việt Nam hạn chế. Mặc dù có sự trợ giúp của nước ngoài, song nếu chúng ta “yếu” quá, thì họ cũng không thể “gánh” giúp được.

PV: Đường dây 500 kV mạch 1 được xây dựng, vận hành với sự tham gia của rất nhiều đơn vị và mỗi bộ phận lại đối mặt với những thách thức. Còn riêng với Ao trong thời điểm mới thành lập ấy, khó khăn lớn nhất là gì?

Ông Trần Minh Khâm: Đó là giải những bài toán lần đầu tiên đặt ra khi điều hành, chỉ huy một hệ thống điện quốc gia thống nhất 3 miền. Việc quản lý, vận hành hệ SCADA bao gồm các máy chủ, các thiết bị xử lý tại trung tâm, các thiết bị đầu cuối ở các trạm và các nhà máy điện để điều hành hệ thống truyền tải điện quốc gia… là những vấn đề vô cùng mới mẻ và phức tạp.

Nhân lực của Trung tâm cũng rất ít ỏi, hầu hết là các kỹ sư trẻ, còn những người có thâm niên thì cũng chỉ có kinh nghiệm trong công tác điều độ hệ thống điện miền với cấp điện áp cao nhất đến 220 kV. Tuy nhiên, chuẩn bị cho sự ra đời của Ao, các lớp cán bộ, kỹ sư điều độ đã được gửi đi đào tạo gấp ở nước ngoài, cũng như tìm hiểu thực tế các nhà máy điện, hệ thống lưới điện trên cả nước. Nhưng tiến độ thi công đường dây thì quá căng, mà quỹ thời gian dành cho Trung tâm còn ít ỏi hơn. (Hợp đồng hệ thống SCADA được ký muộn nhất trong số các hợp đồng cung cấp thiết bị đường dây 500 kV - vào tháng 11/1992). Cùng với các chuyên gia của Úc, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Trung tâm đã nỗ lực vừa học, vừa làm, gấp rút thực hiện các công tác: Kiểm tra, tính toán các phương án phóng điện, hòa điện đường dây, phương án vận hành hệ thống hiện hợp nhất sau khi hòa điện, kiểm tra tính toán các trị số chỉnh định rơ le, bảo vệ, các phiếu thao tác…

Đặc biệt, trong thời gian thử nghiệm 3 tháng trước khi đóng điện, cán bộ kỹ sư Ao phải làm việc căng thẳng, miệt mài không có ngày nghỉ, hàng ngày trung bình từ 7h30 sáng cho đến 12h đêm. Tôi vẫn nhớ như in những hình ảnh của ngày 27/5/1994 – ngày đóng điện đường dây 500 kV mạch 1. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Năng lượng và rất nhiều các đơn vị, các cơ quan thông tấn, báo chí đã có mặt tại Ao để chứng kiến sự kiện ghi dấu mốc quan trọng này.

Bản thân tôi và các cán bộ, kỹ sư của Ao đều rất hồi hộp, mặc dù đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Trước giờ đóng điện, phóng viên Minh Thu nói với tôi: “Không đóng điện thành công là anh “chết” đấy”. Biết bao tiền bạc của Nhà nước, bao mồ hôi, nước mắt của hàng ngàn người lao động đã đổ xuống trên đại công trình dọc chiều dài đất nước suốt hơn 2 năm ròng rã… Không thể không hòa điện thành công.

Và cho đến khi chuông tín hiệu của Trung tâm vang lên, tín hiệu máy cắt từ Trạm 500 kV Đà Nẵng khẳng định hòa điện đường dây 500 kV thành công, tất cả đã òa lên trong tiếng vỗ tay, niềm vui, còn tôi thì hạnh phúc tràn ngập. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất, một ngày thực sự cảm động trong cuộc đời tôi.

PV: Trải qua 15 năm, sự thành công của công trình thế kỷ này với những giá trị về kinh tế, xã hội của đường dây đã không thể phủ định và không còn gì để bàn cãi. Nhưng với tư cách là người “trong cuộc”, ông còn thấy điều gì chưa thực sự trọn vẹn hay không?

Ông Trần Minh Khâm: 2 năm vừa thiết kế - vừa thi công, với một sơ đồ tiết kiệm bậc nhất, các thiết bị ở mức tối thiểu mà vẫn đảm bảo kỹ thuật và tính an toàn của hệ thống, đường dây 500 kV mạch 1 được xây dựng và đi vào vận hành thành công đã tạo nên một kỳ tích, khiến nhiều nước trên thế giới khâm phục. Nhưng không có gì là hoàn hảo tuyệt đối. Trong giai đoạn đầu vận hành, do nhiều nguyên nhân, xác suất sự cố trên đường dây là khá cao. Có một thực tế là đường dây 500 kV chạy dọc chiều dài đất nước đi qua những địa hình đặc thù của Việt Nam, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng nhiệt đới gió mùa thì công tác quản lý, vận hành gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn đầu, tất cả còn rất bỡ ngỡ, mới mẻ. Một số đơn vị quản lý đường dây không chặt được hết những cây có thể gây sự cố… Và từ những sự cố xuất hiện sau đó như hỏng tụ phân áp các máy biến áp đo lường, xì khí máy cắt,… ngành Điện đã tìm ra các nguyên nhân, nghiên cứu các giải pháp khắc phục kịp thời và đúc rút được những kinh nghiệm hết sức quý giá trong công tác quản lý thiết bị, vận hành và đầu tư xây dựng hệ thống điện những năm tiếp theo.

PV: Đến nay, nhiều ý kiến lại cho rằng, lẽ ra chúng ta phải xây dựng đường dây 500 kV sớm hơn nữa. Việc đến năm 1994 mới hợp nhất hệ thống điện quốc gia cho thấy khả năng quy hoạch và tầm nhìn dài hạn của chúng ta còn hạn chế?

Trần Minh Khâm: Đúng là đứng ở thời điểm hiện tại sẽ thấy việc xây dựng đường dây 500 kV đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng nền kinh tế Việt Nam đầu những năm 90 còn rất thấp kém, lạm phát ở mức 3 con số. Và xây dựng đường dây 500 kV mạch 1 ở Việt Nam vào thời điểm đó đã là một quyết định quá táo bạo, gây chấn động dư luận. Ngay cả Ngân hàng Thế giới (WB) – nơi tài trợ cho rất nhiều dự án lớn cũng không ủng hộ vì cho rằng chúng ta quá mạo hiểm. Nhưng sau này, qua theo dõi quá trình vận hành của đường dây mạch 1, với con mắt nhạy bén, WB đã cho EVN vay tiền để tiếp tục xây dựng đường dây 500 kV mạch 2. Việc xây dựng một công trình lớn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Nếu muốn mà không có vốn, không có đủ nhân lực, vật lực, chúng ta cũng chỉ đành “lực bất tòng tâm” mà thôi…

Thực tế, từ trước đến nay, ngành Điện luôn đứng trước rất nhiều luồng dư luận khác nhau. Còn đối với những người làm trong ngành Điện, chúng tôi hiểu rất rõ tất cả những lợi ích của việc kết nối lưới điện quốc gia. Không chỉ có đầy đủ những cứ liệu kinh tế và kỹ thuật về những ưu việt của việc cân bằng năng lượng, sử dụng tối ưu năng lượng sơ cấp từng vùng miền trong hệ thống điện quốc gia, mà tôi còn tin là trong sâu thẳm tình cảm của mỗi CBCNV ngành Điện, việc hợp nhất hệ thống điện quốc gia còn mang một ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Bởi sau khi thống nhất đất nước (năm 1975), đường bộ, đường sắt, viễn thông và một số hệ thống khác đã được kết nối xuyên suốt Bắc – Nam và rất lâu, rất lâu sau, hệ thống điện quốc gia mới chính thức hợp nhất, đóng dấu bằng một dấu mốc lịch sử: Đóng điện đường dây 500 kV mạch 1. Trải qua hơn 15 năm, tất cả những gì chúng ta có được – giá trị kinh tế, xã hội, những kinh nghiệm quý giá trong quản lý, vận hành từ đường dây 500 kV mạch 1, tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của hệ thống điện quốc gia, để đến nay lại tiếp tục với đường dây 500 kV mạch 2… đều được đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt của hàng ngàn người lao động. Tôi tin là 15 năm cũng là một chặng đường đủ dài để khẳng định những giá trị thực chất luôn vững bền với thời gian.

PV: Vâng. Những người làm điện hôm nay và sau này vẫn mãi ghi nhớ công lao của thế hệ các bác, các chú – những người đã cống hiến tất cả sức lực và trí tuệ, vượt qua biết bao thăng trầm, góp phần xây dựng ngành Điện ngày càng phát triển rực rỡ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo: Tạp chí điện lực