Công nhân TTĐ Pleiku sửa chữa , bảo dường đường dây 500kV - Ảnh: Ngọc Hà
Truyền tải điện Pleiku (TTĐ Pleiku) được Công ty Truyền tải điện 3 giao nhiệm vụ QLVH, sửa chữa lưới điện Quốc Gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai gồm 7 tuyến đường dây cấp điện áp từ 220kV đến 500kV với tổng chiều dài 449 km. Cái khó khăn cơ bản trong quản lý vận hành của TTĐ Pleiku đó là các đường dây đơn vị quản lý chủ yếu đi qua các vùng rừng núi, các vườn cao su, tiêu, cà phê, nương rẫy trên vùng đất đỏ ba gian, do đó thường xảy ra cháy dưới hành lang, sứ bị nhiễm bẩn khi có sương muối dễ gây phóng điện trên chuỗi cách điện, đó là những nguy cơ gây sự cố đường dây. Các vụ vi phạm hành lang lưới điện như: cao su vươn cao vi phạm hành lang, dân trồng cây, làm nhà trong hành lang. Đường dây đơn vị quản lý trải dọc từ các nhà máy thủy điện Yaly, Sê San 3, Sê San 3A về trạm biến áp 500kV Pleiku và từ trạm Pleiku đến khu vực giáp gianh với tỉnh Đắc Lắc và tỉnh Bình Định. Nói như thế bạn đọc đều đã có thể hình dung gần 500km đường dây của TTĐ Pleiku chủ yếu nằm trong rừng, núi cao. Khó khăn như thế, việc đảm bảo quản lý vận hành cung cấp điện an toàn liên tục, không để xảy ra sự cố lưới điện lại là một công việc không hề đơn giản chút nào.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Đức Lý – Trưởng truyền tải cho biết: Theo quy định của ngành, hiện nay đơn vị quả lý 243 km đường dây 500kV thì suất sự cố thoáng qua cho phép là 0,64 lần và đối với 206 km đường dây 220kV thì xuất sự cố thoáng qua cho phép là 1,8 lần, còn sự số vĩnh cửu thì hoàn toàn không được phép. Nói như thế để có thể thấy đường dây 500kV chỉ cần xảy 1 lần sự cố thoáng qua và đối với đường dây 220kV xảy ra 2 lần sự cố thoáng qua thì xem như chúng tôi không đạt chỉ tiêu này. Tuy nhiên đội ngũ kỹ sư công nhân vận hành của đơn vị luôn được trau dồi, tích luỹ kinh nghiệm qua thực tiễn quản lý vận hành hệ thống điện Quốc gia cùng với một tập thể có truyền thống đoàn kết nội bộ, có đội ngũ CBCNV tâm huyết với công việc nên đã giúp chúng tôi quản lý tốt hệ thống đường dây trên phạm vi của mình.
Thực tế cho thấy để đảm bảo được tuyệt đối an toàn cho các đường dây truyền tải điện cao áp là một việc không dễ dàng. Qua tìm hiểu được biết, trước đây cứ sau mỗi lần xảy ra sự cố, bằng mọi cách cả đơn vị phải tìm cho ra nguyên nhân chính của sự cố để phân tích và đưa ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Một trong những nguyên nhân chính gây ra sự cố đường dây trước đây đã được đơn vị xác định có 2 nguyên nhân cơ bản. Một là do tình trạng người dân đốt rừng làm nương rẫy gây sự cố đường dây cũng như một số hộ dân đã vi hành lang an toàn lưới điện. Để giải quyết vấn đề này, TTĐ Pleiku đã bám sát các nội dung Nghị định 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2006 TT-BCN của Bộ Công Nghiệp, đơn vị đã kết hợp chặt chẽ với Phòng PA17 Công an tỉnh Gia Lai và chính quyền địa phương nơi có đường dây đi qua, tuyên truyền giáo dục cho nhân dân về ý thức bảo vệ lưới điện Quốc Gia cũng như làm việc với các Nông trường, Công ty và các hộ dân chặt tỉa cành và ngọn cây cao su, cây cao khác ngoài hành lang có nguy cơ gây mất an toàn lưới điện, giải tỏa những công trình là nhà cửa cơi nới xây mới và phối hợp với chính quyền địa phương xử phạt hành chính các hộ dân vi phạm hành lang an toàn lưới điện và tổ chức thực hiện cam kết PCCC với đồng bào địa phương. Hai là nhiều đường dây đã đưa vào vận hành lâu năm, thường mang tải lớn: một số khoảng cột dây dẫn bị chùng xuống không đảm bảo khoảng cách pha - đất; cách điện một số đường dây bị suy giảm, nên thường xảy ra hiện tượng vở, mẻ sứ cách điện không đảm bảo tiêu chuẩn vận hành. Đơn vị đã tận dụng triệt để các lần cắt điện đường dây để vệ sinh sứ, xử lý tiếp xúc lèo, bên cạnh đó đơn vị đã tiến hành thay sứ bằng chuỗi cách điện Composite tại các vị trí xung yếu nhất. Ngoài ra tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, kiểm tra đêm, kiểm tra đột xuất đẩy mạnh công tác bảo dưỡng, sửa chữa, xiết, sơn lại tiếp địa, vét mương nước, phát dọn hành lang, bảo dưỡng kè móng đã mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý kỹ thuật. Bên cạnh đó, hàng năm các phương án phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng, diễn tập xử lý sự cố đã được TTĐ Pleiku lập chi tiết và tổ chức diễn tập theo từng phương án cũng như làm tốt công tác đào tạo và tự đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt chú trọng việc huấn luyện thực hành tay nghề cho công nhân, thương xuyên bảo quản các trang thiết bị, dụng cụ sửa chữa đã giúp cho đơn vị luôn sẵn sàng xử lý trong mọi tình huống.
Phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm suất sự cố bằng “không” chính là chỉ tiêu quan trọng. Việc duy trì không phải là một năm hay hai năm mà phải là một quá trình phấn đấu vượt mọi khó khăn của cả tập thể CBCNV của TTĐ Pleiku để quản lý vận hành an toàn, cung cấp điện liên tục cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.