Sự kiện

Tự hào là những người viết tiếp truyền thống

Thứ ba, 12/1/2010 | 11:01 GMT+7

Tốt nghiệp đại học ở Hungary và trở về Việt Nam khi đất nước vừa thống nhất, ngày đó, tôi được phân công về Nhà máy điện Vinh để chuẩn bị cho dự án Nhiệt điện tại Vinh do Chính phủ Hungari tài trợ. Tại đây, tôi được tiếp cận với các thế hệ đàn anh như anh Phạm Bá sau là Phó chủ tịch tỉnh Bình Định, anh Đặng Hùng – Nguyên Chủ tịch HĐQT EVN... Họ là những người đã tận tình dẫn dắt tôi bước vào nghề.

Công nhân Điện lực Quảng Trị thi công cải tạo lưới điện   
Tôi có 15 năm công tác tại sở Điện lực Bình Trị Thiên và 20 năm tại Điện lực Quảng Trị. Đây là khoảng thời gian để lại những kỷ niệm, dấu ấn không thể phai mờ. Ngày đó, đất nước phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng: Cả tỉnh Bình Trị Thiên chỉ có vài cụm diesel tại Đồng Hới, Đông Hà, Huế, cấp điện chủ yếu cho thành phố Huế và một vài thị xã, thị trấn, hay một số trạm bơm nông nghiệp. Phải đến những năm 1982, 1983 mới có đường dây 35 kV thống nhất Bình Trị Thiên mà chủ yếu là đưa điện từ các cỗ máy DG 64 Đồng Hới, G66 Đông Hà để phục vụ cho trung tâm của tỉnh, nhưng chất lượng vẫn chưa thực sự ổn định.

Ấn tượng khó quên đối với tôi thời kỳ đó còn là khoảng thời gian mà muốn gắn được một công tơ chính lại phải vào tận Huế, với… hằng hà sa số thủ tục nhiêu khê, phiền hà. Đến nay, có người còn đùa rằng nên gọi cơ quan cung ứng điện của tỉnh lúc bấy giờ là “Sở quản lý và “thỉnh thoảng” phân phối điện Bình Trị Thiên”. Rồi chuyện ông chủ tịch huyện nọ trong cuộc họp vẫn im lặng trong khi các đơn vị khác liên tục báo cáo tình hình mất điện trong tháng. Khi chủ tọa hỏi đến, ông trả lời trong tháng vừa rồi huyện ông chỉ mất điện 1 lần thôi, nhưng kéo dài… 29 ngày! 

Nay thì diện mạo ngành Điện đã khác xưa rất nhiều. Luồng gió mới đầu tiên chính là việc Nhà nước quyết định đầu tư, giao cho ngành Điện và các nguồn lực xã hội khác cùng tổ chức thiết kế, thi công và đưa vào vận hành đường dây siêu cao áp 500 kV đã tạo tiền đề cho việc vận hành lưới điện quốc gia thống nhất. Sau đó, phát triển thêm các nhà máy lớn như Ialy, cụm nhiệt điện Phú Mỹ... hoàn chỉnh lưới điện sau 500 kV. Có thể nói, sự đầu tư của ngành Điện với chiến lược vững chắc không chỉ về quy mô của các dự án mà còn cả sự mạnh dạn sử dụng thiết bị công nghệ kỹ thuật cao, tạo hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Tôi thật sự hạnh phúc được đứng trong hàng ngũ của những người thợ điện. Tôi cũng tự hào về đội ngũ những cán bộ lãnh đạo ngành Điện, những nhà chiến lược, định hướng cho những bước đi tổng quát và lâu dài cho việc phát triển điện lực. Tôi nể phục và siết bao trân trọng những con người đã cống hiến tất cả cuộc  đời mình cho ngành Điện Việt Nam như cựu Bộ trưởng Thái Phụng Nê (nay là Phái viên Thủ tướng Chính phủ, Phó Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình Thuỷ điện Sơn La), dù ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng bác vẫn đứng ở tuyến đầu, trên những đại công trình thuỷ điện của đất nước. Tôi tự hào vì ngành Điện có những cán bộ quản lý, những kỹ sư, những công nhân giỏi ngày đêm có mặt ở mọi miền đất nước để khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành... những công trình điện. Tôi tự hào về những anh chị thu ngân thầm lặng rong đuổi trên các ngả đường, ngõ xóm...

Điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là sự đầu tư đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, tạo được những đổi thay căn bản về bộ mặt thôn bản, về tập quán canh tác, sinh hoạt. Một ví dụ sinh động nhất là công trình điện ADơi - Pa Tầng đối với các xã vùng “lìa” ở miền Tây Hướng Hoá sau khi hoàn thành, ngoài những ưu việt do nguồn điện mang lại còn thu hút các hộ dân Lào phía bên kia sông Sê Pôn về sinh sống. Với Quảng Trị nói riêng và các vùng cao nói chung, những gì mà chúng ta đầu tư cho các dân tộc trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ và gian lao ấy như điện, đường, trường, trạm luôn là minh chứng cho sự hiện diện, sự quan tâm chia sẻ chân tình, nồng hậu mà Đảng, Nhà nước mang lại.

Theo: Tạp chí Điện lực