VN-Index tăng phiên thứ 4 liên tiếp

Thứ hai, 22/12/2008 | 14:54 GMT+7
Mở đầu phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự khởi sắc ngay từ đầu phiên. Những thông tin tích cực hỗ trợ khá mạnh cho thị trường liên tiếp trong những ngày qua đã giúp nhà đầu tư lạc quan hơn trong quyết định giao dịch của mình. Trong khi đó, thị trường chứng khoán tuần trước đã có 4 trong tổng số 5 phiên giao dịch tăng điểm, trong đó 3 phiên liên tiếp tăng điểm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/12/2008, chỉ số VN-Index đóng cửa ở 310,05 điểm, tăng 2,79 điểm (tương đương tăng 0,91%). Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 10.815.820 đơn vị, giảm 2,49% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 264,071 tỷ đồng, giảm 4,47% so với phiên trước.

Tổng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu và trái phiếu thành công đạt 5.218.100 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 382,10 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 16.033.920 đơn vị (tăng 2,82% so với phiên trước) và tổng giá trị giao dịch đạt 646,167 tỷ đồng (tăng 77,32%).

Sau 5 lần thứ cắt giảm lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã đưa mặt bằng lãi suất cơ bản từ 14% xuống 8.5 %. Động thái này sẽ chuyển dịch đồng tiền nhàn rỗi theo những hướng khác nhau, tác động trực tiếp đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Không loại trừ khả năng sẽ có một dòng vốn nhàn rỗi chuyển từ ngân hàng sang chứng khoán. Thêm vào đó, lãi suất giảm sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công cuộc ngăn chặn lạm phát của Chính phủ đã tiếp tục đạt được những thành quả khả quan khi những con số công bố về chỉ số giá tiêu dùng của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã tiếp tục giảm.

Trong tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét hai phương án thực hiện thuế thu nhập cá nhân mà Bộ Tài chính trình lên. Cụ thể, phương án 1 xác định Luật thuế Thu nhập cá nhân sẽ được giãn thời gian thực hiện 6 tháng. Còn theo phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất vẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân theo đúng lộ trình từ 1/1/2009 như kế hoạch hiện nay, nhưng sẽ giảm, giãn thuế cho một số đối tượng khó khăn, trong đó có những đối kinh doanh chứng khoán như tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 30 của Chính phủ.

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng 7,1 điểm, lên 314,36 điểm (tương đương tăng 2,31%). Tổng khối lượng khớp lệnh thành công đạt 1.855.060 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 49,64 tỷ đồng. Kết thúc đợt khớp lệnh mở cửa, có 106 mã tăng giá, 29 mã đứng giá tham chiếu, 35 mã giảm giá và 4 mã không có giao dịch là BBT, CYC, DPC, FPC. Đáng chú ý, trong đó có 34 mã tăng trần, 8 mã giảm sàn là BAS, DTT, GMC, IFS, PMS, SDN, VTB, MAFPF1.

Sau 75 phút khớp lệnh liên tục, chỉ số VN-Index tăng 4,08 điểm, lên 311,34 điểm (tương đương tăng 1,33%). Tổng khối lượng khớp lệnh thành công đạt 8.968.110 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 218,37 tỷ đồng.

Kết thúc đợt 3, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 310,05 điểm, tăng 2,79 điểm (tương đương tăng 0,91%) so với phiên trước đó. Tổng khối lượng khớp lệnh báo giá thành công đạt 10.815.820 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 264,07 tỷ đồng.

Phiên giao dịch này, sàn HOSE có thêm cổ phiếu nặng ký tham gia thị trường là HAG của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đưa vào niêm yết gần 180 triệu cổ phiếu. Giá tham chiếu trong ngày hôm nay là 40.000 đồng/cp và biên độ dao động giá là +/-20%. Như vậy với sự góp mặt của cổ phiếu HAG, sàn HOSE hiện tại đã có 174 mã chứng khoán niêm yết, trong đó có 170 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ.

Trong tổng số 174 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn HoSE, có 99 mã tăng giá, 45 mã giảm giá, 29 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, có 41 mã tăng trần, 9 mã giảm sàn là BBT, DTT, HTV, ICF, TMS, TNC, VPL, VTB, MAFPF1 và 1 mã không có giao dịch là DPC. Đáng chú ý, sau khi kết thúc đợt khớp lệnh đóng cửa, trên bảng điện tử có tới 26 mã không còn dư bán và 10 mã không còn dư mua.

Mã HAG gây ấn tượng khá tốt với việc đang tăng giá với lượng dư mua khá nhiều trong khi không có dư bán. Kết thúc phiên giao dịch, HAG đóng cửa ở mức giá trần 48.000 đồng/cổ phiếu.

Trong 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, số mã tăng giá và giảm giá được chia đều. Đáng chú ý, trong đó có 1 mã giảm sàn là VPL và 3 mã tăng trần là PPC, PVD, PVF.

Cụ thể, PVD tăng 3.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 4,44%), đạt 70.500 đồng. HPG tăng 1.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 3,31%), đạt 31.200 đồng. PVF tăng 900 đồng/cổ phiếu (tương đương 4,89%), đạt 19.300 đồng. PPC tăng 800 đồng/cổ phiếu (tương đương 4,65%), đạt 18.000 đồng. VNM tăng 500 đồng/cổ phiếu (tương đương 0,60%), đạt 84.500 đồng.

Còn lại, DPM giảm 200 đồng/cổ phiếu (tương đương 0,54%), còn 36.800 đồng. FPT giảm 1.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 1,90%), còn 51.500 đồng. VIC giảm 1.500 đồng/cổ phiếu (tương đương 1,86%), còn 79.000 đồng. VPL giảm 3.500 đồng/cổ phiếu (tương đương 4,61%), còn 72.500 đồng.

Cổ phiếu có khối lượng giao dịch báo giá dẫn đầu thị trường là STB với gần 1,5 triệu đơn vị được giao dịch thành công (chiếm 13,76% tổng khối lượng toàn thị trường), đóng cửa ở mức 19.000 đồng/cổ phiếu sau khi giảm 200 đồng (tương đương 1,04%). Tổng khối lượng của 5 mã có giao dịch lớn nhất thị trường chiếm 39,17% so với tổng khối lượng khớp lệnh trong phiên sáng nay. Trong khi đó, một số mã như FPC, BT6, SFN, CYC, SSC, BAS, VHC lại có khối lượng cổ phiếu được giao dịch rất thấp.

Trong phiên giao dịch sáng nay, có 4 mã cùng tăng hết biên độ cho phép 5%  là SGH, SDN, NTL, SAF. Ngược lại, có 2 mã cùng có mức giảm 4,94% là TMS, VTB xuống các mức giá tương ứng là 36.600 đồng/cổ phiếu và 13.500 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, xét về mức tuyệt đối thì IMP là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất khi tăng 3.000 đồng, lên mức 75.000 đồng/cổ phiếu, với tổng khối lượng giao dịch hơn 29 nghìn cổ phiếu. Ngược lại, VPL là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất khi giảm 3.500 đồng, xuống còn 72.500 đồng/cổ phiếu, với hơn 13 nghìn cổ phiếu được giao dịch.

Trong 4 chứng chỉ quỹ đang niêm yết trên HoSE, PRUBF1 giữ nguyên mức giá tham chiếu là 3.900 đồng/chứng chỉ quỹ. VFMVF1 tăng 100 đồng (tương đương 1,32%), đóng cửa ở mức 7.700 đồng/chứng chỉ quỹ. Trong khi MAFPF1 và  VFMVF4 cùng giảm 100 đồng, đóng cửa ở mức tương ứng là 3.500 đồng/chứng chỉ quỹ (giảm 2,78%) và 4.000 đồng/chứng chỉ quỹ (giảm 2,44%).

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua vào 44 mã cổ phiếu với tổng khối lượng mua vào là 817.480 đơn vị, bằng 7,56% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Trong đó, PVF được họ mua vào nhiều nhất với 169.830 đơn vị, chiếm 20,77% tổng khối lượng mua vào của khối này. Tiếp theo là các mã như HPG (125.000 đơn vị), PPC (100.200 đơn vị), SJS (70.650 đơn vị) và DPM (68.550 đơn vị). Đáng chú ý, các mã có được nhà đầu tư nước ngoài mua vào chiếm tỷ trọng lớn trên tổng khối lượng giao dịch là IMP (81,03%), DPR (79,62%), VNM (78,50%), VNS (50,26%) và SAV (46,32%).

Theo: ĐTCK