Trong đó, hệ thống tải điện 220kV có 27 trạm biến áp dung lượng 6.188MVA và 8 trạm 110kV nằm chung với trạm 220kV và có dung lượng 673MVA; hệ thống tải điện 500kV có 5 trạm biến áp dung lượng 2.700MVA nằm trên địa bàn 5 tỉnh: Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hoà Bình, Quảng Ninh và Hà Nội.
Xã hội hoá bảo vệ đường dây
Với khối lượng tài sản có giá trị rất lớn, địa bàn hoạt động rộng, dàn trải, chủ yếu vùng nông thôn, trung du và miền núi, nên việc tập trung bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tài sản của công ty gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình vận hành, nhiều tình huống đe doạ đến sự an toàn của đường dây như tình trạng mưa lũ xói lở móng cột, kẻ gian tháo trộm thanh giằng, tiếp địa cột, cách điện đường dây bị vỡ, đốt nương rẫy gần đường dây. Trong khi đó, mỗi nhóm công tác 2 người được giao quản lý vài chục vị trí cột, không phải lúc nào họ cũng có mặt ở tất cả các vị trí để kiểm tra, sửa chữa. Vì vậy, để bảo vệ đường dây, PTC1 đã ký quy chế phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị công an, quân đội đóng trên địa bàn, đưa công tác bảo vệ đường dây 500 kV vào tận nghị quyết của cấp huyện, xã nơi có đường dây đi qua.
Trên địa bàn TP.Hà Nội, PTC1 quản lý trên 200km đường dây 220 - 500kV; 6 trạm biến áp 220kV là: Xuân Mai, Sóc Sơn, Thành Công, Mai Động, Hà Đông, Chèm và Trạm 500kV Thường Tín. Qua 5 năm thực hiện quy chế phối hợp, PTC 1 và Công an TP.Hà Nội đã phối hợp làm tốt công tác bảo vệ lưới truyền tải 500kV, kiểm tra xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, tranh thủ tuyên truyền vận động sự hỗ trợ của nhân dân tham gia bảo vệ an toàn đường dây rất hiệu quả.
Đường dây 500 kV do PTC1 quản lý hầu hết đi qua rừng núi, nơi sinh sống của bà con dân tộc chủ yếu du canh du cư nên việc bảo vệ khá phức tạp. Tình hình vi phạm hành lang an toàn và mất cắp tại các trạm bảo vệ đường dây thường xuyên xảy ra, tình trạng đốt nương rẫy, cháy rừng là nguy cơ cao ảnh hưởng đến sự an toàn cho đường dây. Để đảm bảo an toàn lưới điện, các đơn vị truyền tải điện đã đào tạo và hướng dẫn lực lượng bảo vệ, nhân dân địa phương học tập, nâng cao kiến thức về điện, công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh nhân dân… Nhiều địa phương ở Thanh Hoá chăng khẩu hiệu “Tích cực bảo vệ hệ thống đường dây 500 kV”. PTC1 còn phối hợp với địa phương tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về đường dây 500 kV với hàng ngàn người tham gia, trong đó có cả cụ già đã 80 tuổi. Ở Nghệ An, nổi bật với phong trào “Không vi phạm an toàn đường dây” phát triển sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Những sự cố liên quan đến đường dây như: sét đánh, sứ vỡ, sạt lở chân móng cột, đốt nương rẫy…đều được nhân dân thông báo kịp thời. Truyền tải điện Nghệ An vận động địa phương, các nông, lâm trường, đơn vị chủ quản tạo điều kiện cho nhân dân canh tác trong hành lang lưới điện an toàn được vay vốn ưu đãi để bà con chuyển từ cây mía sang trồng các loại cây khác, tạo thuận lợi cho quá trình quản lý vận hành đường dây. Thường xuyên phối hợp với công an huyện và công an xã, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền trong nhân dân biết để phối hợp bảo vệ. Việc khoán quản cột điện cho từng người cũng làm cho anh em có ý thức hơn. Ở nhiều nơi, anh em ghi số điện thoại lên các thân cột điện để khi có sự cố bà con có thể gọi điện được nhanh chóng. Tăng cường mối quan hệ, gây cảm tình với người dân, thăm hỏi tặng quà lúc đau ốm, hiếu hỉ, lễ tết, hết lòng giúp đỡ bà con lúc khó khăn hoạn nạn. Ở nhiều địa phương khi gặp bão lũ gây sạt lở cột móng, ô tô ứng cứu không vào được, phải nhờ bà con địa phương ra giúp chằng néo cột để bảo vệ an toàn đường dây. Vì chỉ cần một cột bị sập là toàn hệ thống điện sẽ bị tê liệt để chờ sửa chữa hàng tuần, thậm chí hàng tháng, tổn hại kinh tế sẽ rất lớn. Đó là chưa kể những tai nạn về người có thể xảy ra.
Đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục
Bên cạnh việc bảo vệ an toàn lưới truyền tải, các đơn vị truyền tải điện còn làm tốt nhiệm vụ giữ vững lưới điện trong mọi tình huống, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục. Hàng năm, vào mùa mưa bão, các đơn vị đã chuẩn bị tốt nguồn vật tư dự phòng, nhất là các dụng cụ chằng néo cột (dây néo, cọc, gỗ hố thế, tăng đơ…), trang bị thi công, xe máy, phao xuồng cứu sinh để sẵn sàng huy động khi cần thiết. CBCNV đã được tập huấn và sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra. Các đơn vị bố trí trực ban 24/24 giờ và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho công tác chống bão, bố trí nhân lực đi kiểm tra trên các tuyến đường dây và trạm, kịp thời phát hiện những cây cao có khả năng gãy đổ, chằng néo các cây cao, đắp và kè lại những móng cột có nguy cơ bị xói lở, khơi thông những nguồn lạch, khe suối để đảm bảo việc thoát nước. Ở trụ sở các đơn vị, bộ phận thông tin bảo vệ kiểm tra nhà cửa và các vật dụng xung quanh đảm bảo an toàn… Những cây cao được chằng néo và chặt bớt những cành và ngọn có nguy cơ gãy đổ. Lên kế hoạch khắc phục hậu quả sau khi cơn bão đi qua như xử lý nhanh những cây gãy đổ, đắp kè lại những móng cột bị xói lở, khơi thông các vị trí bị đọng nước… kiểm tra và có biện pháp xử lý ngay những vị trí có nguy cơ xảy ra sự cố.
Vào mùa khô, nhiều trạm biến áp vận hành trong tình trạng quá tải, nguy cơ sự cố rất cao như máy biến áp AT2 Thái Nguyên thường xuyên vận hành quá tải tới 20%, có ngày đến 30%; các Trạm biến áp 220 kV Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Yên cũng thường xuyên đầy tải, một số thời điểm quá tải. Công ty đã chủ động khắc phục các khiếm khuyết thiết bị; tiến hành rà soát tình hình thiết bị của các trạm biến áp. Tiến hành đại tu, sửa chữa thay thế các thiết bị phần trạm biến áp như: Sửa chữa hệ thống cứu hoả trạm Chèm, Mai Động; Đại tu các tủ máy cắt 22 kV Mai Động, đại tu kháng KH 501 Trạm 500kV Hoà Bình; thay rơ le các Trạm 220kV Phố Nối, Ninh Bình, Việt Trì, Lào Cai, Thái Nguyên; thay ắc quy Trạm Mai Động, Việt Trì. Mở rộng cải tạo các trạm biến áp 220 kV: Mai Động, Thanh Hoá, Đồng Hoà, Thái Nguyên để đảm bảo sơ đồ hệ thống tin cậy hơn, truyền tải công suất cao hơn. Nhiều đường dây xuất hiện tình trạng đầy tải và quá tải, công ty đã chủ động kiểm tra soi phát nhiệt tất cả các đường dây khu vực Hà Nội và ĐZ 220 kV đấu nối với Thuỷ điện Hoà Bình, Nhiệt điện Phả Lại, tổ chức sửa chữa khắc phục, xử lý các tồn tại, khuyết tật trên lưới, bổ sung, xử lý hệ thống tiếp địa cột; thi công xử lý các khoảng cột không đảm bảo khoảng cách pha đất. Mục tiêu của công ty năm 2010 là ưu tiên vận hành an toàn hệ thống lưới truyền tải, đáp ứng khả năng truyền tải điện theo yêu cầu, giảm thiểu sự cố trên đường dây trạm biến áp; hoàn thành toàn bộ kế hoạch sửa chữa lớn; đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch đầu tư xây dựng, đảm bảo quyết toán theo kế hoạch được giao...