Sự kiện

Xây dựng quy trình vận hành các hồ chứa (bài 1): Đặt lợi ích người dân lên hàng đầu

Thứ tư, 6/8/2014 | 12:00 GMT+7
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, đến nay, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện đã tuân thủ các quy định của pháp luật, đồng thời đạt được những kết quả tích cực. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại hội nghị triển khai Nghị quyết 11, do Bộ Công Thương tổ chức diễn ra ngày 6/8, tại Hà Nội.


Cả nước hiện có 284 công trình thủy điện với tổng công suất trên 14.698 MW đang vận hành phát điện. Ảnh: Ngọc Hà

Đánh giá của Bộ Công Thương tại hội nghị cho thấy, đến cuối năm 2013, các nhà máy thủy điện đã đóng góp tới 48,78% tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam và 43,47% điện lượng cho hệ thống điện quốc gia. Trong quá trình vận hành, các nhà máy thủy điện đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các địa phương thực hiện tốt đồng thời hai nhiệm vụ phát điện và cấp nước cho hạ du vào mùa khô, sử dụng ngày càng có hiệu quả nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện.

Kết quả rà soát, đánh giá quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện ở các địa phương cho thấy, cả nước hiện có 284 công trình thủy điện với tổng công suất trên 14.698 MW đang vận hành phát điện; 204 dự án (6.146 MW) đang thi công xây dựng và dự kiến năm 2017 sẽ vận hành phát điện; 205 dự án (3.049 MW) đang nghiên cứu đầu tư, còn lại 78 dự án (800 MW) chưa nghiên cứu đầu tư, chưa có nhà đầu tư đăng ký, chủ yếu có quy mô nhỏ đang  tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế và các điều kiện khác.

Ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết: Qua quá trình rà soát quy hoạch các dự án thủy điện trên địa bàn cả nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét tiếp tục loại khỏi quy hoạch 12 dự án nhỏ và 6 vị trí tiềm năng thủy điện. Ngoài các dự án thủy điện tiếp tục được đề nghị loại khỏi quy hoạch và tạm dừng đầu tư sau năm 2015, các dự án đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư vẫn được tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả nghiên cứu đầu tư. Trên cơ sở đó, có phương án điều chỉnh hợp lý hoặc xem xét thu hồi để loại khỏi quy hoạch theo đúng tinh thần Nghị quyết 62 của Quốc hội.

Đánh giá việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình, Bộ Công Thương cũng cho rằng nhìn chung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực thủy điện hiện hành tương đối đầy đủ. Bên cạnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng chung cho ngành thủy lợi dưới dạng Tiêu chuẩn Việt Nam, một số dự án thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Nậm Chiến, Tuyên Quang… đã xây dựng những bộ tiêu chuẩn thiết kế áp dụng riêng; trong đó có cả những công nghệ mới như bê tông đầm lăn. Mặt khác, phần lớn các đơn vị, cơ quan đều nắm được các quy định hiện hành, đã tổ chức nghiên cứu và triển khai áp dụng trên thực tế, chưa phát hiện những vướng mắc lớn trong quá trình thực hiện.

Qua kiểm tra tại một số dự án thủy điện và tổng hợp báo cáo của UBND các tỉnh, Tổng cục Năng lượng nhận xét: các chủ đầu tư đều thực hiện theo đúng Luật Xây dựng, Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng… Tuy nhiên, do một số nguyên nhân như đơn vị tư vấn mới thành lập, còn thiếu kinh nghiệm; nhà thầu thi công thiếu nhân lực và thiết bị. Chủ đầu tư các dự án nhỏ thiếu đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm đầu tư xây dựng thủy điện nên việc quản lý chất lượng chưa được chặt chẽ.

Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục lập kế hoạch, rà soát, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu và cam kết về môi trường đối với các dự án thủy điện trên cả nước. Cùng với việc xem xét chưa cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực thiết kế công trình thủy điện đối với cơ quan tư vấn có năng lực yếu, Bộ cũng sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện rà soát các công trình thủy điện đang triển khai xây dựng về đảm bảo chất lượng, an toàn công trình.

Đánh giá chung về việc quản lý an toàn đập, ông Đặng Huy Cường cho hay, hầu hết các chủ đập đều thực hiện nghiêm túc, các hồ chứa thủy điện đã vận hành tuân thủ nghiêm ngặt quy trình. Đối với các hồ chứa có nhiệm vụ phòng lũ, thường xuyên không tích nước quá sớm để đảm bảo chủ động cắt lũ cho hạ du, đồng thời phối hợp vận hành đáp ứng cơ bản nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất, bảo vệ môi trường phía hạ du đạt kết quả cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ đầu tư (các nhà máy thủy điện dưới 30MW) chưa thực hiện đầy đủ các quy định do chưa cập nhật các quy định của Nhà nước, việc phối hợp đôn đốc chỉ đạo của các ngành và địa phương còn chưa thường xuyên và chặt chẽ.

Bên cạnh đó, hầu hết các hồ chứa đã vận hành hoặc chuẩn bị đưa vào vận hành đều có Quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện Nghị quyết 11, đến nay đã bổ sung, chỉnh sửa ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa mùa lũ 4 lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn, sông Ba, sông Srêpôk và sông Sê San; đang gấp rút triển khai lấy ý kiến và hoàn chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa 7 lưu vực sông còn lại là sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Trà Khúc, sông Kôn – Hà Thanh và sông Đồng Nai.

Theo ông Đặng Huy Cường, sau khi các Quy trình vận hành liên hồ chứa về mùa lũ và Quy trình vận hành hồ chứa được phê duyệt, các địa phương và các nhà máy, các chủ hồ đã nghiêm túc vận hành theo quy định, nâng cao hiệu quả giảm lũ cho hạ du. Ngoài ra, trách nhiệm của các chủ hồ cũng được đề cao Đơn cử như các chủ hồ đã chủ động xây dựng cơ chế phối hợp với nhau trong việc vận hành; tổ chức dự báo lưu lượng đến hồ và đo đạc các yếu tố khí tượng, thủy văn vùng hồ; phối hợp cung cấp thông tin, thông báo xả lũ theo quy định, đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống lụt bão…

Đề cập đến khó khăn trong quá trình soạn thảo các quy trình vận hành liên hồ chứa, ông Châu Trần Vĩnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong khi xây dựng 11 quy trình vận hành liên hồ chứa, ngoài lưu vực sông Hồng, sông Mã, còn 9 lưu vực sông không có nhiệm vụ chống lũ cho hạ du mà chỉ tham gia giảm lũ. Vì mục tiêu cao nhất là hài hòa lợi ích các hồ thủy điện vừa tham gia giảm lũ tối đa trong mùa mưa, vừa cấp nước trong mùa cạn, nên khi xây dựng quy trình vận hành hồ chứa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều yêu cầu các hồ phải duy trì một phần dung tích tham gia giảm lũ cho hạ du. “Mùa lũ chỉ diễn ra từ 3-4 tháng. Nếu không phối hợp vận hành tốt sẽ ảnh hưởng đến việc tích nước cho hạ du 9 tháng mùa cạn”, ông Vĩnh nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội cho rằng: “Khi vận hành các hồ chứa phải đặt lợi ích, an toàn tính mạng người dân vùng hạ du lên trên việc hài hòa lợi ích các bên. Chúng ta đã đặt ra các quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, đó là vấn đề cực kỳ cấp thiết nhưng chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm đến tổ chức thực hiện quy trình vận hành”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận: Do nhận thức về vai trò trong quản lý, điều hành ở một số công trình thủy điện còn khác nhau nên một số nơi đặt nặng lợi ích phát điện, chưa chú trọng đúng mức lợi ích điều tiết nước, phục vụ đời sống cho người dân vùng hạ du. Do đó, từ nay khi xây dựng quy trình vận hành các hồ chứa phải đặt lợi ích, an toàn tính mạng người dân vùng hạ du lên hàng đầu.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về xây dựng công trình thủy điện; tiếp tục rà soát, mở rộng phạm vi điều tra khảo sát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các công trình có quy mô trung bình và nhỏ. Bộ cũng sẽ tiếp tục tiến hành  kiểm tra, rà soát điều kiện hoạt động của các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, thiết kế và tư vấn giám sát thi công công trình thủy điện tại khu vực miền Trung và miền Nam.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Để đảm bảo an toàn cho người dân, công trình, khi xây dựng công trình cần phải siết chặt hơn nữa từ khâu khảo sát, thiết kế, tư vấn, thi công, giám sát đến nghiệm thu, nhất là các công trình chủ đầu tư không có kinh nghiệm về thủy điện, các công trình nhỏ”.

Sau hội nghị này, Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương và đơn vị cần tích cực triển khai mạnh mẽ các nội dung của Nghị quyết 11 và sớm hoàn thiện báo cáo chính thức kết quả thực hiện để Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, khóa 13 dự kiến diễn ra vào cuối năm nay./.

* Bài 2: Tuân thủ các quy định về quản lý vận hành công trình thủy điện
 
Mai Phương / ICON.com.vn