Hệ thống máy nghiền công nghệ CHLB Đức tại Nhà máy xi măng Long Sơn.
Công ty Cổ phần Xi măng Long Sơn (Nhà máy Xi măng Long Sơn) là một trong nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất điện năng tái tạo phục vụ cho quá trình sản xuất, nhằm giảm bớt chi phí, chủ động nguồn điện trong sản xuất, kinh doanh.
Với 4 dây chuyền đồng bộ, hiện đại có tổng công suất hơn 10,5 triệu tấn/năm, Nhà máy Xi măng Long Sơn là một trong những nhà máy có công nghệ sản xuất xi măng tiên tiến nhất với hầu hết các thiết bị lắp đặt cho nhà máy được nhập khẩu trực tiếp từ Cộng hoà liên bang Đức, Thụy Sỹ kết hợp công nghệ sản xuất tiên tiến của Nhật Bản cùng nguồn nguyên liệu được cung cấp từ vùng núi đá Bỉm Sơn (vùng nguyên liệu được đánh giá tốt nhất Việt Nam để xây dựng và phát triển công nghiệp sản xuất xi măng) đã cho ra lò những sản phẩm xi măng chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Trương Văn Lợi, Giám đốc sản xuất nhà máy Xi măng Long Sơn cho biết: Nhà máy xi măng Long Sơn có mức tiêu thụ sản lượng điện hơn 600 triệu kWh/năm, tương đương gần 1.000 tỷ đồng/năm. Trong suốt chặng đường phát triển, Công ty luôn ý thức cao trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất clinker sẽ phát sinh nhiệt, gọi là nhiệt dư. Nếu nhiệt dư này không có hệ thống thu hồi để tận dụng phát điện thì nó sẽ phát tán ra môi trường, gây nhiễm và làm cho không khí nóng lên. Chính vì vậy, những năm gần đây, Nhà máy xi măng Long Sơn đã tận dụng nguồn nhiệt dư để phát điện, trực tiếp phục vụ cho quá trình sản xuất của đơn vị, hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần giảm tải cho ngành Điện.
Nhà máy xi măng Long Sơn đã lắp đặt đồng bộ hệ thống thu hồi nhiệt dư như: Hệ thống SP thu nhiệt ở phía sau của tháp trao đổi nhiệt, hệ thống AQC thu tiếp thu nhiệt từ phía lò nung clinker và làm nguội clinker… để phát điện. Nhờ hệ thống thu hồi nhiệt dư này mà mỗi năm, nhà máy đã tự sản xuất được 260 triệu KW điện. Lượng điện tự sản xuất ra đã đáp ứng được 30% nhu cầu sử dụng điện của nhà máy. Ước tính, mỗi năm, nhà máy đã tiết kiệm được gần 400 tỷ đồng từ hệ thống thu hồi nhiệt dư .
"Chúng tôi đang đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt dư để phát điện với công suất là 35MW. Đến nay, chúng tôi chúng tôi đã phát điện và tiết kiệm khoảng 80 tỷ đồng." - ông Trương Văn Lợi chia sẻ.
Để tăng hiệu quả tiết kiệm năng lượng, nhà máy xi măng Long Sơn cũng tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện năng khác như: Lắp đặt và thay thế hệ thống ánh sáng bằng đèn tiết kiệm điện; thiết kế lắp đặt biến tần điều khiển vào các máy có thể tiết kiệm được; thiết kế, viết chương trình điều khiển hệ thống van xả nước tự động cho các bình tích áp trạm nén khí; chỉnh sửa chương trình các lọc bụi túi đóng mở các khoang hợp lý để tiết kiệm tốt nhất… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên để họ chủ động tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng, xi măng Long Sơn luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm cho phát triển bền vững. Theo đó, nhà máy đã lắp đặt các thiết bị hiện đại để giảm thiểu tối đa khói bụi, thực hiện các công tác kỹ thuật để hạn chế tiếng ồn; nước thải được thu gom, xử lý qua hệ thống lắng lọc tự động; bố trí hệ thống cây xanh, hồ điều hòa xung quanh nhà máy.. góp phần giảm hiệu ứng nhà kính và xử lý triểt để những yếu tố gây tác động tới môi trường.
Trước bối cảnh thị trường xi măng cung cao, cạnh tranh gay gắt, việc các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong đó có thu hồi nhiệt thừa phát điện sẽ giúp doanh nghiệp lợi cả về kinh tế và môi trường, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế gắn với sản xuất xanh.
Nhằm phát triển ngành vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên liệu, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, đến hết năm 2025, 100% dây chuyền xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt, vận hành hệ thống phát điện, tận dụng nhiệt khí thải để phát điện; đến năm 2030 sử dụng 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất và làm phụ gia.