Sự kiện

Đổi thay từ chương trình điện khí hóa nông thôn

Thứ hai, 27/7/2009 | 10:38 GMT+7

Phát triển hệ thống lưới điện thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn không chỉ là mong đợi của toàn thể nhân dân mà còn là yêu cầu bức xúc, cấp thiết của người dân ở địa bàn vùng sâu vùng xa. Ở Cà Mau, kết quả đạt được từ công cuộc điện khí hóa nông thôn trong những năm qua góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, phát triển KT-XH các địa phương.


Điện về người dân nông thôn có thể mua sắm các trang thiết bị sử dụng điện trong gia đình, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa.

Chương trình mục tiêu lưới điện nông thôn được huy động từ nhiều nguồn vốn, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, Sở Công thương kết hợp chặt chẽ với ngành Điện đầu tư theo phân cấp, theo kế hoạch và thời gian hình thành một hệ thống lưới điện nông thôn chuẩn hóa hơn so với khu vực và cả nước. Đây là một cách tổ chức thực hiện hết sức năng động của tỉnh nhà. Theo thống kê của Sở Công thương, tính đến nay có  239.041 hộ sử dụng điện, chiếm 90,42% tổng số hộ dân trong tỉnh, so với năm 2003 tỷ lệ hộ sử dụng điện chỉ mới đạt 60%.

Điện khí hóa nông thôn đã tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất cũng như sinh hoạt của nhân dân: nhiều khu nuôi tôm công nghiệp được hình thành; các cơ sở chế biến, phân phối con giống và thức ăn gia súc gia cầm phát triển mạnh; hình thành nhiều khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Người dân có điều kiện trang bị các phương tiện sinh hoạt trong gia đình có sử dụng điện, tiếp nhận nhiều thông tin qua các phương tiện thông tin truyền thông, giao lưu xã hội được mở rộng, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, thay đổi diện mạo nông thôn… Chị Lê Thị Tím, một thợ may ở Kinh Tư, Ấp 7, xã Trí Lực (huyện Thới Bình) phấn khởi: “Từ khi nơi đây có điện (tháng 11/2008 - NV), xóm làng nhộn nhịp hẳn lên. Công việc của tôi cũng thuận lợi hơn, trước đây chỉ may vào ban ngày, sử dụng bàn ủi than, đạp máy… Nay tôi  có thể sử dụng mô-tơ điện, bàn ủi điện và may cả vào ban đêm, vừa bớt phần cực nhọc vừa tăng thu nhập”.

Kết quả to lớn từ chương trình điện khí hóa nông thôn của tỉnh nhiều năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa nông thôn; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương, góp phần tăng tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Không những thế, hệ thống lưới điện còn là cơ sở hạ tầng thiết yếu để tổ chức triển khai thực hiện mô hình quy hoạch theo hướng ngư-nông-lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; thực hiện tốt kế hoạch phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng, duy trì phát triển ổn định chính trị, củng cố an ninh quốc phòng, đặc biệt an ninh nông thôn và vùng ven biển, nhằm ổn định đời sống các hộ dân, tạo đà phát triển về kinh tế - văn hóa - xã hội, gắn kết giữa điện, đường, trường, trạm để người dân địa phương được hưởng lợi.

Việc đầu tư điện khí hóa nông thôn đưa điện đến nhân dân vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến ngoài ý nghĩa về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc đối với việc chăm lo đời sống người dân nông thôn; góp phần thực hiện từng bước cho phát triển kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn; rút ngắn khoảng cách đời sống giữa nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, quá trình thực hiện điện khí hóa nông thôn của tỉnh cũng còn một số trở ngại: Người dân sống phân tán không theo quy hoạch; vốn đầu tư hạn chế nên một số dự án chậm tiến độ, gây bức xúc trong dân. Theo kế hoạch phát triển lưới điện giai đoạn 2009-2010, Cà Mau phấn đấu đạt 93% số hộ dân toàn tỉnh được sử dụng điện.

Theo: Báo ĐT Đất mũi