Sự kiện

Sau một năm Hà Tây về Hà Nội: Điện sáng trên vùng đất nắng

Thứ hai, 3/8/2009 | 11:22 GMT+7

Chỉ còn một vài ngày nữa là tròn 1 năm người dân Hà Tây trở thành người Hà Nội. Chúng tôi có dịp về thị xã Sơn Tây và huyện Ba vì để chứng kiến những đổi thay của đất và người nơi đây. Cách không xa trung tâm Thủ đô, vùng đất trong thơ ca “nắng Sơn Tây, mây Ba Vì” vẫn bình yên như ngày nào. Nhưng con người thì đã khác, trên những khuôn mặt chai sạm vì nắng gió, lộ rõ nét rạng ngời, tươi mới và háo hức hơn trong ngày mới.

Hết cai thầu, điện sáng hơn ..

Ngay sau khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, ngành Điện đã tiến hành chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, bàn giao cho Công ty Điện lực Hà Nội trực tiếp bán điện đến từng hộ dân đã phát huy hiệu quả, hầu hết người dân không phải mua điện qua trung gian, cai thầu với giá cao hơn giá quy định.

Đến các đơn vị điện lực trong những ngày này, hầu hết cán bộ phải đang “căng” người, chia nhau giải quyết một “núi” công việc, vì phải tiếp nhận xong là bắt tay nay vào cải tạo lưới điện và lập lại quy trình cấp điện cho bà con. Tuy vất vả, nhưng hầu hết cán bộ ngành Điện đều “đổ” ra đường làm việc trong cái nắng hanh hao đến khó chịu của vùng núi, vẫn công việc cũ nhưng với tâm thế mới.

Tại Chi nhành Điện lực Ba Vì, anh Lê Ngọc Sỹ - Trưởng Chi nhánh mặc dù đang ốm vì mấy hôm nay chạy chóng cả mặt lo việc tiếp nhận, bàn giao, nhưng vẫn vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: Đến nay Chi nhánh đã tiếp nhận được 115 xã và đã bán điện đến hộ tại 11 xã. Với 60 cán bộ, nhưng với địa hình rộng trên 40km2 (bằng diện tích 4 quận, huyện nội thành), chủ yếu là miền núi, để cấp điện đến tất cả các địa phương trong huyện, đường dây trung áp phải đi qua nhiều khu vực đồi rừng đã được địa phương giao cho các hộ dân quản lý, do vậy việc đảm bảo vận hành an toàn và liên tục ổn định lưới điện là một công việc  hết sức khó khăn của cán bộ Chi nhánh.

Nhưng khó khăn nhất là việc tiếp nhận công việc xóa bán tổng bán điện đến hộ dân. Anh Ngọc cho biết. Điển hình là xã Tây Đằng, Phú Cường … Một số HTX và xã không tán thành giao cho Chi nhánh bán điện đến hộ dân trên địa bàn xã. Khi phải chấp nhận giao thì cũng không nhiệt tình hợp tác với Chi nhánh trong khâu kiểm tra đếm và chốt chỉ số. Do trước khi bàn giao, các cá nhân, tổ chức đúng ra bán điện cho nông dân với giá chênh lệch rất cao, có lãi nên họ cố tình chây ì trong công tác bàn giao. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng không được đầu tư, đường hạ áp cũ nát, đa số là đường dây được xây dựng từ những năm 90 và không được đầu tư cải tạo. Thiết bị đếm điện “năm cha, ba mẹ”, từ lâu không được kiểm định dẫn đến thất thoát điện năng lớn. Và thiệt thòi đổ hết lên đầu người dân.

Còn anh Tạ Đình Chiến – Phó Giám đốc Điện lực Sơn Tây tiếp chúng tôi trong tư thế “nhấp nhổm” bởi các cuộc điện thoại từ các tổ kỹ thuật gọi về xin chỉ đạo, rồi các đoàn khách đến ký hợp đồng cải tạo lưới điện … Anh cho biết: Đơn vị cũng gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp nhận từ các tổ chức và cá nhân quản lý điện nông thôn, phải kể đến xã Kim Sơn và xã Cổ Đông. Tuy nhiên, đơn vị động viên anh em nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao đến nay đơn vị đã tiếp nhận xong 3 xã, 9 phường và đã tổ chức bán điện tới các hộ dân. Từ khi bàn giao, đơn vị đã cấy thêm và nâng công suất 9 trạm biến áp, thay gần 2.000 công tơ mới.

Từ nay đến cuối năm sẽ nỗ lực tiếp nhận và cải tạo lưới điện trên địa bàn để nhanh chóng bán điện trực tiếp đến các hộ, giảm bớt thiệt thòi cho người dân. “Bây giờ các phòng ban đã được trang bị máy tính, sản xuất lênh bằng công nghệ thông tin rồi, chắc chắn công việc sẽ nhanh và chuyên nghiệp hơn” – Anh Chiến chia sẻ.

… Và tình người cũng ấm áp hơn

Dọc các tuyến đường nội vùng xã Phú Lương – Ba Vì, chúng tôi thấy trên nhiều cột điện bê tông, các hòm công tơ mới tinh đã được treo lên, thay thế các công tơ đủ chủng loại “vắt vẻo” trên các cột tre – như người dân nơi đây phản ánh. Khi thấy chúng tôi chụp ảnh các hòm công tơ điện, ông Kiều Văn Bẩy nhà ở nay sát một cột điện phấn khởi khoe: Nhà nước mới thay đấy. Bây giờ bọn câu trộm điện chịu chết, mà mưa gió cũng không sợ điện giật nữa rồi.

Anh Nguyễn Minh Vượng, chủ nhiệm HTX xã Phú Phương cũng phải thừa nhận việc bàn giao cho ngành Điện là hết sức đúng đắn và có lợi cho người dân. “Thấy dân ý thức hơn khi họ biết dùng điện của Nhà nước. Trước kia việc thu tiền cực kỳ chật vật, cán bộ đi thu “kẽo kẹt” cả tuần mà không thu xong, giờ chúng tôi chỉ cần thông báo lên loa, trong 2 ngày là thu xong hết. Chất lượng điện tốt hơn, trước klia có những vùng xa công suất điện chỉ  90V, hễ mưa là phải cắt điện, chốt sỗ cũng cắt điện vì chất lượng dây quá cũ nát nên không đảm bảo tính an toàn.

Trong khi đó, có một thực tế là, giá điện sinh hoạt của các cai thầu đến hộ dân nông thôn của các xã phần lớn đều vượt mức giá trần 700 đồng/kWh. Thậm chí có những địa phương phải mua điện với giá  900 đồng/kWh, chưa kể các khoản đóng góp hàng tháng khác, thực chất giá điện người dân phải trả cho 1 kWh còn cao hơn rất nhiều. Bà Nguyễn Thị Minh Huệ - Q.Trưởng phòng Thi đua và tuyên truyền Công ty Điện lực Hà Nội cho hay.

Với sự thay đổi này có lẽ hưởng lợi nhiều nhất là người dân. Bà Trần Thị Hiền, 60 tuổi ở xã Phú Châu – Ba Vì cho hay: Chúng tôi được dùng điện của Nhà nước được hơn 1 tháng nay. Trước kia, nhà tôi phải mua giá điện kinh doanh 1.500 đ/số, mỗi tháng mất trên dưới 300.000 đồng. Mới tháng vừa rồi, dùng điện Nhà nước chỉ phải đóng 170.000 đ/tháng. Rẻ hơn nhiều mà có hóa đơn, chứ trước kia mấy anh cán bộ HTX đến thu chỉ ký vào sổ thôi. CHị Hương con dâu bà góp chuyện: Bây giờ ít mất điện, kể cả những hôm mưa to, không thấy mất điện như ngày trước. Mà có sự cố gì gọi mấy chú thợ điện đến nhanh và dễ tính lắm.

Đem câu chuyện này kể với Phó Giám đốc Điện lực Sơn Tây, anh gật gù: Đúng thế đấy, từ ngày chuyển đổi, người dân quý cán bộ ngành Điện hơn thì phải. Hễ có gì họ lại gọi nhờ giúp, mà nhiều khi giúp cả những việc không phải chuyên môn của mình … Còn anh Ngọc thì cười hóm hỉnh: Ở Chi nhánh mình có cán bộ còn nhiệt tình đến mức giữa buổi trưa nắng cháy da, cháy thịt, phóng xe qua 2 quả đồi đến tận nhà dân để giải quyết sự cố “mọi nhà vẫn có điện mà sao mỗi nhà em lại mất điện” …

Theo: Lao động Thủ đô