Sự kiện

Sau 5 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính: Kéo gần khoảng cách

Chủ nhật, 28/7/2013 | 16:01 GMT+7
Có thể nói, sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, hạ tầng cơ sở các huyện ngoại thành đã có sự thay da đổi thịt, đặc biệt là hệ thống giao thông, điện thắp sáng… góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nông thôn mới.


Nông thôn mới sáng bừng ánh điện

Đến huyện Chương Mỹ có thể thấy, các đường điện, trạm điện chỉn chu, trên các con đường làng, thôn, xóm, các cây cột điện bằng bê tông được dựng lên để thay thế những cây cột bằng gỗ, hay gá tạm vào những cây cao như trước. Cách nhau khoảng trăm mét lại có cột treo bóng điện để thắp sáng điện vào buổi tối. Nhà dân giờ đây điện cũng sáng trưng, không còn tình trạng điện lờ mờ, không thắp nổi bóng điện.
Cô Lương Thị Trúc, người dân xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ cho biết, trước đây do điện yếu không dùng được bóng đèn tuýp nên hầu hết các hộ ở đây đều phải dùng bóng đèn tròn, vừa tốn điện mà lúc nào cũng tù mù. Giờ điện khỏe, nhà nhà đều dùng bóng đèn tuýp và đèn compac nên từ nhà ra ngoài đường đều sáng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng: Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn đã thực sự là bước đột phá góp phần vào thành công chung của quá trình xây dựng nông thôn mới. Để kéo các vùng sâu, vùng xa, khó khăn về gần hơn Thủ đô, giao thông phải đi đầu, phải đột phá.
Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), cho đến nay, đã tiếp nhận toàn bộ lưới điện 236 xã và một phần lưới điện 18 xã. Tính đến thời điểm này, EVN Hà Nội cũng đã thực hiện bán điện trực tiếp cho 600 nghìn hộ dân, hoàn trả 100% vốn đầu tư lưới điện trung áp nông thôn cho hơn 100 công trình, trong đó có 13 công trình của Hà Nội, 99 công trình của Hà Tây (cũ), 3 công trình của Mê Linh…

Theo ông Mai Chí Hùng, Phó tổng giám đốc Hà Nội EVN, trước đây các huyện như: Ba Vì, Thường Tín, Sơn Tây… mạng lưới điện hạ áp nông thôn cũ nát không được đầu tư, không đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật vận hành, mất an toàn và tổn thất cao (30%). Sau khi tiếp nhận, Hà Nội EVN chủ động triển khai đồng bộ công tác quản lí kinh doanh – kĩ thuật – vận hành, đầu tư  xây dựng các công trình điện, các huyện đã có điện an toàn để sử dụng liên tục. Điện không chỉ dừng ở mục đích thắp sáng mà còn để nhân dân trong huyện mạnh dạn chuyển đổi kinh tế công nghiệp theo hướng quy mô.

Đường hết gập ghềnh

Điều dễ nhận thấy nhất khi nói về sự thay đổi sau khi Hà Nội mở rộng, đó là nhiều vùng quê đã được cải thiện cơ sở hạ tầng. Hàng loạt công trình đường, cầu, nút giao thông được triển khai, không chỉ góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, các công trình thiết yếu này thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với đô thị…

Đặc biệt, khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vấn đề này càng được chú trọng hơn ở Hoài Đức. Ông Trần Văn Tuyến, xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) cho hay: đến nay, hầu hết trục đường giao thông nông thôn ở các xã được bê tông hóa, giúp người dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Với sự đầu tư này, vị thế của khu vực ngoại thành đã được nâng lên, vì vậy người dân rất phấn khởi.

Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết: Cùng với những tuyến trục chính nối Hà Nội với một vùng xứ Đoài rộng lớn như quốc lộ 32, đường trục bắc Hà Đông (đường Lê Văn Lương kéo dài), đường Lê Trọng Tấn nối quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, đại lộ Thăng Long…, thành phố đã quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn. Sau 5 năm sáp nhập, đến thời điểm này, hơn 1.660km đường liên huyện đã cơ bản được đầu tư mặt đường kiên cố (đạt 84%); hơn 10.340km đường xã được kiên cố hóa (chiếm 62%), 38% còn lại chủ yếu là đường thuộc khu vực nội đồng. Nhiều tuyến sau đầu tư đã phát huy tác dụng to lớn như: Đường 73 (Ba Thá - Miếu Môn) dài 5km, đường cầu Lão-Ba Thá dài 8,45km, đường 414 từ Sơn Tây đến khu di tích K9 dài 20km…

Ngoài ra, hàng loạt cây cầu yếu, thậm chí cầu chỉ là những mảnh ván đặt trên những chiếc thùng phuy ghép, từng là nỗi ám ảnh của người dân địa phương trong mùa bão lũ nay đã được thay thế bằng những chiếc cầu bê tông vững chãi như cầu Hòa Thạch, Phùng Xá, Văn Phương, Sơn Đồng, Hậu Xá…
Theo: Lao động Thủ đô