Tiết kiệm điện

Bài 2: Cần cơ chế để doanh nghiệp tham gia quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện

Chủ nhật, 2/6/2024 | 08:00 GMT+7
“Khi doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện (DR)”, đã có rất nhiều lợi ích đạt được cho cả doanh nghiệp, ngành điện và nhà nước. Trong đó, lợi ích đáng kể nhất đó là góp phần cắt giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia, giúp sử dụng hiệu quả nguồn điện, đảm bảo điện, nhất là trong các thời gian cao điểm mùa khô khi nhu cầu điện tăng cao. 

Ảnh minh họa.

Mặc dù Việt Nam đã có “Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện” từ năm 2007, nhưng đến nay, chương trình này vẫn đang được thực hiện theo hình thức “phi thương mại”, hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện tham gia, hỗ trợ của khách hàng qua sự kêu gọi của các đơn vị điện lực. “Cần cơ chế để doanh nghiệp tham gia quản lý nhu cầu điện/điều chỉnh phụ tải điện” (DSM/DR) là nội dung bài 2, cũng là bài cuối của loạt bài này.

Thấu hiểu nhu cầu điện tăng cao trong các thời gian cao điểm của mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm) nên đa số các doanh nghiệp sử dụng điện lớn đều sẵn sàng ký cam kết thực hiện điều chỉnh phụ tải điện (DR) khi ngành điện kêu gọi. Mặc dù khi tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), doanh nghiệp đã được hưởng lợi ích về kinh tế và nhận được sự hỗ trợ từ phía ngành điện (như được hưởng các chính sách về chất lượng và dịch vụ cung cấp điện ưu tiên cao nhất như ưu tiên cung cấp điện; được tham gia các sự kiện tri ân khách hàng; miễn chi phí nhân công trong các dịch vụ bảo dưỡng định kỳ MBA, thí nghiệm thiết bị điện...);  Tuy nhiên, theo ông Văn Anh Hùng - Phó Trưởng phòng kỹ thuật công nghệ đầu tư Công ty cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan, việc thay đổi khung giờ sản xuất khi dịch chuyển từ giờ cao điểm sử dụng điện sang giờ thấp điểm khiến Công ty gặp một số khó khăn.

"Điều chuyển sản xuất từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm có một số khó khăn cho Công ty. Để đảm bảo sản xuất đủ theo đơn hàng, Công ty điều chuyển vào giờ thấp điểm thì công nhân phải làm lệch ca, công nhân làm ca 3 thì giá nhân công sẽ cao lên, công ty tăng thêm chi phí".

Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay - tính từ thời điểm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 08/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”- đã có hơn 13.300 khách hàng là các doanh nghiệp trên cả nước tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Là đơn vị có khoảng 4.000 khách hàng doanh nghiệp ký cam kết tham gia chương trình điều chỉnh phủ tải điện (DR) phi thương mại, ông Trần Minh Dũng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho biết, địa bàn 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp, nhưng do chưa có cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn nên không ít doanh nghiệp còn “ngại” thực hiện chương trình này.

"DR tự nguyện nên có những khó khăn, nếu dịch chuyển sang giờ thấp điểm thì chi phí sản xuất của doanh nghiệp lại tăng, bao gồm thuê nhân công, ca kíp, chi phí làm thêm giờ. Đây là những khó khăn không dễ thuyết phục khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng. Như vậy, chúng ta phải có cơ chế khuyến khích, khuyến khích làm sao khách hàng phải được hưởng lợi".

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế năng lượng, PGS. TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc khẳng định, doanh nghiệp có công suất sử dụng điện lớn khi tham gia vào chương trình điều chỉnh phụ tải sẽ rất hiệu quả. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể sắp xếp những ca kíp sản xuất, thay vì sử dụng vào các thời gian cao điểm thì chuyển sang thời gian thấp điểm, hoặc những múi giờ bình thường. Kết quả là vừa đảm bảo an ninh trong cung cấp điện, chi phí cung cấp điện cũng sẽ tối ưu hơn và có thể tiết kiệm được đáng kể việc đầu tư nguồn điện.

"Doanh nghiệp có công suất sử dụng điện lớn khi tham gia vào chương trình điều chỉnh phụ tải sẽ rất hiệu quả. Tuy vậy, để làm được điều đó thì những quy định về chính sách phải thực sự rõ ràng. Bản thân các doanh nghiệp họ cũng phải nhận được lợi ích từ việc họ tham gia vào chương trình này".

Vấn đề là cơ chế nào đủ để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), để cùng ngành chức năng “quản lý nhu cầu điện”, thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra là “giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia khoảng 1.000MW vào năm 2025 và 2.000MW vào năm 2030 thông qua triển khai thực hiện chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện (DSM)?

Theo ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ tới các khách hàng tham gia DR từ phía EVN là chưa đủ. Cần sớm có cơ chế DR thương mại, cơ chế cho các tổ chức trung gian tham gia sâu rộng vào thị trường DR và dịch vụ phụ trợ.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) nhấn mạnh tới việc phải “luật hoá” chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện (DSM/DR).

"Chúng ta cũng nói nhiều rồi, ban hành Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện cũng rất lâu rồi, nhưng chúng ta chưa ra được một cơ chế nào để cụ thể hóa được. Đây là lúc chúng ta phải làm cái gì đó, nhất là trong điều kiện Bộ Công Thương cũng đang đề xuất với Quốc hội điều chỉnh lại Luật điện lực".

Thừa nhận hiện nay việc quản lý nhu cầu phụ tải đang thiếu chế tài, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh, cùng với sửa Luật Điện lực, cũng cần có chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, không tuân thủ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

"Chúng ta vẫn còn thiếu chế tài, chúng tôi nghĩ là trong Luật điện lực sửa đổi sắp tới những cơ chế này - tôi muốn nói là cơ chế cả về chế tài áp dụng cũng như có cơ chế khuyến khích cho các khách hàng đồng hành với các chương trình tiết kiệm điện hay chương trình điều chỉnh phụ tải điện cũng cần được quan tâm và xây dựng đầy đủ".

Là đơn vị đầu mối của Tổ soạn thảo Luật Điện lực sửa đổi, ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, xác định mục tiêu quan trọng của các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện (DSM/DR) là thay đổi thói quen sử dụng điện của doanh nghiệp, người dân theo hướng hiệu quả hơn, tiết kiệm được vốn đầu tư xã hội cho hạ tầng điện lực. Để thực hiện được việc này cần thiết phải xây dựng cơ sở pháp lý để hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa, bảo đảm độc lập về tài chính và không trùng lặp với nguồn thu hay nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế làm tăng chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

"Hiện tại Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Luật Điện lực sửa đổi. Trong thời gian tới, để tạo cơ sở cho việc triển khai có hiệu quả các chương trình điều chỉnh phụ tải (DR), Bộ Công Thương dự kiến sẽ đề xuất bổ sung nội dung định hướng cơ bản của công tác quản lý nhu cầu điện, quy định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, xác định cơ chế tài chính để thực hiện các chương trình về quản lý nhu cầu nhu điện (DR)".

Từ thực tế sau hơn 5 năm triển khai Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện theo Quyết định 279/QĐ-TTg (ngày 08/3/2018) của Thủ tướng Chính phủ, với các kết quả đạt được trong việc cắt giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo điện, giúp sử dụng hiệu quả nguồn điện. Dẫu mới là bước đầu, song có thể đánh giá các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện (DSM/DR) sẽ là một trong các giải pháp bền vững để góp phần hiện thực hoá các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - COP 26 cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để các chương trình này đem lại lợi ích nhiều hơn cho tất cả các bên, bao gồm khách hàng sử dụng điện, đơn vị cung cấp điện và toàn xã hội, cần thiết phải có cơ chế để thực hiện. Đây cũng chính là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ngay tại Quyết định 279/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, đó là “xây dựng và hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý để thực hiện chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện”.

Bá Toàn