Ảnh minh họa.
Đóng góp quan trọng như vậy, thế nhưng hiện nay các đơn vị liên quan vẫn đang thực hiện việc “điều chỉnh phụ tải điện” phi thương mại, nghĩa là kêu gọi, khuyến khích khách hàng (chủ yếu là các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện) tự nguyện điều chỉnh giảm nhu cầu dùng điện trong các thời điểm nhu cầu của hệ thống tăng cao mặc dù Việt Nam đã có “Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện” từ năm 2007.
Cần cơ chế, chính sách phù hợp để chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện (DSM/DR) đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra, đó là góp phần đảm bảo cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện; giảm nhu cầu vốn đầu tư phải xây mới, mở rộng hệ thống điện; góp phần giảm áp lực tăng giá điện; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành điện.
Bài 1: Nhiều doanh nghiệp lớn tham gia điều chỉnh phủ tải điện
Là một doanh nghiệp dệt may lớn, sử dụng năng lượng trọng điểm của tỉnh Hà Nam, mỗi tháng Công ty TNHH Dệt Hà Nam tiêu thụ khoảng 3,7 triệu kWh điện, tính ra chi phí hơn 5 tỷ đồng tiền điện. Xác định, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện chính là một trong những biện pháp thiết thực giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh sản phẩm nên Công ty đã chủ động thuê tư vấn để đánh giá thiết bị sử dụng điện; lắp thêm biến tần cho các động cơ từ 7,5kW trở lên để giảm điện năng tiêu thụ; tiến hành thay thế các máy móc cũ bằng công nghệ hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng hơn. Đồng thời, cải tạo lại nhà xưởng, văn phòng để tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm điện.
Ông Trương Công Kiên - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt Hà Nam chia sẻ, cùng với các giải pháp tiết kiệm năng lượng, Công ty còn ký cam kết tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) để chia sẻ với ngành điện. Tham gia chương trình, cũng giúp doanh nghiệp tiết giảm được khoảng 2 - 4% chi phí tiền điện, tương đương khoảng 110 - 220 triệu đồng/tháng.
"Thực tế trong những ngày nắng nóng, Công ty cũng đã bố trí dây chuyền sản xuất chính chạy liên tục còn khu vực phụ trợ sẽ bố trí người lao động làm những việc khác. Chúng tôi rất ủng hộ chương trình DR để góp phần giảm khó khăn của ngành điện".
Ông Trịnh Thế Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn chia sẻ, hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm là giúp cho hệ thống điện duy trì trạng thái vận hành ổn định. Khi chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện được đảm bảo, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ được diễn ra bình thường, suôn sẻ. Vì thế, Công ty cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn luôn phối hợp tốt với ngành điện tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải (DR). Có những thời điểm công ty đã tham gia điều chỉnh tiết giảm đến 60MW, tương ứng 40% tổng công suất sử dụng của công ty.
Ông Trịnh Thế Dũng cho biết: Trước thời điểm nắng nóng, chúng tôi và Công ty Điện lực Thanh Hóa có buổi làm việc trực tiếp để xây dựng kế hoạch sử dụng điện và phương án điều tiết công suất. Ngoài ra, để chủ động cho kế hoạch điều hành sản xuất trong mùa nắng nóng thì chúng tôi đã chủ động xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện, dịch chuyển công suất sử dụng các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn như các động cơ quạt, trạm bơm nước, máy nén khí.
Đồng hành để giảm khó khăn trong những lúc cao điểm, hệ thống điện căng thẳng, nhưng chuyển sang giờ thấp điểm, hợp lý hoá sản xuất cũng giúp doanh nghiệp giảm được chi phí tiền điện phải trả, bởi giá điện giờ thấp điểm thấp hơn nhiều so với giờ cao điểm. Đó là thực tế được ông Phan Tuấn Anh - Giám đốc Nhà máy luyện cán Thép Hòa Phát (Hưng Yên) và ông Trần Nhật Ninh - Phó Tổng Giám đốc kỹ thuật Công ty CP nhựa Thiếu niên Tiền Phong chia sẻ.
"Trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, chúng tôi đã phối hợp với Công ty Điện lực Hưng Yên thực hiện các sự kiện DR có kế hoạch với mức tiết giảm công suất là 25 MW, đặc biệt trong năm 2023 đã thực hiện sa thải phụ tải trong những thời điểm cao điểm mùa hè và công suất tiết giảm là 63 MW. Chúng tôi đã tăng cường sản xuất vào các giờ không phải là giờ cao điểm, qua đó vừa hỗ trợ cho ngành điện, đồng thời tiết giảm được tiền điện cho công ty".
Thời gian qua, hàng chục nghìn doanh nghiệp sử dụng điện lớn trên cả nước đã tham gia thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện như thế, không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng cắt giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia, giúp hệ thống điện được vận hành an toàn, đảm bảo điện.
Nhìn lại thời gian cao điểm mùa khô cuối tháng 5/2023, khi hệ thống điện quốc gia có hàng loạt khó khăn xếp chồng (như thuỷ điện khô hạn, thiếu nước; một số nhà máy nhiệt điện chưa được bổ sung kịp thời nguồn than, rồi một số tổ máy bị sự cố do phải chạy liên tục trong một khoảng thời gian dài…) dẫn đến hệ thống thiếu nguồn điện lớn, trong khi nhu cầu điện lại không ngừng tăng cao, để giảm bớt khó khăn cho hệ thống điện.
Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) nhấn mạnh đến giải pháp quản lý nhu cầu điện, sự tham gia điều chỉnh phụ tải điện của các doanh nghiệp bằng những con số thực tế.
"Theo báo cáo của EVN năm 2023, vào các thời gian cao điểm và căng thẳng cung cấp điện, với sự tham gia tự nguyện của hơn 38.0000 lượt khách hàng sử dụng điện, đã có thời điểm tổng công suất điều chỉnh giảm được của khách hàng chủ động tham gia chương trình DR là gần 500MW, điều này đã góp phần đáng kể trong việc giảm áp lực mất cân bằng cung cầu hệ thống điện cũng như giảm tình trạng phải thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện do hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện".
Trước nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao ngày từ đầu năm 2024 (lên tới hơn 12,4% trong 4 tháng đầu năm), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục đẩy mạnh truyền thông và làm việc trực tiếp với các khách hàng doanh nghiệp lớn, kêu gọi doanh nghiệp chia sẻ, đồng hành, thực hiện dịch chuyển sử dụng điện từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm. Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải pháp này vừa góp phần giảm áp lực cung cấp điện, vừa giảm được chi phí tiền điện phải trả của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
"Hiện nay, chúng ta cần dịch chuyển từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm hơn vì một mặt các doanh nghiệp cũng bớt được chi phí tiền điện vào giờ cao điểm. Mặc khác thì tất cả những người sử dụng điện chúng ta đều có cơ hội được sử dụng điện như nhau và chúng ta không phải thực hiện tiết giảm điện. Nếu chúng ta chỉ cần điều chỉnh - ví dụ như ở phía Bắc, điều chỉnh khoảng 10% từ 26.500MW xuống 24.000 MW là đã có khoảng 2.600MW- một nguồn công suất rất lớn".
Các thống kê cho thấy, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, thông qua điều chỉnh giờ sản xuất từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm hoặc hợp lý hoá giờ làm việc trong ngày đã giảm được từ 25-30% công suất tiêu thụ điện, qua đó tiết kiệm được khoảng 15% tiền điện so với trước khi tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR).
Tiếp tục đẩy mạnh ký kết với các doanh nghiệp thực hiện tốt chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) là khuyến nghị của ông Cù Huy Quang - Vụ tiết kiệm năng lượng & phát triển bền vững, Bộ Công Thương trong việc đảm bảo điện cao điểm mùa khô năm 2024 và những năm tới.
"Tôi cho rằng với những giải pháp về DR, chúng ta san bằng phụ tải thì sẽ mang lại lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cho ngành điện, giúp giảm tải trong những thời điểm mà chúng ta căng thẳng về nguồn. Các doanh nghiệp có thể chuyển sang giờ thấp điểm để sản xuất, lúc đó sẽ giảm áp lực đối với ngành điện trong thời gian cao điểm".
Cũng theo đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, việc chủ động trong quản lý nhu cầu điện/điều chỉnh phụ tải điện (DSM/DR) không chỉ góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lợi ích cơ bản của các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM/DR) còn giúp giảm nhu cầu về vốn đầu tư phải xây mới, mở rộng hệ thống điện. Chi phí để thay đổi, điều chỉnh giảm hoặc tiết kiệm 01 MW công suất phụ tải điện vào giờ cao điểm sẽ rẻ hơn nhiều so với chi phí để cung cấp thêm 01 MW công suất nguồn điện bằng việc xây dựng thêm nhà máy điện mới hoặc huy động các nguồn điện giá cao cùng hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện.
Lợi ích của chương trình quản lý nhu cầu điện/ điều chỉnh phụ tải điện (DSM/DR) là thế, nhưng đến nay, các chương trình này vẫn đang được thực hiện theo hình thức “phi thương mại”, hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện tham gia của khách hàng. Theo các chuyên gia, để chương trình này hoạt động có hiệu quả, đạt được các mục tiêu mà “Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện” mà Thủ tướng Chính phủ đề ra (tại Quyết định 279/QĐ-TTg ngày 08/3/2018), cần sớm có cơ chế điều chỉnh phụ tải điện (DR) thương mại, thậm chí, cần luật hoá chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện. Nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập trong phần 2 của loạt bài viết này.