Sự kiện

Bài 2: Nhập khẩu điện, dễ hay khó?

Thứ bảy, 28/12/2019 | 16:24 GMT+7
Hiện tại, một lượng lớn nguồn nước đang thiếu hụt tại các hồ thủy điện ở miền Bắc và miền Trung. 

Đường dây cấp điện sang Campuchia từ tỉnh Đắk Nông. 
 
Các nguồn nhiệt điện than và nhiệt điện khí đang được huy động cao trong bối cảnh nguồn nhiên liệu than và khí cung ứng không dễ dàng. Khoảng 5.000MW điện mặt trời lại chỉ huy động được khoảng 2% vì phụ thuộc vào số giờ nắng. Nguồn điện gió chưa đáng kể (hệ thống mới có hơn 299MW đang vận hành). Để đảm bảo đủ điện gắn với vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, năm 2019 đã phải huy động hơn 1,7 tỷ kWh điện chạy dầu và nhập khẩu khoảng 3,1 tỷ kWh điện. 
 
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu so với các nguồn điện dầu và điện khí có giá thành cao (từ gần 3.000 tới 6.000 đồng/kWh), tại sao không tăng cường nhập khẩu - khi giá điện nhập khẩu thấp hơn rất nhiều (dao động khoảng 2.000 đồng/kWh). Vậy khả năng nhập khẩu điện ra sao? Nhập khẩu điện dễ hay khó? 
 
Trước tiên, cần phải khẳng định rằng, điện là một loại hàng hóa được mua bán trên thị trường nên việc xuất - nhập khẩu điện là chuyện bình thường. Trên thế giới, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), với hệ thống lưới điện liên kết toàn vùng, khả năng xuất nhập khẩu điện giữa các nước trong khối này diễn ra khá thuận tiện. Và đây cũng chính là điều kiện để các quốc gia có tài nguyên nắng, gió trong EU có cơ hội phát triển điện từ năng lượng tái tạo mà không lo “đứt” nguồn. 
 
Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển Điện lực quốc gia cũng đã chỉ rõ trong các Quy hoạch Điện về việc xây dựng lưới điện liên kết với các quốc gia trong khu vực. Hiện nay, hệ thống điện Việt Nam đang kết nối với lưới điện 3 nước láng giềng có chung đường biên giới là Trung Quốc, Lào và Campuchia. Trong đó, Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Trung Quốc (kết nối qua lưới điện 110-220kV từ Hà Giang và Lào Cai) và nhập khẩu điện từ Lào (qua lưới điện 220-500kV khu vực miền Trung, Tây Nguyên - từ ĐZ 220kV Xekaman 1 - Hatxan - Pleiku 2 kết nối TBA 500kV Pleiku 2 và đấu nối 220kV). 
 
Tại cuộc họp báo về “Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, "năm 2019, sản lượng điện nhập khẩu của Trung Quốc là ước đạt khoảng 2,1 tỷ kWh điện và nhập khẩu của Lào khoảng 1,1 tỷ kWh. Con số này trong năm 2020 chúng ta tiếp tục giữ nguyên, tức là chúng ta tiếp tục nhập của Trung Quốc khoảng hơn 2 tỷ kWh và của Lào khoảng hơn 1 tỷ kWh. Xét về tỷ lệ thì với tốc độ tăng trưởng phụ tải của chúng ta, rõ ràng tỷ trọng nhập khẩu điện trong tổng sản lượng điện huy động của chúng ta đã giảm đi".
 
Cụ thể, đã có những tính toán cho rằng, với tổng lượng điện thương phẩm năm 2019 là 239,739 tỷ kWh thì lượng điện nhập khẩu chưa đến 1,3% - thấp hơn nhiều so với kế hoạch có thể nhập khẩu điện khoảng 3% vào năm 2020. Nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không tăng lượng điện nhập khẩu (thêm vài tỷ kWh - trong kế hoạch 3%) thay vì phải huy động nguồn điện chạy bằng dầu - vừa có giá thành cao gấp 2-3 lần so với điện nhập khẩu, lại tăng nguồn phát thải ra môi trường? 
 
Qua tính toán của ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thì xem ra việc nhập khẩu điện là không hề đơn giản. Ông Vy phân tích, nhập khẩu điện thì đấu nối với Trung Quốc nếu tăng số giờ nhập khẩu, tăng công suất nhập khẩu lên thì được thêm vài tỷ kWh. Việc đàm phán với các nhà máy thủy điện ở Lào không có vấn đề nhưng hiện nay 1 số nhà máy điện của Lào như Nhà máy thủy điện Xekaman1 đang gặp sự cố. Còn đối với nhập khẩu qua các nguồn mới thì phải có thời gian để xây dựng nhà máy, xây dựng đường dây để nhập khẩu nữa".
 
Cũng như các ngành khác, muốn có hoạt động xuất nhập khẩu thì phải có hạ tầng đi theo, nhất là với điện, phải có hệ thống lưới để truyền tải. Nghĩa là, muốn tăng cường nhập khẩu thì giải pháp đi kèm cũng phải là tăng cường hạ tầng kết nối ở cả 2 phía, bạn và ta. Do đó, phải cần có thời gian để đầu tư chứ không dễ nhập trong “một sớm một chiều”. Theo ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), hiện tại lưới điện kết nối với Campuchia - Việt Nam vẫn đang “xuất khẩu ròng”. Ngoài nhập khẩu điện của Trung Quốc (khoảng 2 tỷ kWh điện mỗi năm), Việt Nam đang tập trung các giải pháp để tăng nhập khẩu từ Lào. 
 
"Đó cũng là một tiềm năng có thể nhập khẩu từ 1.000MW rồi tăng lên 3000 MW, bao gồm cả thủy điện, cả điện gió, cả điện than. Hiện nay các dự án đó đang ở mức thống nhất để ký kết hợp đồng làm các thỏa thuận đấu nối, giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, chưa thể giải quyết được ngay cho năm 2020. Và hệ thống điện của Campuchia hiện nay vẫn là hệ thống điện yếu. Muốn bán được sang Việt Nam thì hệ thống điện phải đủ mạnh, khi đó mới bàn được đến chuyện là phát dôi dư mà bán trở lại cho Việt Nam".
 
Nhập khẩu điện - câu chuyện tưởng dễ nhưng lại không hề đơn giản. Cũng đã có những tín toán của một số chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng về bài toán kết nối xa hơn - nghĩa là đầu tư lưới điện liên kết khu vực (chẳng hạn như khả năng nhập khẩu điện từ Thái Lan qua Lào về Việt Nam). Thế nhưng rõ ràng câu chuyện tiền ở đâu, nên hay không - khi nguồn vốn để đầu tư là rất lớn - mà nguồn lực của Nhà nước lại có hạn.
 
Theo TS Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), việc đầu tư vào lưới điện truyền tải liên kết đến đâu và như thế nào không chỉ đơn thuần là câu chuyện của một mặt hàng có thì mua, khó thì nhập. Việt Nam nằm ở vị trí khó khăn trong việc truyền tải điện liên vùng, vì vậy nên chủ động trong vấn đề năng lượng. Việc xuất - nhập khẩu cần có chừng mực để tránh sự phụ thuộc. Đó là chưa kể, nguồn điện được sản xuất từ một số quốc gia láng giềng với Việt Nam cũng được khai thác khá nhiều từ thủy điện. Những xung đột về nguồn nước trên các dòng sông, giữa các quốc gia vẫn luôn hiện hữu và chưa dừng lại. TS Hà Đăng Sơn, cho rằng "không thể nào phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu.. Bài toán về truyền tải cũng không hề đơn giản, không dễ dàng. Ngồn vốn ở đâu, ai sẽ xây? Xây xong thì phần chi phí ấy sẽ được bổ vào trong giá điện như thế nào.. thì đây là những bài toán mà ở cấp rất cao chúng ta phải xem xét và thống nhất trên cơ sở những định hướng về mặt chính trị rồi những thỏa thuận về mặt hợp tác".
 
Cũng liên quan đến câu chuyện lưới điện truyền tải. Trong năm 2019, khi gần 90 dự án điện mặt trời được các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để kịp thời hạn 30/6/2019 - mốc cuối cùng được hưởng giá ưu đãi 9,35 cent/kWh, được huy động tối đa, trong suốt 20 năm liên tục. Việc tăng nhanh công suất các dự án điện mặt trời ở một số địa phương có số giờ nắng cao đã dẫn đến việc quá tải đường truyền tải. Và câu chuyện “xã hội hóa” lưới điện đã được đề cập đến. 
 
Bài 3: “Xã hội hóa” lưới truyền tải điện: Những nút thắt cơ bản cần tháo gỡ
 
Nguyên Long