Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Thế nhưng, hệ thống lưới truyền tải điện ở đây lại không được thiết kế song hành, bổ sung kịp thời để đáp ứng sự gia tăng của nguồn - đã dẫn đến tình trạng quá tải, có điện từ nơi cung mà không đến được với nơi cần.
“Xã hội hóa” lưới truyền tải điện là một cụm từ mới mẻ đối với khá nhiều người, bởi nó không chỉ đơn thuần là mở cửa, cho phép tư nhân đầu tư vào xây dựng lưới truyền tải điện. Câu chuyện bắt đầu từ chính cụm từ “hệ thống truyền tải điện”, hay “lưới truyền tải điện” bao gồm những gì và được thiết kế ra sao, quy định như thế nào...
Theo ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận thì chỉ khi làm rõ những vấn đề này, mới có được những quyết định đúng trong chính sách để mời gọi đầu tư. "Quan điểm chung là xã hội hóa, tức là đồng ý cho tư nhân đầu tư vào xây dựng hệ thống truyền tải. Hệ thống truyền tải gồm có 2 phần, một phần là từ chỗ nhà máy ra đến chỗ điểm đấu nối của hệ thống quốc gia, phần nữa là hệ thống xương sống".
Trên thực tế ở nước ta, hệ thống đường dây và trạm biến áp để tải điện được phân chia quản lý theo các cấp điện áp. Đối với đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp từ 220-500kV được quy định là hệ thống truyền tải điện quốc gia (thường gọi là “lưới truyền tải”) do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành. Còn đường dây và trạm biến áp từ 110kV trở xuống được gọi là “lưới điện phân phối”, do các công ty điện lực thuộc EVN đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, hoặc các hợp tác xã phân phối điện năng tham gia quản lý, bán điện. Như vậy, việc “xã hội hóa” lưới điện phân phối đã và đang tồn tại trong hệ thống điện Việt Nam, ở khâu phân phối, bán điện.
Ngay cả với các công trình truyền tải mang điện áp cao (220-500kV) đấu nối liên quan đến các nhà máy điện cũng đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Cụ thể, một số doanh nghiệp của Nhà nước (như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) khi đầu tư xây dựng nhà máy điện cũng đã làm luôn các “sân phân phối” - nghĩa là các đường dây và trạm biến áp (công suất 110-220-500kV) để đấu nối, tiếp nhận điện năng sản xuất từ nhà máy hòa vào lưới điện quốc gia. Sau khi xây dựng xong, những công trình này được bàn giao lại cho EVN tiếp nhận quản lý, vận hành - trên cơ sở đơn giá Bộ Tài Chính quy định.
Thời gian qua, khi xảy ra trưởng hợp quá tải cục bộ lưới truyền tải điện tại địa bàn Ninh Thuận, khi các dự án điện mặt trời cùng lúc hòa lưới ở thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7/2019, một số doanh nghiệp đã đề xuất xin được đầu tư vào lưới truyền tải điện, thậm chí, để có thể đảm bảo việc đầu tư xây dựng nhanh nhất, doanh nghiệp đã đề xuất được xây dựng lưới truyền tải siêu cao áp 500kV từ nhà máy điện đấu nối với hệ thống truyền tải điện hiện có và sau khi hoàn thành sẽ “tặng lại” cho Nhà nước quản lý, vận hành.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ông Nguyễn Hữu Vinh - Tổng giám đốc Tập đoàn Hà Đô tại Ninh Thuận cho rằng, "trước tình hình như tỉnh Ninh Thuận bây giờ, lưới điện đang bị quá tải, nếu trong thời gian tới, điện mặt trời khu vực này tiếp tục phát triển thì có thể tình trạng quá tải sẽ nặng nề hơn. Tuy nhiên, nếu theo phương án xã hội hóa thì tôi nghĩ sẽ góp phần giải quyết được các điểm nghẽn đó. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư, cho chúng tôi đầu tư đến đâu thì chúng tôi đầu tư đến đó, trên cơ sở hạch toán của chúng tôi, thấy có lợi thì chúng tôi làm. Về vận hành thì tôi đề nghị là vẫn giao cho EVN quản lý, phải để cho EVN quản lý, đặc biệt liên quan đến an ninh năng lượng, không nên cho xã hội hóa việc đó".
Khi được hỏi về mong muốn của doanh nghiệp tham gia vào việc xã hội hóa lưới truyền tải điện, tại Diễn đàn Năng lượng mới đây, Thứ trưởng bộ Công Thương, ông Đặng Hoàng An thông tin, "nếu nói về hạng mục đấu nối thì không phải vướng gì cả. Người ta đang muốn nói tới việc xã hội hóa là cả những đường dây mang tính hệ thống, gồm những trạm phục vụ cho cả hệ thống chứ không phải là chỉ phục vụ cho một nhóm nhà máy hay một cụm nhà máy. Cái đó đã có từ rất lâu và Bộ Công Thương đã quy định là lấy điểm đấu nối làm ranh giới đầu tư. Từ phía lưới điện về với hệ thống thì EVN là đơn vị vận hành, còn hướng về phía nhà máy thì nhà đầu tư làm. Còn cách thứ 2 có thể làm là đơn vị đầu tư sau đó bàn giao cho EVN vận hành".
Theo Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, ở nhiều quốc gia phát triển đã có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào việc đầu tư và quản lý, vận hành hệ thống điện. Tuy nhiên, ở Việt Nam, có 2 việc cần phải làm để doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia đầu tư vào hệ thống lưới truyền tải điện. Thứ nhất, nếu cho phép doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình truyền tải điện độc lập của Nhà nước (đã có trong Quy hoạch điện hoặc sẽ bổ sung vào Quy hoạch điện) nhưng không quản lý, vận hành mà bàn giao lại cho Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) - đại diện cho Nhà nước quản lý, vận hành thì không phải sửa Luật Điện lực, nhưng Nhà nước phải quản lý được chất lượng của các công trình truyền tải đó gắn với đơn giá đầu tư như các công trình truyền tải hiện hữu mà Bộ Tài Chính đại diện cho Nhà nước nghiệm thu, tính vào giá điện. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng đường dây truyền tải và tham gia quản lý vận hành lưới truyền tải điện quốc gia thì phải sửa Luật hiện hành.
GS Trần Đình Long cho rằng, "doanh nghiệp muốn xây dựng hệ thống truyền tải mà sau được quản lý luôn thì phải sửa Luật hiện hành. Và tôi nghĩ nếu Quốc hội sau khi nghiên cứu thấy rằng có thể đồng ý trong một số trường hợp cụ thể nào đó thì phải nói rõ trong luật. Ví dụ như việc đấu nối vào lưới điện mà ở cách xa nhà máy - thì câu chuyện tải điện từ nhà máy đến hệ thống là ai sẽ chịu trách nhiệm - phải quy định ngay cả trong các hợp đồng".
Đồng tình với quan điểm này, TS Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho rằng, cũng tương tự như nhập khẩu điện, Nhà nước tự chủ trong quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia là vô cùng quan trọng để đảm bảo an ninh quốc gia. Việc xã hội hóa lưới điện là cần thiết trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, nhưng chỉ nên xác định trong một giới hạn nhất định, nhất là với hệ thống lưới điện áp cao, truyền tải công suất lớn - để đảm bảo sao cho việc vận hành của nó không làm ảnh hưởng tới lưới điện của quốc gia, nghĩa là không bao giờ có thể làm tan rã lưới trên tổng thể hệ thống. Muốn làm được điều này, việc quan trọng là phải phân định rõ đâu là lưới truyền tải điện của quốc gia và đâu là lưới truyền tải nhưng không phải của quốc gia mà là của nhà đầu tư, để nếu như có xảy ra sự cố đối với lưới điện của nhà đầu tư cũng không làm ảnh hưởng đến việc quản lý vận hành và an ninh năng lượng của cả quốc gia.
Theo TS Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), phải hoàn thiện khung pháp lý trước khi đưa ra các quyết định có cho phép tư nhân đầu tư vào hệ thống truyền tải điện nay không, đầu tư đến đâu và ở mức độ nào. Và để công bằng trong việc xã hội hóa thì phải đấu thầu. Thế nhưng, trong Luật đấu thầu hiện chưa có quy định nào liên quan đến việc đấu thầu công trình hạ tầng truyền tải điện. Nếu áp dụng các dự án truyền tải điện theo Luật đấu thầu chung như với các dự án khác thì sẽ rất khó khăn để thực hiện.
Đúng là rất khác với việc quản lý, vận hành các hệ thống sản xuất thông thường, hệ thống điện cần phải được thống nhất quản lý từ khâu sản xuất, truyền tải, phân phối đến tiêu dùng. Bởi, chỉ cần một trục trặc nhỏ cũng ảnh hưởng ngay đến toàn bộ hệ thống. Và tất cả hậu quả, thiệt hại từ việc mất điện, suy cho cùng vẫn là người tiêu dùng phải gánh chịu. Xác định tầm quan trọng của lưới truyền tải điện, đặc biệt là lưới điện siêu cao áp 500kV, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1944/QĐ-TTg (ngày 04/12/2017) đưa hệ thống truyền tải điện 500 kV vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Điều này đã nói lên tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống truyền tải điện 500kV nói riêng và hệ thống truyền tải điện nói chung trong chiến lược phát triển an ninh năng lượng gắn với an ninh quốc gia.
Một điểm đáng lưu ý nữa là việc đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia thời gian qua, nút thắt không phải là vốn, mà chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng chậm do lưới điện đi qua nhiều địa bàn, chính sách đất đai mỗi địa phương khác nhau. Tỷ lệ giải ngân vốn cho các công trình truyền tải điện cả năm 2019 chỉ được khoảng 20%. Vì vậy, việc xã hội hóa lưới truyền tải điện cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo lợi ích của mỗi nhà đầu tư và người dân địa phương có đất, gắn với lợi ích của từng người tiêu dùng, nhưng trên hết phải đảm bảo an toàn, an ninh của đất nước.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng điện vẫn không ngừng tăng cao, nguồn điện được sản xuất chủ yếu từ các nguồn năng lượng hóa thạch, không tái tạo được. Than, dầu và khí đang ngày càng trở nên cạn kiệt, khan hiếm. Nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vẫn phải phụ thuộc vào nắng, gió, khả năng khai thác cũng như lưu trữ để tiêu dùng còn hạn chế - thì sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là yêu cầu tiên quyết đặt ra đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vậy, Việt Nam cần phải làm gì để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả? Đây cũng là nội dung phần cuối loạt bài “Lời giải nào cho bài toán thiếu điện ở Việt Nam?”
Kỳ cuối: Sử dụng hiệu quả năng lượng: Giải pháp đảm bảo điện trong dài hạn