Sự kiện

Tiết kiệm năng lượng ở doanh nghiệp- vướng ở khâu tiếp cận thông tin

Thứ ba, 30/6/2009 | 11:26 GMT+7

Hiện nay, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong nhà máy điện đốt than, dầu ở nước ta chỉ khoảng 28%-32% (thấp hơn so với các nước phát triển 10%).

 
 

Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới 20%). Trong khi đó, năng lượng tiêu hao cho sản phẩm nhiều ngành công nghiệp ở nước ta lại cao hơn nhiều. Rõ ràng, tiết kiệm năng lượng tại cơ sở sản xuất công nghiệp không chỉ là nhu cầu của bản thân các doanh nghiệp mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề này, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong đầu tư công nghệ, vốn, đặc biệt là việc tiếp cận thông tin, …

Kết quả khảo sát thị trường trong thời gian qua đều khẳng định các chương trình/dự án tiết kiệm năng lượng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và môi trường. Tuy nhiên, đến nay vẫn có rất nhiều dự án có tiềm năng tiết kiệm năng lượng rất lớn nhưng vẫn không được triển khai, hoặc triển khai rất chậm.

Cụ thể, tại Hà Nội, kết quả khảo sát ở 10 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chủ lực như dệt - may, da - giày; cơ - kim khí; điện - điện tử… cho thấy, nếu họ áp dụng biện pháp tiết kiệm năng lượng thì hàng năm sẽ tiết kiệm tới 3,2 triệu kWh điện. Tuy nhiên, dù đã hết sức cố gắng nhưng hầu hết các doanh nghiệp này vẫn chưa tận dụng hết cơ hội tiết kiệm năng lượng. Nguyên nhân chủ yếu là do máy móc, thiết bị phụ trợ của các doanh nghiệp không đồng bộ, dây chuyền sản xuất cũ kỹ lạc hậu, không được tự động hóa nên mức tiêu hao nhiên liệu khá lớn. Tình trạng non tải của các hệ thống động cơ (nguyên nhân do thiết kế ban đầu của thiết bị thường lớn hơn thực tế sử dụng); hệ thống chiếu sáng bố trí không hợp lý, không tận dụng ánh sáng tự nhiên… Theo các chuyên gia, tùy mức độ đổi mới công nghệ mà tiềm năng tiết kiệm năng lượng của từng doanh nghiệp có thể tiếp tục đạt từ 6 đến 24%. Nhiều lĩnh vực khác như chiếu sáng công cộng, chiếu sáng học đường, giao thông vận tải, sử dụng năng lượng trong dịch vụ, du lịch… cũng còn nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc tuyên truyền tiết kiệm năng lượng, bố trí ánh sáng hợp lý, các doanh nghiệp cần chú trọng đổi mới công nghệ, trước hết cho những khâu quan trọng như tạo phôi, gia công cơ, nhiệt luyện; sản xuất nhựa và vật liệu xây dựng; tự động hóa các lò hơi..., bố trí sản xuất hợp lý, rút ngắn quy trình sản xuất bằng cách kết hợp các công đoạn phù hợp để giảm tiêu hao năng lượng. Vấn đề là nhiều doanh nghiệp còn rất lúng túng trong việc triển khai.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, tốt nhất là vay vốn từ hệ thống các ngân hàng thương mại hoặc các Quỹ với các cơ chế khuyến khích cụ thể về lãi suất ưu đãi, phương thức huy động… Tuy nhiên, để hệ thống cung cấp vốn vận hành một cách hiệu quả, bền vững phải xây dựng và thiết kế được một cơ chế phù hợp có sự tham gia của các ngân hàng thương mại tại địa phương. Hơn nữa, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải bắt đầu từ nhận thức của doanh nghiệp, nhất là phương thức tiếp cận nguồn vốn vay. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm những nguồn vốn riêng.

Theo: Công Thương