Sự kiện

Phát triển phong điện tại Côn Đảo: Nhiều thuận lợi

Thứ năm, 18/6/2009 | 10:37 GMT+7

Năng lượng gió mà thiên nhiên “ưu đãi” cho Côn Đảo vừa được “cân đong” cụ thể bằng đề tài nghiên cứu khoa học do Sở Công thương làm chủ đầu tư. Đây là căn cứ quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực phong điện, biến tiềm năng gió dồi dào của Côn Đảo thành nguồn năng lượng sạch.

TIỀM NĂNG SẴN CÓ

Trong tương lai, Côn Đảo rất cần nguồn năng lượng để đáp ứng yêu cầu là một tâm điểm du lịch - dịch vụ quốc tế. Trong ảnh: Đường Tôn Đức Thắng, Côn Đảo hôm nay. Ảnh: Đức Tiện
Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Gió là một tài nguyên quý mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Đây là một loại năng lượng sạch, có thể tạo ra điện năng-nguồn năng lượng mà cả thể giới đang sử dụng hàng ngày. Chính vì vậy, sau khi khảo sát khu vực Côn Đảo có nhiều gió, Sở Công Thương đã tích cực triển khai đề án “Quy hoạch tiềm năng năng lượng gió để phát điện” tại đây (Sở Công thương làm chủ đầu tư – Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 thực hiện). Sau gần 2 năm thực hiện, đề án đã hoàn thành và được UBND tỉnh đánh giá tốt. Đây là căn cứ quan trọng để các nhà đầu tư về phong điện tính toán hiệu quả đầu tư của mình.

Theo đề án này, Côn Đảo là một vùng gió mạnh và nhiều so với cả nước. Theo số liệu chuỗi liên tục do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 đã đo trong 2 năm qua, tốc độ gió trung bình ở độ cao 60m là 5,33m/s; tốc độ này thay đổi theo từng tháng, có tháng tốc độ gió trung bình hơn 7m/s (các nhà máy phong điện công nghiệp chỉ sử dụng được khi tốc độ gió hơn 6m/s). Tốc độ gió cực đại tức thời lên tới 33,4m/s.

Vận tốc gió trung bình mạnh nhất (trên 8m/s) tập trung nhiều ở khu vực các đỉnh núi: Núi ông Cương ở phía Bắc; núi Chúa, núi Nhà Bàn ở phía Đông và phía Tây; núi Thánh Giá, mũi Cá Mập ở phía Nam. Ngoài ra, tiềm năng này còn xuất hiện tại các cao điểm ở hòn Bà và hòn Bảy Cạnh.

Qua sự phân tích này, đề án đã có kết luận quan trọng: Tổng diện tích đất có tiềm năng phát triển các tuốc bin gió cỡ nhỏ (bố trí ở độ cao 30m) là 4.510ha, chiếm 87,5% diện tích đảo chính; diện tích để xây dựng các tuốc bin gió trung bình (ở độ cao 65m) là 2.910ha, chiếm 56,5% diện tích đảo; và diện tích có thể xây dựng các tuốc bin gió cỡ lớn (độ cao 80m) là 3.779ha, tức 73,3% diện tích đảo. Chỉ nghiên cứu ở độ cao trung bình (65m) thì năng lượng gió ở Côn Đảo có thể sản xuất 116 MW điện.

KHÔNG PHẢI LÀ GIẤC MƠ

SỐ LIỆU TÍNH TOÁN TRUNG BÌNH ĐỂ SẢN XUẤT 1MW ĐIỆN Ở CÔN ĐẢO

Suất đầu tư trung bình: 1,3 triệu Euro

Giá thành sản xuất: 12,5 cent Euro (=17 cent USD)

Sản lượng điện: 1,4 triệu kWh điện/năm.

Tiết kiệm được 322 tấn dầu/năm

Giảm được 1.120 tấn khí thải CO2.

(nguồn: Đề án “Quy hoạch tiềm năng năng lượng để phát điện Côn Đảo”).

Hiện nay, điện năng là nguồn năng lượng đang được Côn Đảo sử dụng dè sẻn. Cả đảo có 2 nhà máy phát điện nhưng một nhà máy đã ngừng hoạt động từ lâu, chỉ còn lại nhà máy An Hội nhưng cũng chỉ vận hành 50% công suất vì các tổ máy hỏng hóc. Cả 2 nhà máy đều phải sử dụng nhiên liệu dầu diezel. Để người dân Côn Đảo được sử dụng điện với mặt bằng giá chung của cả nước, từ trước đến nay, tỉnh luôn phải để dành một nguồn kinh phí không nhỏ bù lỗ cho ngành điện Côn Đảo, năm 2007 là 10 tỷ đồng, năm 2008 là 19,6 tỷ đồng, và dự kiến năm 2009 là 17,9 tỷ đồng. Nếu sử dụng phong điện, giá điện sản xuất sẽ giảm đi gần một nửa so với sản xuất từ dầu diezel (chi phí sản xuất phong điện trung bình 17 cent/kWh, trong khi dầu diezel là 25 cent/kWh).

Từ số liệu đo đạc về tiềm năng gió và những căn cứ về điều kiện địa hình, địa chất, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 đưa ra 6 điểm có thể xây dựng và lắp đặt tuốc bin gió gồm: Mũi Chim Chim, Hồ Quang Trung, Cửa Họng Đầm, Bến Đầm, Núi Con Ngựa, Hòn Bảy Cạnh. Chỉ riêng 6 khu vực này, công suất phát điện đã ở mức 34MW, đủ để sử dụng cho một Côn Đảo phát triển trong tương lai.

Cũng theo nghiên cứu từ đề án “Quy hoạch tiềm năng năng lượng gió để phát điện tại Côn Đảo”, tại Côn Đảo không phải nơi nào cũng có thể xây dựng tuốc bin gió do địa hình phức tạp và chi phí xây dựng cao. Chẳng hạn, để lắp đặt các tuốc bin gió, phải cần loại cần cẩu cỡ rất lớn, nặng 600 tấn, để nâng các khối của trục tuốc bin và cánh quạt, mà những khối trục có thể tách rời nhẹ nhất cũng đã là 50 tấn, cánh quạt dài trung bình 40m...

VÙNG PHONG ĐIỆN TRONG TƯƠNG LAI

Hồ Quang Trung một trong 6 địa điểm có gió lớn tại huyện Côn Đảo. Ảnh: Minh Thiên.
Hiện Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 2 dự án đầu tư về phong điện vào Côn Đảo. Tương lai không xa, với những nghiên cứu nói trên, Côn Đảo sẽ đón nhiều dự án phong điện khác, biến Côn Đảo thành một tâm điểm về sản xuất năng lượng sạch. Theo tính toán của đề án, để sản xuất 1MW điện, cần tới 25ha đất, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số này được sử dụng vĩnh viễn, 95% diện tích còn lại có thể sử dụng vào mục đích khác mà không làm ảnh hưởng đến độ tĩnh không, thích hợp nhất là phát triển các du lịch. Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các ban, ngành tính toán cụ thể tiềm năng phát triển phong điện ở Côn Đảo, độ cao để lắp đặt tuốc bin trung bình 65m là hợp lý nhất để vừa đảm bảo sản xuất điện, vừa tiết kiệm được đất dành cho mục đích khác. Việc xây dựng các đề án phong điện phải kết hợp chặt chẽ với quy hoạch Côn Đảo để có thể tận dụng tối đa đất đai. Một điều thuận lợi nữa là hiện trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất tuốc bin gió xuất khẩu phục vụ cho ngành phong điện. Nếu các chủ đầu tư ngành sản xuất tuốc bin gió và xây dựng nhà máy phong điện có thể kết hợp với nhau sẽ giảm đáng kể chi phí lắp đặt và vận chuyển.

Ngoài ra, đơn vị thực hiện đề án đã tư vấn nên khuyến khích người dân Côn Đảo xây dựng những tuốc bin gió mini độc lập với lưới điện chung, sử dụng trong phạm vi gia đình. Đối với những tuốc bin gió cỡ nhỏ thì vận tốc gió không cần phải đạt tới 6m/s, do vậy việc xây dựng các tuốc bin gió cỡ nhỏ rất khả thi. Giá thành sản xuất và lắp đặt những tuốc bin gió cỡ nhỏ cũng khá rẻ. Trên cả nước, hiện nay đã có rất nhiều vùng tận dụng được nguồn năng lượng gió để xây dựng tuốc bin gió gia đình. Theo một số liệu thống kê, tính đến năm 1999, đã có khoảng 1.000 máy phát điện gió hộ gia đình (công suất 150W – 200W) tập trung ở các tỉnh vùng duyên hải từ Đà Nẵng trở vào phía Nam.

Biến nguồn năng lượng gió dồi dào thành nguồn điện phục vụ cho hoạt động kinh tế xã hội, Côn Đảo sẽ sẵn sàng nguồn năng lượng để phát triển mạnh, xứng với tầm vóc quy hoạch mà tỉnh đã kỳ vọng, trở thành tâm điểm du lịch – dịch vụ quốc tế.

Theo Báo Bà Rịa-Vũng Tàu