Sự kiện

Nhà báo nữ - Đã mang lấy nghiệp vào thân…

Thứ hai, 22/6/2009 | 16:36 GMT+7

Trong cuốn “40 năm nói láo”, nhà văn, nhà báo Vũ Bằng có nói một câu: “Nghề báo sẽ đưa ta đi đến bất cứ đâu, miễn là ta thoát được nó.” Đại ý của câu nói đó là nghề báo rất vất vả, nhưng cũng đầy “ma lực”. Chẳng thế mà số người chọn nghề này, nhất là nữ ngày càng nhiều. Nữ nhà báo với những khó khăn riêng của giới mới thấm thía và cảm nhận hết những cung bậc của nghề. Đằng sau vinh quang và niềm tự hào, những cây bút nữ càng khó thoát khỏi gian truân của nghiệp làm báo.

Nghề không thanh thản

Người làm báo luôn phải đối mặt với áp lực công việc, đầu óc không lúc nào thảnh thơi. Không ít phóng viên tâm sự vừa nộp bài xong, chưa kịp tận hưởng sự thư thái vì hoàn thành công việc, đã phải lo số tới sẽ viết gì. Tình trạng bí đề tài là cảm giác phóng viên thường gặp.

TT, cựu phóng viên, thú nhận gần 10 năm trải nghiệm nghề báo đủ để chị thấm thía áp lực của nó. Giờ đây, ngoảnh lại chặng đường đã đi, chị thấy sợ những hôm phải thức trắng đêm viết bài; những chuyến công tác xa chồng, xa con liên tục; sợ phải lang thang phơi mình giữa trưa nắng 39-40 độ để tìm hiểu thực tế hay lấy tư liệu cho bài viết… 

Còn Thanh Hương, phóng viên ban quốc tế của Báo điện tử Vnexpress cho biết, mỗi ngày chị phải có ít nhất 7 tin lên trang (trung bình mỗi tiếng phải có một tin). Chưa nói đến việc dịch, ngay việc tìm nguồn tin để khai thác đã khó. Chính vì vậy, công việc với chị dường như quá tải. Hàng ngày chị làm từ 8h sáng đến 7h tối. Cơm nước nghỉ ngơi một chút, 11h đêm chị lại phải lên mạng tìm kiếm nguồn tin chuẩn bị “lương khô” cho ngày mai.

Nếu “dân” hành chính văn phòng ngày đến cơ quan làm việc, hết 8 tiếng ra về, có thể toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, thì nữ phóng viên, nhất là những người yêu nghề, có trách nhiệm với công việc, luôn đau đáu với “đứa con” tinh thần, ngay cả lúc đi ngủ vẫn trăn trở vì… tít bài chưa ưng lắm. Chuyện các phóng viên phải thức đêm viết bài không phải hiếm. Bác Triệu, mẹ của NK, phóng viên Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh kể: “Nhiều hôm, 2-3 giờ sáng vẫn thấy nó kì cạch ngồi gõ máy tính. Sáng ra cặp mắt thâm quầng, mệt mỏi. Trông mà xót ruột.”

Một hạn chế của chị em so với nam giới là vấn đề sức khỏe, nhưng trong nghề báo, tất cả đều bình đẳng, chị em không hề được ưu tiên điều gì. Chưa tòa soạn nào khi đặt ra định mức tin bài của phóng viên cho phép nữ làm ít hơn nam. Đó là chưa kể ngoài công việc phải hoàn thành ở cơ quan, về nhà các chị lại phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ.

Phụ nữ làm báo không có nghĩa được ưu tiên hơn nam là ngồi một chỗ làm việc mà cũng phải đi công tác, thường xuyên tìm cái mới, cái hay để xây dựng bài viết. Để phóng viên nữ có thể an tâm làm nghề tốt, đòi hỏi sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc từ phía gia đình và nhất là người chồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được sự may mắn đó. Chị KT - giảng viên trường Đại học báo chí, là một phụ nữ sắc sảo, thông tuệ, ngay cả đồng nghiệp nam cũng phải kính nể. Đáng tiếc cuộc sống gia đình chị lại không được hạnh phúc. Sinh viên trong trường “lưu truyền” câu chuyện rằng chị ham mê công việc, dành nhiều thời gian cho đọc sách khiến chồng chị trong phút nóng giận không kiểm soát được đã đốt hết những cuốn sách chị thường nâng niu. Ít lâu sau, hai người chia tay.

Nghề nguy hiểm

Nghề báo là một nghề nguy hiểm, nhất là đối với phóng viên nữ, những người theo dõi vấn đề nhạy cảm. Trên thế giới đã có không ít các nhà báo nữ bị bắt chỉ vì việc tác nghiệp của họ bị quy thành hoạt động gián điệp do mâu thuẫn chính trị giữa hai quốc gia. Hay mới đây, nữ nhà báo Anna Politkovskaya của Nga đã bị ám sát chỉ vì những bài báo của bà về tình trạng đối xử thiếu nhân quyền ở Chechnya.

Tại Việt Nam, môi trường tác nghiệp của nữ phóng viên không căng thẳng đến mức như vậy, song nguy hiểm không phải là không có. HV là phóng viên làm mảng điều tra của một tờ báo nọ. Chị đã viết bài về vụ một người chồng ở Sóc Sơn bị thua bạc đã gán vợ, khiến chị vợ uất quá quấn chăn màn vào người, tẩm xăng tự thiêu.

Ở đây chúng tôi không bàn sâu việc bao nhiêu phần trăm thông tin chị HV nêu là chính xác. Chỉ biết khi báo ra, người chồng của cô vợ đó “tam phen tứ phen” cầm dao đến tòa soạn đòi chém phóng viên viết bài. Cũng may những lần đó, toà soạn có nhiều phóng viên nam nên ngăn được. Nói như vậy để thấy nghề báo tiềm ẩn nhiều rủi ro như thế nào, và nữ phóng viên khi lấy thông tin càng phải chú ý để tránh rắc rối cho mình, lẫn cho nhân vật trong bài sau khi báo ra.

Nhà báo ngành Điện – làm báo, làm nghề

Phụ nữ làm báo, bất kể mảng, ngành nào cũng vất vả, nhưng bên cạnh những khó khăn thông thường của chị em trong nghề, nhà báo nữ ngành Điện có những vất vả đặc trưng.

Với một số phóng viên đã “chai” nghề, có khi cả năm họ chẳng chịu đi xa lần nào, chỉ cần tham dự các hội nghị, hội thảo đã có đủ tin bài. Thế nhưng, các phóng viên theo dõi ngành Điện, dù mệt, thậm chí chán nghề cũng không thể như vậy được. Họ phải bám sát từng diễn biến, sự kiện của ngành; chuyên sâu vào các vấn đề, lĩnh vực chứ không thể chỉ đưa tin hời hợt theo sự kiện bề nổi. Các nhà máy, công trình nhiệt điện, thuỷ điện phần lớn đều nằm ở những nơi “thâm sơn, cùng cốc”, nhà báo không thể ngồi lì ở tòa soạn viết về đời sống của người cán bộ công nhân cách đó hàng trăm, hàng ngàn kilomet. Thậm chí nếu “cố đấm, ăn xôi” gọi điện nhờ người ta kể cũng sẽ chỉ được một bài báo nhạt nhẽo, vô hồn.

Một yêu cầu khá khắt khe đối với các nhà báo của ngành như ở Tạp chí Điện lực là đòi hỏi kiến thức chuyên sâu. Dân học báo chí thường được ví: Cái gì cũng biết mà lại chẳng biết cái gì. Nhất là với nữ, thì mảng phù hợp thường là văn hóa xã hội. Thế nhưng, điện lại là ngành kinh tế kỹ thuật rất khô khan. Chính vì vậy, trách nhiệm của người phóng viên là tìm hiểu, học hỏi các kiến thức kỹ thuật, kinh tế quản lý ngành một cách sâu sắc, rồi từ đó diễn giải các vấn đề, thuật ngữ chuyên môn vừa đảm bảo tính chính xác, vừa mềm mại, đơn giản, sinh động để bạn đọc phổ thông cũng có thể hiểu được.

Trong bối cảnh ngành Điện đang ở “trên đe dưới búa”, nhiều báo đưa không ít thông tin phiến diện, gây dư luận bất lợi, thì cái khó của người làm báo ngành là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, để xã hội hiểu và thông cảm hơn với thực tế và những khó khăn của ngành. Mỗi khi cầm bút viết, các chị phải lựa: Nếu có phê phán chỉ ra những tồn tại, hạn chế thì đều trên tinh thần xây dựng và có cái nhìn tổng thể, chứ không thể phủ nhận sạch trơn hoặc đánh giá với 1 góc phiến diện. Còn nếu khen thì phải khen thế nào để không gây phản cảm đối với những độc giả ngoài ngành, vốn dĩ có những hiểu lầm hoặc định kiến không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Viết làm sao để đảm bảo sự công tâm, khách quan, đúng mực, để xứng đáng với công sức lao động của hơn 80 ngàn CBCNV ngành Điện cả nước đã và đang đổ mồ hôi, nước mắt vì dòng điện của Tổ quốc.

Đỗ Nhung