Sự kiện

Công nghệ cũ - "thủ phạm" chính phung phí điện

Thứ tư, 24/6/2009 | 10:32 GMT+7

Để làm ra một tấn thép, các nhà máy của Việt Nam tiêu thụ năng lượng gần gấp ba lần mức tiêu hao năng lượng trung bình của thế giới. Giữa lúc chúng ta đang phải “ăn đong” điện từng ngày, thì sự phung phí trên lại đang xảy ra ở mọi ngành kinh tế từ sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng cho đến giao thông vận tải…

“Ngốn” điện gần gấp đôi khu vực

 Các doanh nghiệp trong nước quá phung phí năng lượng. (Ảnh minh họa: Phan Hùng)

Theo tính toán của Bộ Công Thương, để tăng được 1 đồng GDP, nhu cầu năng lượng của Việt Nam phải tăng trưởng gấp đôi, trong khi tỷ lệ tương ứng của các nước phát triển chưa tới một.

Con số đó cho thấy, dù nền kinh tế nước ta đang phải gồng mình vì thiếu năng lượng mà điển hình là điện thì các nhà sản xuất lại quá phung phí. Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, so với thế giới, hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam rất thấp.

Cụ thể, hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu chỉ đạt 28-32%, thấp hơn 10% so với các nước khác, hiệu suất của các lò hơi công nghiệp cũng chỉ đạt khoảng 60% thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%...

Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm các ngành công nghiệp chính của Việt Nam cũng cao hơn nhiều nước phát triển, nhất là trong công nghiệp thép và xi măng. Chẳng hạn để làm ra 1 tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy Việt nam cần tới 13 triệu Kcal, gấp 3 lần mức tiêu hao năng lượng của thế giới.

Thậm chí, chỉ so sánh với “hàng xóm”, cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam đã cao hơn Thái Lan và Malaysia từ 1,5-1,7 lần. Như vậy để làm ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất công nghiệp của ta “ngốn” năng lượng gần gấp đôi.

Đáng nói là đối tượng này lại tiêu thụ tới 50% lượng điện thương phẩm và phần lớn các nguồn năng lượng khác.

“Trước nay, có cách hiểu sai về tiết kiệm năng lượng khi cứ cho rằng “lỗi” tại chiếu sáng, tôi thấy chính các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp mới là các thủ phạm phung phí điện nhất”, TS. Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm năng lượng khẳng định.

Hiệu suất thấp vì công nghệ lạc hậu

 Giai đoạn 2010-2020, Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu năng lượng. (Ảnh: VNN)

Dù hội tụ gần như đủ các nguồn năng lượng nhưng với tốc độ khai thác, sử dụng lãng phí như hiện nay cộng thêm nhu cầu năng lượng tăng 8%/năm, Bộ Công Thương dự báo có thể ngay trong giai đoạn 2010-2020, Việt Nam sẽ chuyển thành nước nhập khẩu và phụ thuộc năng lượng nhập khẩu.

Giải pháp không tốn kém, có thể thực hiện ngay là tiết kiệm năng lượng bởi theo tính toán của Bộ Công Thương, chi phí bỏ ra tiết kiệm 1kWh điện năng thấp hơn nhiều chi phí đầu tư sản xuất ra 1kWh điện.

“Dư địa” tiết kiệm năng lượng trong sản xuất lại còn rất nhiều. Xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng,… có thể tiết giảm trên 20%, xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể giảm lãng phí năng lượng đến trên 30%…

Thế nhưng trở về từ chuyến đi khảo sát các tỉnh và hàng loạt khu công nghiệp tuần trước, TS. Nguyễn Văn Khải thất vọng cho biết tình trạng phung phí năng lượng trong sản xuất diễn ra rất phổ biến bởi rào cản tư duy từ chính các doanh nghiệp.

“Tôi đến 1 nhà máy đang phải trả tới 75 triệu tiền điện/tháng, tôi có thể chỉ ra cách cải tiến để tiết kiệm 1-2 triệu tiền điện/ngày. Nhưng họ không thực hiện vì cho rằng máy móc thiết bị đã mua không thể bỏ được, nhà xưởng đã xây xong không muốn sửa”, ông Khải than phiền.

Theo ông Khải, bên cạnh những bất hợp lý trong kiến trúc, tổ chức sản xuất, sử dụng thiết bị khiến thất thoát năng lượng, việc sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng là lý do cơ bản.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, có đến 50-60% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ đời cũ bao gồm cả những dây chuyền mới mua nhưng thực tế đã lạc hậu về mặt công nghệ.

“Tôi cho rằng cái cốt yếu là đổi mới ngay từ tư duy nhập khẩu mua máy móc, thiết bị. Các doanh nghiệp nhà mình thường tham rẻ mà quên rằng tiết kiệm được một đồng trước mắt là lãng phí hàng ngàn đồng về sau”, ông Khải cảnh báo.

Đây là khuyến cáo rất cần thiết trong bối cảnh không ít doanh nghiệp Việt Nam đang đua nhau nhập máy móc, thiết bị và công nghệ giá rẻ nhưng “hao xăng, tốn điện” và ô nhiễm môi trường từ Trung Quốc.

Các nhà máy xi măng, thép gần đây vẫn còn là những ví dụ “tươi nguyên” về cái sự “rẻ mà đắt” này.

Theo: Vietnamnet