Sự kiện

Bàn giao lưới điện nông thôn: Kỳ 2: Biết có lợi nhưng vẫn khó thực hiện

Thứ tư, 22/7/2009 | 10:00 GMT+7

Theo số liệu từ EVN, năm 2008 ngành điện đã hoàn thành tiếp nhận để bán lẻ trên 550 xã với gần 0,77 triệu hộ dân nông thôn.

 

Kế hoạch năm 2009 sẽ tiếp nhận lưới điện ở 2.421 xã và đến 30/6/2010, toàn ngành điện sẽ cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn trên toàn quốc. Chủ trương đã có, lòng dân đã thuận nhưng việc thực hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Vướng mắc: 1001 lý do

Mặc dù đã hẹn trước nhưng chúng tôi không gặp được Giám đốc điện lực Sơn Tây vì anh còn phải tham gia buổi họp ở huyện giải quyết vướng mắc về bàn giao lưới điện ở một số xã. Hiện còn 3 xã cứ nhùng nhằng không chịu bàn giao vì họ muốn phải định giá tài sản hoàn trả vốn trước khi bàn giao. Tuy nhiên, việc định giá tài sản thuộc thẩm quyền của bên tài chính, còn việc hoàn trả cũng phải chờ hướng dẫn của Chính phủ, trong khi thời hạn cuối cùng đã sắp cận kề. Thực tế, nhiều địa phương không muốn bàn giao lưới điện do sợ mất quyền lợi vì họ đang hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá (giá mua buôn từ Điện lực là 390 đồng/kWh, giá bán lẻ đến hộ dân là 700 đồng – 1.500 đồng/kWh). Một số cơ sở nêu lý do công nợ, tài sản, việc làm… để trì hoãn.

Khắc phục tình trạng này mỗi nơi đang có cách làm riêng. Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ra quyết định bàn giao theo nguyên tắc tự nguyện và không hoàn trả. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình thì tiến hành phê duyệt giá trị còn lại của lưới điện từng cụm xã trước khi bàn giao theo nguyên tắc tăng tài sản bên nhận, giảm tài sản bên giao và không hoàn trả giá trị còn lại. Tỉnh Phú Thọ chỉ đạo cứ tính giá trị tài sản để bàn giao mà chưa đặt vấn đề hoàn trả tài chính. Tỉnh Hưng Yên chủ trương bàn giao nguyên trạng theo nguyên tắc tăng, giảm tài sản giữa bên nhận và bên giao, không hoàn trả vốn nếu nguồn vốn đầu tư là của ngân sách nhà nước hoặc do dân đóng góp. Nếu nguồn vốn do tư nhân đầu tư, các hợp tác xã dịch vụ vay của các tổ chức tín dụng (chưa thu hồi hết vốn hoặc chưa trả hết vốn vay) có đầy đủ hồ sơ, chứng từ thì sẽ xác định giá trị còn lại của tài sản lưới điện để làm căn cứ. Khi nào Chính phủ có cơ chế thì sẽ hoàn trả. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những vướng mắc rất khó giải quyết.

Ví dụ, trước đây do hạn chế về nghiệp vụ nên nhiều người không có ý thức về chuyện lưu giữ chứng từ, sổ sách kế toán mà chủ yếu dựa vào hợp đồng hoặc nghị quyết hợp tác xã nên thiếu căn cứ thực hiện hoàn trả vốn. Điển hình là hợp tác xã dịch vụ điện xã Toàn Thắng (Kim Động – Hưng Yên) tham gia quản lý điện từ năm 1997 và đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để nâng cấp, thay mới lưới điện, trong đó có 300 triệu đồng huy động dưới hình thức vốn vay, vốn góp của xã viên. Nếu vì lý do hồ sơ không hợp lệ mà hợp tác xã không được hoàn trả thì số tiền 300 triệu đồng nợ xã viên sẽ giải quyết như thế nào.

Tại huyện Việt Yên (Bắc Giang), từ năm 2007, ông Thân Quang Vàn, Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ điện xã Hồng Thái (huyện Việt Yên) thế chấp sổ đỏ vay 26 triệu đồng cải tạo hệ thống đường dây cho hợp tác xã. Nếu lấy danh nghĩa hợp tác xã sẽ không vay được vốn ngân hàng để cải tạo lưới điện nên ông phải ghi trong hợp đồng vay với mục đích sản xuất. Tất cả đều có trong Nghị quyết của hợp tác xã. Bây giờ, hợp tác xã yêu cầu hoàn trả số tiền đã đầu tư nhưng ngành điện cho rằng hồ sơ không hợp lệ, vậy số tiền của cá nhân ông Vàn sẽ giải quyết ra sao? Đó là chưa kể cách xác định giá trị còn lại của tài sản lưới điện còn thiếu thống nhất về phương án xác định giá trị tài sản giữa ngành điện, ngành tài chính, các hợp tác xã...

Bài toán xã hội: vấn đề nan giải

Khó khăn không kém là nguồn nhân lực cho các điện lực đang trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Thực tế hiện nay ngành điện đang phải tiếp nhận thêm một lượng khách hàng cùng với hệ thống lưới điện gấp nhiều lần trước đây nên nguồn nhân lực rất thiếu. Ước tính, chỉ cần mỗi xã được bàn giao có thêm 2 người để thu tiền điện thì nhu cầu lao động vận hành điện nông thôn phải tăng lên trên 10.000 lao động. Hiện nhiều hợp tác xã dịch vụ điện đề nghị ngành điện tiếp nhận lưới điện cùng đội ngũ nhân viên của họ.

Tuy nhiên, hầu hết đội ngũ này chưa qua đào tạo, bộ máy lại quá cồng kềnh, gấp nhiều lần định biên của ngành điện nên vấn đề tiếp nhận rất khó khăn vì nếu tiếp nhận ngành điện lại phải kéo thêm một loạt các chi phí đào tạo, trả lương dịch vụ cũng như giám sát, huấn luyện kỹ về an toàn và kỹ thuật vận hành. Hiện nay, nhiều nơi khắc phục bằng cách thuê hợp tác xã điện trước đây đặt các đại lý thu tiền điện ở các tổ, đội, ngõ xóm, vừa tiết kiệm nhân lực vừa thuận tiện cho người dân.

Ông Nguyễn Minh Vượng (xã Phú Phương – Ba Vì – Hà Tây) khoe: Từ khi điện lực đặt đại lý thu tiền, việc thu tiền điện nhanh gọn hơn hẳn so với trước. Một số điện lực có chủ trương tiếp nhận cơ bản đội ngũ thợ điện nông thôn trước đây để bồi huấn lại chuyên môn và ký hợp đồng lại với mức chi trả tùy địa bàn quản lý. Đồng thời hỗ trợ phương tiện, dụng cụ làm việc, trang bị điện thoại... Tuy nhiên, để thực hiện được việc này còn liên quan đến kinh phí và hàng loạt vấn đề khác.

Vốn đầu tư: nỗi lo muôn thuở

Chỉ tính riêng số vốn để hoàn thiện lưới điện hạ áp cho trên 5.000 xã sẽ tiếp nhận để bán điện trực tiếp tới 7,4 triệu hộ dân đến năm 2010, ngành điện cần tới hàng chục tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp lưới điện và thay thế hệ thống đo đếm đã bị hỏng cùng hàng vạn km các nhánh rẽ ở nông thôn hiện đang sử dụng các loại cột gỗ, tre, cột bê tông tự đúc và hệ thống dây dẫn tiết diện nhỏ không đảm bảo. Mặt khác, nhiều địa phương đã và đang triển khai dự án REII nên khối lượng tiếp nhận và giá trị hoàn trả rất lớn. Để đầu tư cải tạo lưới điện cho 220 xã, Điện lực Thái Bình cần ít nhất 1.100 tỷ đồng. Công ty Điện lực Khánh Hòa cũng cần khoảng 100 tỉ đồng trong khi khả năng vốn của công ty chưa thể giải quyết. Năm 2009, Điện lực Hoà Bình phải đầu tư 35.599 triệu đồng để nâng cấp sửa chữa các công trình điện. Điện lực Nam Định cần khoảng 220 tỷ đồng cải tạo 130 dự án điện giai đoạn 1 ở các xã, thị trấn đã được tiếp nhận. Được biết, đến hết tháng 3/2009, Điện lực Nam Định đã tiếp nhận lưới điện của 101 xã, nhưng càng tiếp nhận được nhiều thì áp lực vốn càng lớn.

Nhiều cách làm hay

Để giải quyết khó khăn này, Điện lực Thái Bình đã chia kế hoạch đầu tư nâng cấp lưới điện tiếp nhận trước năm 2008 thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư mỗi xã 1-1,5 tỷ đồng thay hòm công-tơ và các đường dây quá cũ nát. Giai đoạn 2 đầu tư 1,5-2 tỷ đồng/xã để cải tạo đường dây, nâng cao chất lượng. Chủ trương của Điện lực Thái Bình là tiếp nhận đến đâu lắp đặt lại hệ thống công tơ điện tới đó, đồng thời phát tài liệu “Những điều cần biết khi sử dụng điện trong nhân dân” để giúp người dân hiểu về cách lắp đặt, sử dụng điện, khoảng cách an toàn đường dây điện, sơ cứu bệnh nhân bị điện giật… Vì vậy, bà con rất phấn khởi vì dịch vụ của ngành điện tốt hơn, giá điện thấp hơn so với trước đây.

Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn ngân sách khoảng 15 đến 20 tỷ đồng/năm để đầu tư sửa chữa, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn, công ty sẽ hoàn trả vốn theo phương thức hoàn trả khấu hao cơ bản hằng năm. Đồng thời tạo điều kiện cho công ty tiếp xúc với các nguồn vốn ưu đãi ODA, ADB, WB… để thực hiện cải tạo, sửa chữa hoàn chỉnh lưới điện tiếp nhận khu vực nông thôn. Công ty Điện lực Hà Nội lên kế hoạch cấy thêm 300 trạm biến áp cho khu vực Hà Tây cũ để nâng cao chất lượng điện áp.

Công ty Điện lực Ninh Bình phối hợp với các địa phương giải phóng toàn bộ cây cối trên hành lang tuyến ngay sau khi tiếp nhận, cải tạo lại cách đấu nối những điểm nút cho khoa học và đúng kỹ thuật. Ðồng thời tận dụng vật tư thu hồi, dùng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên, cải tạo tối thiểu hệ thống lưới điện nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Tiến hành thí nghiệm đồng loạt công tơ tại chỗ và thay công tơ không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Tổ chức thu tiền điện thông qua các quầy đặt ở các tổ, đội, ngõ xóm, vừa thuận tiện cho người dân vừa tiết kiệm cho điện lực địa phương. Lập hệ thống các điểm dịch vụ tổng hợp được đặt tại địa bàn các xã với nhiệm vụ quản lý vận hành, bán điện và chăm sóc khách hàng tại chỗ.

Ở các địa phương đã bàn giao, công ty tuyển chọn một số nhân viên quản lý điện của hợp tác xã cũ và trả lương theo công việc cụ thể. Ở các điện lực thuộc PC1, Ủy ban nhân dân tỉnh bàn giao vốn của dự án REII vay WB cho PC1 nhận nợ và có trách nhiệm trả gốc và lãi thông qua Ủy ban nhân dân tỉnh. Phần vốn đối ứng của địa phương sẽ bàn giao theo nguyên tắc tăng giảm tài sản. Việc bàn giao thực hiện tay ba giữa tỉnh, điện lực và xã, xong xã nào thì bàn giao ngay để đưa vào hoạt động. Đối với những xã của REII có phần tài sản xen kẽ của dân, nếu xã bàn giao thì ngành điện sẽ tổ chức tiếp nhận luôn phần lưới điện xen kẽ đó...

Những kiến nghị

Ông Lê Văn Chuyển, phó trưởng ban kinh doanh điện nông thôn của EVN cho biết, hiện nay tổn thất điện nông thôn phổ biến ở mức 25-45%, vì vậy việc giảm tổn thất về ngay dưới 10% theo yêu cầu là rất khó, nhất là trong điều kiện vốn đầu tư nâng cấp lưới điện rất khó khăn. Vì vậy, Nhà nước cần có quy định lộ trình về giảm tổn thất, đồng thời bố trí các nguồn vốn ưu đãi hợp lý. Bên cạnh đó, các địa phương và ngành điện rất mong Nhà nước sớm ban hành quy định cụ thể về việc hoàn trả lưới điện hạ thế nông thôn, cụ thể là hướng dẫn về việc giao nhận, xác định giá trị tài sản và cơ chế hoàn trả. 

Các công ty điện lực cũng kiến nghị EVN để lại phần chênh lệch doanh thu từ 3 năm lên 5-6 năm dành cho chi phí cải tạo, thay thế và giảm tỷ lệ tổn thất. EVN yêu cầu các đơn vị phải đánh giá xác định giá trị tài sản như đã thực hiện khi tiếp nhận lưới điện trung áp nông thôn trước đây. Tất nhiên, không định giá với những nhánh dây hạ áp, hệ thống công tơ điện mua trôi nổi trên thị trường, cột điện do người dân và điạ phương tự xây dựng. Khi điện lực bố trí được vốn đầu tư cải tạo, thay thế thì sẽ tháo dỡ và trả lại cho dân. EVN cũng chỉ đạo các công ty điện lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn vay ưu đãi của WB và ADB trong các dự án điện nông thôn. Đồng thời chủ động xây dựng phương án tiếp nhận nhân lực và quyết định những việc thuộc phạm vi quyền hạn của mình, lựa chọn hình thức đối tượng làm dịch vụ, vận dụng cách tính tiền công cho bên nhận làm dịch vụ để áp dụng phù hợp với tình hình cụ thể của địa bàn, đặc thù vùng nông thôn- miền núi…

Theo: Công Thương