Sự kiện

Xây dựng thủy điện gắn với đời sống và bảo vệ tài nguyên

Thứ ba, 21/7/2009 | 11:03 GMT+7

Đến năm 2010, toàn tỉnh Gia Lai sẽ có 113 công trình thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy 535,95 MW. Nếu tất cả các dự án này đưa vào hoạt động sẽ góp phần hạn chế việc thiếu điện hiện nay trên cả nước.

Trước hết, có thể thấy rõ rằng, việc phát triển các công trình thủy điện lớn, vừa và nhỏ ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh ta nói riêng không những tạo nguồn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia mà còn điều hòa nguồn nước, cấp nước tạo nguồn cho hạ lưu các công trình, tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

 

 Công trường thủy điện Sê San 4. Ảnh: Đức Thụy

Sớm xác định tiềm năng thủy điện nên những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng, quy mô phát triển, tiến hành lập danh mục công trình và kêu gọi đầu tư khai thác. Đồng thời có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư để xây dựng một số công trình thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy 535,95 MW. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã được đầu tư và đưa vào vận hành với tổng công suất 50,61 MW; 46 thủy điện đã có chủ trương đầu tư với tổng công suất 420,08 MW, trong đó 10 thủy điện đã khởi công (tổng công suất 156,1 MW), 36 thủy điện chưa khởi công (tổng công suất 274,39 MW); 10 thủy điện đã quy hoạch chưa có chủ trương đầu tư (tổng công suất 13,85 MW).

Nhìn một cách tổng quan, sự đầu tư nói trên là quyết liệt từ nhận thức cho đến ưu tiên về nguồn vốn của cấp ủy và chính quyền tỉnh; là sự nhanh nhạy và biết tranh thủ nguồn vốn của Trung ương về phát triển các công trình thủy điện tầm cỡ quốc gia, trên cơ sở kết hợp hài hòa, nhằm khai thác thế mạnh sẵn có để phát triển thủy điện phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực và hiệu quả kinh tế đem lại từ tiềm năng này thì việc xây dựng thủy điện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đời sống xã hội nói chung… Tại tỉnh Gia Lai cách đây 2 năm, cơn sốt thủy điện được xem là nóng nhất vì lúc này tình trạng thiếu điện xảy ra liên tục, đồng thời thời điểm này những nhà đầu tư chứng khoáng ở Việt Nam cũng rất chú ý đến các công trình thủy điện vì nó được xem là nơi đầu tư để có thể “hái” được nhiều tiền nhất. Do đó, hàng loạt công ty chưa bao giờ làm thủy điện cũng đã làm đề án để xin được làm các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh ta...

Và hệ quả là khi xây dựng hồ chứa nước và nhà máy thủy điện, Nhà nước sẽ phải trưng dụng vùng đất ngập nước, gia cố bờ chắn sóng, đưa một số công trình và khu vực sinh hoạt cho cán bộ, công nhân xây dựng, xây dựng khu tái định cư cho người dân sinh sống từ trước ở khu vực hồ chứa nước... Điều này cũng đồng nghĩa với việc diện tích đất sản xuất của người dân bị thu hẹp và diện tích rừng cũng vì thế ít đi. Đối với người dân tộc thiểu số thì tập quán canh tác đối với họ cực kỳ quan trọng, do đó khi đầu tư thủy điện các chủ đầu tư đã đền bù giải tỏa lấy mặt bằng thi công đồng thời di chuyển họ đến chỗ ở mới, xây nhà kiên cố nhưng đa phần họ thích ở nhà sàn, quen với diện tích đất sản xuất đã gắn với mình hàng chục năm. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã từng phát biểu khi các công trình thủy điện đưa vào thi công hầu hết các hộ tái định cư được bố trí diện tích đất sản xuất hẹp hơn, chất lượng đất xấu hơn so với đất cũ, chưa tạo thêm việc làm mới. Nhiều nơi, người dân phải di chuyển lên vùng cao, có điều kiện tự nhiên, văn hóa khác hẳn nơi cũ. Do đó, đời sống người dân khu tái định cư thường không đảm bảo và khó ổn định.

Ngoài ra, môi trường thiên nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hồ chứa nước của các công trình thủy điện đa phần chiếm một diện tích rất đáng kể đất ngập nước, đã làm mất đi hệ quần thể thực vật, vốn là thức ăn nuôi sống động vật. Hậu quả là nhiều loại động vật bị tiêu diệt hoặc phải di cư đến nơi khác sinh sống, luồng di cư/ bán di cư của các loài cá sẽ hạn chế, làm thay đổi điều kiện sinh sản, có nguy cơ làm kiệt quệ nguồn thức ăn của cá tại các công trình lấy nước của nhà máy thủy điện. Kết quả là nguồn thủy sản bị giảm, đặc biệt là các loại cá quý hiếm, trong một số trường hợp còn bị tuyệt chủng. Ở khu vực có công trình thủy điện hệ sinh thái dưới nước cũng bị thay đổi. Hệ sinh thái sông sẽ phải nhường vị trí cho hệ sinh thái hồ tại khu vực hồ chứa nước. Bên cạnh đó, các hồ chứa nước lớn sẽ tác động đến vi khí hậu các vùng lân cận, có thể giảm nhiệt độ cực trị của khí quyển. Nhiệt độ cao nhất về mùa hè có thể giảm xuống 2-3oC, mùa đông tăng lên 1-2oC, độ ẩm không khí cũng có thể thay đổi.

Liên quan đến yêu cầu về bảo vệ môi trường trong khai thác công trình thủy điện, gần đây xuất hiện khái niệm “An toàn sinh thái”. An toàn sinh thái là trạng thái bảo vệ lợi ích sinh thái quan trọng đối với đời sống con người, trước hết là tạo ra trạng thái sạch, đảm bảo thuận lợi cho sức khỏe con người và môi trường thiên nhiên.

Việc thiếu điện hiện nay đang là vấn đề cấp thiết và việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện là cấp bách. Tuy vậy, các dự án đầu tư vào thủy điện cần đảm bảo giữa khai thác tài nguyên và bảo vệ tài nguyên.

Theo: Báo ĐT Gia Lai