Tại Công ty Điện lực Lâm Đồng, 70% khách hàng sử dụng các dịch vụ điện trên môi trường mạng như web, email, app.
Đầu tư lớn cho chuyển đổi số
Qua đó, cung cấp những cách thức mới để tiếp cận khách hàng và giúp doanh nghiệp dễ dàng thích ứng với những thay đổi của thị trường.
Kinh nghiệm “xương máu” có được rút tỉa từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng đã quyết định tập trung đầu tư mạnh cho chuyển đổi số, nhằm đảm bảo vừa phát triển kinh doanh vừa luôn có phương án thay đổi linh hoạt nếu chẳng may có các dịch bệnh tương tự tái diễn.
Ông Thái Đắc Toàn - Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết: Những năm qua, ngành Điện nói chung và Công ty Điện lực Lâm Đồng nói riêng đã ứng dụng công nghệ số vào công tác sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng từ rất sớm với việc sử dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến, thiết bị số như hệ thống thiết bị bảo vệ vận hành lưới điện, nhà máy điện, hệ thống máy tính điện tử và các phần mềm ứng dụng để quản lý và kinh doanh mua, bán điện năng…
Từ năm 2021, trước xu thế phát triển nền kinh tế số của đất nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chọn chủ đề năm 2021 là năm thực hiện chuyển đổi số với nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể. Qua đó, hướng đến việc chuyển đổi số toàn diện công tác sản xuất, kinh doanh và quản lý doanh nghiệp của các đơn vị thành viên trong tập đoàn. Vì vậy, việc chuyển đổi số của Công ty Điện lực Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong công tác dịch vụ khách hàng.
Hiện, đơn vị đã thực hiện việc lắp công tơ điện tử và đo xa đạt tỷ lệ 60% số khách hàng, trong đó có 5 đơn vị đạt tỷ lệ 100% là TP Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Cát Tiên. Qua đó, tỷ lệ yêu cầu dịch vụ điện được thực hiện theo phương thức điện tử trong toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ đạt 99,5% khách hàng; 99,86% khách hàng được thực hiện dịch vụ điện cung cấp trực tuyến cấp độ 4; 70% khách hàng sử dụng các dịch vụ điện trên môi trường mạng và tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 98,41%.
Không chỉ các doanh nghiệp nhà nước, hoạt động chuyển đổi số cũng đang được các doanh nghiệp FDI tỉnh Lâm Đồng quyết liệt thực hiện. Ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm chia sẻ: Với gần 28 năm tồn tại và phát triển, hiện công ty có 4 trang trại sản xuất hoa gồm: Đà Lạt (30 ha), Đa Quý - Xuân Thọ (10 ha), Đạ Ròn - Đơn Dương (250 ha) và Phúc Thọ - Lâm Hà (30 ha). Tất cả những nhà kính hiện nay của công ty đều được điều khiển hoàn toàn tự động bằng hệ thống Hortimax được nhập khẩu từ Hà Lan thông qua việc chuyển đổi số. Theo ông Nguyễn Văn Bảo, phần lớn sản lượng hoa của công ty đều phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu, do đó công tác chuyển đổi số để tăng hiệu quả sản xuất và kinh doanh là nhiệm vụ then chốt, quyết định sự thành công của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc Hành chính - Nhân sự Công ty Sợi Đà Lạt chia sẻ: “Việc chuyển đổi số được đơn vị thực hiện hầu như ở tất cả các quy trình sản xuất cũng như hoạt động thương mại. Đơn cử như ở dây chuyền sản xuất tự động, chỉ cần từ 1 - 2 công nhân, qua đó, doanh nghiệp giảm tối đa chi phí vận hành về nhân công”.
Tiến trình tất yếu của doanh nghiệp
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng, khi thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu chi phí, tối ưu công tác vận hành, đặc biệt tối ưu về nguồn lực nhân sự và đào tạo nhân sự. Đồng thời, nhà quản lý áp dụng công cụ quản trị từ xa, không chỉ đơn giản hoá hoạt động quản lý doanh nghiệp mà còn có công cụ phân tích hiệu quả sản xuất, kinh doanh mọi lúc mọi nơi.
Đơn cử như tại Công ty Điện lực Lâm Đồng, khi thực hiện việc chuyển đổi số, công tác quản lý ngày càng đi vào hiệu quả, bộ máy lao động giảm, năng suất lao động tăng, việc cập nhật và lưu trữ dữ liệu khách hàng ngày càng an toàn, khoa học, tiết kiệm. Ngoài ra, khách hàng dùng điện cũng nâng cao nhận thức trong nền kinh tế số, từng bước làm quen với các dịch vụ số như thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, sử dụng các nhu cầu về điện trên môi trường mạng… Qua đó, đem lại hiệu quả thiết thực cho khách hành và là nền tảng cho việc phát triển nền kinh tế số của ngành Điện.
Theo ông Thái Đắc Toàn, trong thời gian tới, với mục tiêu của ngành Điện là đảm bảo cung cấp đủ điện cho khách hàng với chất lượng ngày càng cao, dịch vụ khách hàng ngày càng hoàn hảo, Công ty Điện lực Lâm Đồng sẽ tập trung đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, vận hành đầu tư phát triển lưới điện và dịch vụ khách hàng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện chiến lược kinh doanh khi có đủ công cụ tổng hợp thông tin khách hàng; phân tích và đo lường cụ thể được hành vi mua hàng, nhu cầu của khách hàng và bám đuổi được khách hàng theo hành trình trải nghiệm khách hàng. Mặt khác, doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số có thể dễ dàng thiết lập đa kênh bán hàng, marketing để tiếp cận trực tiếp với khách hàng (D2C - direct to customers/ O2O - Online to Offline) và theo đó, gia tăng không giới hạn cơ hội tiếp cận với khách hàng trực tiếp toàn cầu.
Một trong những việc doanh nghiệp muốn chuyển đổi số cần phải làm là huấn luyện và mở rộng luồng tư duy của nhà lãnh đạo; giúp họ có khả năng nhìn thấy và thấu hiểu được lợi ích của quá trình chuyển đổi số. Hiện tại một số chủ doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nhìn được vào lợi ích của chuyển đổi số. “Đây không phải là chuyện sử dụng phần mềm thì công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn như thế nào; mà là tôi đầu tư cho chuyển đổi số thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền và doanh thu tăng như thế nào? - bà Lan Anh cho hay.
Link gốc