Đầu tư xây dựng

Bổ sung nguồn điện cho phát triển công nghiệp

Thứ tư, 1/11/2023 | 10:42 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất miền Bắc thời gian qua. Trong đó, điện cấp cho lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ lệ lớn với gần 70% sản lượng điện thương phẩm.

Dự kiến vị trí đặt TBA 220 kV tại khu đất Đồng Chằm, xã Tư Mại (Yên Dũng).

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng, nhất là phát triển công nghiệp, EVN đang cùng địa phương triển khai nhiều dự án điện trọng điểm, trong đó có trạm biến áp 220 kV và đường dây.

Ước tính đến năm 2025, điện thương phẩm toàn tỉnh đạt hơn 8,9 tỷ kWh, nhu cầu công suất 1.650MW; đến năm 2030, điện thương phẩm là 16,7 tỷ kWh, nhu cầu công suất 2.900MW. Hiện nay, các phụ tải lớn dùng điện tập trung tại các khu công nghiệp (KCN) và địa bàn TP Bắc Giang, huyện Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang đang được nhận điện chủ yếu từ 2 trạm biến áp (TBA) 220kV Bắc Giang và Quang Châu. 

Hai trạm trên mang tải khoảng 80-85% và được hỗ trợ từ các TBA 220kV Bắc Ninh, Hiệp Hòa và Phả Lại. Với nhu cầu sử dụng điện của nhiều nhà đầu tư hoạt động tại Bắc Giang đăng ký thì khả năng cung cấp điện cho phụ tải trong những năm tới sẽ gặp khó khăn. Để tăng khả năng cấp điện cho phụ tải trên địa bàn cần đầu tư TBA 220kV Yên Dũng, TBA 220kV Lạng Giang và các đường dây song quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc.

Cụ thể, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ có số lượng các TBA, đường dây 110kV xây dựng mới và cải tạo; chưa có danh mục, quy mô đường dây, TBA giai đoạn 2021-2030 và sơ đồ nguyên lý, bản đồ lưới điện thể hiện kết cấu lưới điện dẫn tới khó khăn khi thực hiện. Theo Luật Đầu tư, với dự án đầu tư xây dựng công trình lưới điện đề nghị Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu thì đều phải trình chủ trương đầu tư lên UBND cấp tỉnh (với các dự án trên địa bàn một tỉnh) hoặc Thủ tướng Chính phủ (với các dự án trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên) khiến việc triển khai dự án thêm phức tạp.

Xác định TBA 220kV Yên Dũng, Lạng Giang và đường dây đấu nối là dự án cấp thiết, quan trọng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, do đó tỉnh Bắc Giang đã có nhiều cuộc làm việc với EVN để giải quyết vấn đề phát sinh. Theo kế hoạch, công trình TBA 220kV Yên Dũng và đường dây dự kiến khởi công quý IV/2025, đóng điện quý IV/2026; TBA 220 kV Lạng Giang và đường dây khởi công quý III/2027, đóng điện quý IV/2028. Dự án do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư.

Trước kế hoạch và mục tiêu như trên, Bắc Giang đang tập trung đôn đốc các phần việc liên quan để thực hiện dự án. Dự án TBA 220kV Yên Dũng và đường dây đấu nối được xây dựng nhằm cấp điện cho các phụ tải tỉnh Bắc Giang nói chung và các KCN trên địa bàn huyện Yên Dũng nói riêng (đặc biệt là KCN Yên Lư); tăng cường độ ổn định lưới điện khu vực, giảm tổn thất công suất, điện năng trong hệ thống.

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Công Thương, các đơn vị của ngành điện xây dựng kế hoạch, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có căn cứ triển khai; hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đối với các dự án lưới điện theo quy định của Luật Đầu tư. 

Các sở, ngành và UBND các huyện liên quan thực hiện thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí TBA, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) bảo đảm quỹ đất cho các công trình điện. Tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các KCN và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin về tình hình phát triển các KCN, cụm công nghiệp, khu đô thị dịch vụ, khu công nghệ cao... để ngành điện xây dựng các phương án, kịch bản cấp điện phù hợp cho từng giai đoạn và chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư.

Công nhân ngành điện kiểm tra hệ thống TBA 220 kV Bắc Giang - Lạng Sơn vừa hoàn thành.

Với TBA 220kV Lạng Giang và đường dây được xây dựng nhằm tiếp nhận điện năng 220kV từ nguồn lưới điện Quốc gia để cung cấp điện 110kV cho khu vực phía Tây của tỉnh Bắc Giang gồm: Huyện Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế và lân cận. Địa điểm dự kiến xây dựng TBA 220kV Lạng Giang tại khu đất trồng lúa thuộc thị trấn Cao Thượng (Tân Yên).

Tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án kinh doanh hạ tầng KCN Yên Lư và triển khai dự án điện tại Yên Dũng vừa qua, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, điện là yếu tố nhà đầu tư rất quan tâm khi lựa chọn đầu tư vào bất kỳ đâu. Nguồn điện không ổn định sẽ gây khó khăn cho sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, đồng chí yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ để thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng điện, trong đó có TBA 220kV và đường dây đấu nối. 

Trước mắt, dự kiến vị trí đặt TBA 220 kV Yên Dũng tại khu đất Đồng Chằm, xã Tư Mại (Yên Dũng) để tiếp tục nghiên cứu tính khả thi và các giải pháp triển khai. Đây là phương án có khả năng mở rộng, nâng cấp công suất, quy mô truyền tải điện trong tương lai, phù hợp với tốc độ phát triển nhanh của địa phương. Đồng chí giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại các quy định pháp luật, quy hoạch của tỉnh, huyện, bảo đảm không còn vướng mắc liên quan đến quy hoạch, quy định pháp luật trước khi triển khai các thủ tục liên quan đến dự án để trình HĐND tỉnh trong tháng 12. Đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn, chủ đầu tư triển khai song song các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo kế hoạch, công trình TBA 220kV Yên Dũng và đường dây dự kiến khởi công quý IV/2025, đóng điện quý IV/2026; TBA 220 kV Lạng Giang và đường dây khởi công quý III/2027, đóng điện quý IV/2028. Dự án do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư.

Link gốc


 

Theo: Báo Bắc Giang