Hướng tới Đại hội Đảng bộ EVN lần thứ III

Bổ sung vào hệ thống điện Quốc gia thêm 6.093 MW công suất

Thứ năm, 16/7/2020 | 16:43 GMT+7
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều công trình nguồn và lưới điện quan trọng, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 là 550.852 tỷ đồng, gấp 1,17 lần so với giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2018, EVN được Fitch Ratings đánh giá và xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở mức BB triển vọng, đây là mức tín nhiệm tích cực đảm bảo EVN có thể thu hút các nhà đầu tư và huy động vốn để đầu tư các dự án điện.
 
Các dự án đầu tư của Tập đoàn phù hợp với Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, thực hiện theo đúng các quy định, quy phạm pháp luật của Nhà nước, đảm bảo chất lượng xây dựng công trình. 
 
Cụ thể trong 5 năm qua, EVN đưa vào vận hành 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.093 MW, đạt khối lượng được giao; trong đó Thủy điện Lai Châu hoàn thành vượt trước 1 năm so với tiến độ được duyệt và Thủy điện Thác Mơ mở rộng là dự án thủy điện mở rộng đầu tiên làm tiền đề cho việc mở rộng các dự án thủy điện Đa Nhim, Hòa Bình và Ialy.
 
Bên cạnh đó, EVN cũng khởi công 5 dự án nguồn điện với tổng công suất 2.380 MW như: Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Nhiệt điện Duyên Hải 3; đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm cấp điện cho khu vực miền Nam. Đồng thời, Tập đoàn cũng hoàn thành đưa vào vận hành các dự án nguồn điện mặt trời với tổng công suất 240 MWp; đã hỗ trợ và phối hợp các nhà đầu tư đưa vào vận hành gần 100 nhà máy điện gió, mặt trời với tổng công suất trên 5.000 MW để bổ sung nguồn cấp điện Quốc gia. 
 
Đồng bộ với các dự án nguồn điện, trong 5 năm qua, EVN đã khởi công 771 công trình và hoàn thành đóng điện 792 công trình lưới điện từ 110-500 kV; Đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của hệ thống. Trong đó, Tập đoàn đã khởi công các công trình quan trọng như: Đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2; Đưa vào vận hành các công trình lưới điện đồng bộ Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Thái Bình; các công trình giải tỏa thủy điện khu vực miền Bắc, các nguồn điện năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, các công trình lưới điện đảm bảo cấp điện miền Nam, thành phố Hà Nội và các phụ tải lớn. 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Dương Quang Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, công tác đầu tư xây dựng toàn Tập đoàn trong 5 năm qua không đạt mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng và kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vẫn còn nhiều công trình lưới điện chưa hoàn thành theo tiến độ kế hoạch. 
 
Nguyên nhân được ông Thành chỉ ra là đầu tư xây dựng các dự án gặp nhiều bất cập liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư theo qui định pháp luật do đó thời gian triển khai thủ tục đầu tư hầu hết các dự án kéo dài. Hạn chế về trần nợ công dẫn đến việc thu xếp vốn cho các dự án điện của EVN không còn được Chính phủ bảo lãnh. 
 
Cùng với đó là việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để thực hiện đầu tư, xây dựng các dự án điện mới nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo cung cấp điện gặp khó khăn. Bên cạnh đó văn bản Luật chưa có quy định về cơ chế hỗ trợ liên quan đến tài chính, bảo lãnh Chính phủ.
 
Các vướng mắc liên quan đến chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các vướng mắc trong việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường cũng là những tồn tại mà EVN đang gặp phải trong đầu tư xây dựng các dự án điện.
 
Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu  đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện đảm bảo đồng bộ tiến độ đưa vào vận hành các nguồn điện; tăng cường liên kết nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Theo đó, EVN tập trung hoàn thành đưa vào vận hành 8 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.840 MW gồm: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Trị An mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Ô Môn III và IV, Dung Quất I và III.
 
EVN cũng đầu tư các nhà máy nhiệt điện theo công nghệ hiện đại, hiệu quả, đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường.  Đồng thời, phối hợp và khuyến khích phát triển các nhà máy điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống điện mặt trời phân tán; Nghiên cứu xây dựng hệ thống tích trữ năng lượng.
 
Mặt khác, EVN còn phát triển lưới điện phân phối đồng bộ và đi đôi với phát triển, hiện đại hóa lưới điện truyền tải, phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực và tiến tới bán trực tiếp cho các phụ tải phù hợp với phát triển thị trường điện. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng công nghệ truyền tải điện một chiều; Nâng cao năng lực của hệ thống truyền tải, đảm bảo thông tin liên lạc, điều độ vận hành phục vụ cho phát triển hoàn chỉnh thị trường điện và nhu cầu chất lượng ngày càng cao của các phụ tải.
 
Ngoài ra, trong 5 năm tới, EVN còn tập trung phát triển lưới điện thông minh, chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại để tích hợp các nguồn điện phân tán; Chủ động nghiên cứu và đề xuất bổ sung các dự án nguồn và lưới điện để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Việc kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư, phát triển các dự án điện với đảm bảo quốc phòng, an ninh, đặc biệt tại các địa bàn biên giới, biển đảo, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cũng được Tập đoàn chú trọng triển khai trong giai đoạn này.
 
Để đảm bảo thu xếp đủ vốn cho nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện theo kế hoạch, EVN chủ động huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện; Đa dạng hóa thu xếp vốn bao gồm vốn vay thương mại quốc tế, vay tín dụng xuất khẩu song song với vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Đồng thời, chủ động tìm kiếm các nguồn vốn mới; Nghiên cứu mục tiêu, phạm vi và phương thức hỗ trợ tài chính của các Quỹ, Ngân hàng khu vực hoặc toàn cầu để xem xét khả năng thu xếp vốn vay từ các tổ chức này.
Mai Phương