Sự kiện

Bốn thách thức của ngành điện Việt Nam

Thứ năm, 15/10/2009 | 09:17 GMT+7

Từ 1/1/2002 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những chuyển biến quan trọng trong quản lý và điều hành. Nhờ đó, EVN không chỉ đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện mà còn bảo toàn vốn, kinh doanh có lãi, đảm bảo đời sống việc làm cho 93.913 CBVC-LĐ.

 

Trên Công trường Thủy điện An Khê - Ka Nak

Đổi mới công tác quản lý, điều hành

Theo báo cáo của ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT EVN, từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế, EVN đã tập trung mạnh mẽ vào đầu tư phát triển hệ thống nguồn và lưới điện, đảm bảo nhiệm vụ quan trọng nhất là đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế xã hội, đồng thời mở rộng kinh doanh các ngành nghề khác trên cơ sở thế mạnh kinh doanh điện.

Cơ chế điều hành cũng được thay đổi theo hướng phân cấp mạnh và định hướng hoạt động của các công ty con thông qua người đại diện phần góp vốn trên cơ sở thực hiện các chỉ tiêu quan trọng như: mục tiêu đầu tư, điện thương phẩm. Đồng thời huy động đầu tư theo hình thức có thanh toán, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty con.

Cơ chế tiền lương thực hiện theo quy định của Chính phủ đối với công ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu và các công ty con trong Tập đoàn kinh tế.

Cơ chế phân cấp mạnh tới các công ty con đã khuyến khích tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phát huy hết tiềm năng của các đơn vị. Nhờ đó đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng cao 14 – 15%/năm, cơ bản đáp ứng đủ điện cho sản xuất và nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Cổ phần hóa góp phần xóa bỏ độc quyền, đa dạng hình thức đầu tư

Sau 10 năm thực hiện tiến trình cổ phần hóa (CPH), EVN đã hoàn thành CPH 30 đơn vị, trong đó có 6 công ty phát điện, 1 công ty phân phối điện, 23 công ty thuộc khối phụ trợ.

Hiện nay EVN đang tiếp tục thực hiện CPH 5 đơn vị gồm: Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, Nhiệt điện Thủ Đức, Nhiệt điện Phú Mỹ, Công ty Thông tin – Viễn thông Điện lực, Trung tâm tư vấn xây dựng điện thuộc Công ty Điện lực 1.

Quá trình CPH đã giúp EVN huy động được 1.955 tỷ đồng của xã hội và các cổ đông bên ngoài tham gia đầu tư vào ngành điện. Xóa bỏ độc quyền, đa dạng hóa hình thức sở hữu, đầu tư và kinh doanh điện. Tăng tính chủ động cho các đơn vị. Sau CPH, các công ty đều làm ăn có lãi, lợi nhuận vượt kế hoạch, thu nhập người lao động được nâng cao… Vốn nhà nước được bảo toàn, nộp ngân sách vượt chỉ tiêu, doanh thu năm sau cao hơn năm trước.

Cụ thể: doanh thu năm 1995 đạt 8.259 tỷ đồng, đến năm 2008 đạt 67.562 tỷ đồng, tăng 818%. Nộp ngân sách năm 2008 đạt 4.028 tỷ đồng, tăng 279% so năm 1995. Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn năm 1995 là 20.245 tỷ đồng, năm 2008 là 67.371 tỷ đồng, tăng gần 333%... EVN cũng đưa vào vận hành thêm 15 nhà máy điện lớn (tổng công suất trên 6.100 MW).

Tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ 21,5% năm 1995 xuống 9,21% năm 2008, bình quân mỗi năm giảm được 0,93%, trung bình làm lợi 200 tỷ đồng/năm.

Việc quản lý bán điện về nông thôn cũng được đẩy mạnh. Tính đến 30/6/2009, EVN đã đưa điện về 100% số huyện, trên 97% số xã và gần 95% số hộ nông dân sử dụng điện lưới quốc gia, chỉ tiêu này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực…

Từ tháng 6/2008, EVN đã triển khai chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến hộ trên toàn quốc. Mục tiêu của EVN là sẽ tiếp nhận gần 5.000 xã vói 7,4 triệu hộ nông dân, dự kiến hoàn thành vào năm 2010.

Bên cạnh đó, để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành điện, EVN đã chỉ đạo các Công ty Điện lực xây dựng xây dựng Đề án thành lập 5 Tổng công ty Điện lực: miền Bắc, miền Trung, miền Nam, T.P Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở tổ chức lại 11 công ty điện lực hiện có.

Theo đó, các công ty mẹ hoạt động theo hình thức công ty TNHH MTV do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ. Các điện lực tỉnh hiện nay sẽ chuyển hành các công ty TNHH MTV để khắc phục các nhược điểm về bù chéo, không minh bạch chi phí – giá bán, tăng cường năng lực đầu tư và đáp ứng nhu cầu điện cho địa phương.

Tuy nhiên, trong vấn đề CPH EVN cũng đang gặp một số khó khăn trong việc xác đinh giá trị quyền sử dụng đất (một số đơn vị chưa đủ hồ sơ pháp lý nên phải lựa chọn hình thức thuê đất, vì vậy không được tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp); xác định giá trị lợi thế kinh doanh với ngành điện rất khó vì ít có các giao dịch trên thị trường; thời gian xác định giá trị doanh nghiệp là 30 ngày nhưng các đơn vị của EVN đều có quy mô lớn nên thường bị kéo dài thời gian.

EVN cũng đề nghị được bán cổ phần các nhà máy có công suất 500 MW trở xuống mà không cần giữ cổ phần chi phối, nâng số cổ phần ưu đãi cho người lao động…

Bốn thách thức của EVN

Theo ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, hiện nay EVN đang đứng trước 4 thách thức lớn.

Thứ nhất, phải đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế trong điều kiện thiếu vốn, thiếu nguồn.

Thứ hai, giá điện chưa tiếp cận được với giá thị trường nên khó thu hút đầu tư. Theo kế hoạch, giai đoạn 2006 – 2015, nguồn đầu tư ngoài EVN phải đạt 36.000 MW. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới đầu tư được 6.000 MW, 15.000 MW đã có chủ đầu tư, còn lại 15.000 MW chưa có chủ. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu điện rất lớn trong thời gian tới.

Thứ ba, lộ trình hình thành thị trường điện cạnh tranh chưa song hành được với thị trường nhiên liệu sơ cấp nên việc đàm phán giá điện gần như không khả thi. Điều này đã dẫn đến tình trạng kéo dài dự án.

Thứ tư, đưa điện lên nông thôn miền núi ngày càng khó khăn vì hiện nay EVN đang phải kinh doanh điện trong tình trạng mua cao bán thấp. Chỉ riêng năm 2008 EVN đã phải chịu lỗ 6.295 tỷ đồng đối với phần điện mua ngoài, bù lỗ gần 3.000 tỷ đồng cho các hoạt động công ích phục vụ nhân dân đưa điện đến vùng sâu vùng xa, điện phục vụ an ninh, quốc phòng, biên giới, hải đảo…, trong khi từ năm 1993 đến nay Nhà nước thực hiện chủ trương ngành điện tự vay, tự trả. Nhà nước chỉ cấp một số vốn rất nhỏ để đầu tư điện cho buôn làng Tây Nguyên, Tây nam và một phần đền bù tái định cư cho 3 công trình thủy điện lớn.

Để tháo gỡ khó khăn, EVN đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo việc hình thành thị trường điện đồng bộ với hình thành các thị trường năng lượng sơ cấp như than, dầu khí nhằm đảm bảo cạnh tranh của các nhà máy điện. Đồng thời có cơ chế ràng buộc trách nhiệm với các nhà đầu tư BOT, IPP về điện lực, nếu quá hạn mà không đầu tư thì kiên quyết thu hồi dự án. Tốt nhất là thực hiện thị trường điện từ quý III/2010 để tạo sự cạnh tranh giá thành, giá bán điện hợp lý, tạo sự minh bạch, khách quan, niềm tin cho các nhà đầu tư.

Theo: Công Thương