Sự kiện

Lời giải cho bài toán thiếu năng lượng ở Việt Nam: Vì sao là điện hạt nhân

Thứ ba, 13/10/2009 | 09:51 GMT+7

An ninh năng lượng quốc gia đang rung những hồi chuông báo động khi nhu cầu sử dụng điện không ngừng tăng lên mạnh mẽ trong khi khả năng đáp ứng của các nguồn điện truyền thống chỉ có hạn. Liệu điện hạt nhân có phải là lời giải xác đáng cho bài toán thiếu năng lượng mà Việt Nam đang và sẽ đối mặt trong tương lai?

 

Sự “phục hưng” của điện hạt nhân

Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, kinh tế toàn cầu phát triển ào ạt, khí carbonic thải ra đã gây hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng, đe dọa đến an sinh của nhân loại. Nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng đắt đỏ cũng đứng trước nguy cơ cạn kiệt… Và trên thế giới, đã xuất hiện một phong trào mới mà người ta gọi là sự “phục hưng” xứng đáng của điện hạt nhân (ĐHN).

Sự phát triển bền vững, an toàn và mang tính trụ cột của ĐHN trong nền công nghiệp năng lượng của những nước tiên tiến như Nhật Bản, Pháp,… đã khẳng định tính ưu việt của nguồn điện này. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) dự báo rằng: Trong hai thập kỷ tới, dù có xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì công suất ĐHN trên thế giới vẫn sẽ tăng ít nhất 40%, lên khoảng 510 GW, thậm chí có thể tăng gấp đôi.

ĐHN ở Việt Nam - Lời giải xác đáng

Đối với Việt Nam, theo ông Tạ Văn Hường – Vụ trưởng Vụ Năng lượng Dầu khí (Bộ Công Thương), xây dựng nhà máy ĐHN là yêu cầu tất yếu. Nếu không đi con đường này, thì không thể giải quyết được vấn đề thiếu năng lượng để phát triển đất nước. Thực chất, sự quan ngại của dư luận về chi phí cho ĐHN vượt quá khả năng của một đất nước còn khó khăn như Việt Nam là không có cơ sở. Bởi qua các nghiên cứu và thực tế phát triển ĐHN ở các nước cho thấy, chi phí ĐHN chủ yếu là chi phí vốn (xây dựng), tính kinh tế được nâng cao thông qua quá trình vận hành dài hạn. Hơn nữa, chi phí nhiên liệu của ĐHN trong hàng chục năm qua khó bị tác động bởi thị trường và có thể đảm bảo cho tính ổn định của giá điện.

Nguồn tài nguyên uran được phân bổ nhiều khu vực, ít bị rủi ro trong việc cung cấp. Tính an toàn của ĐHN cũng đã được đảm bảo bằng công nghệ hiện đại và quy trình thực hiện (từ xây dựng cho đến vận hành…) hết sức nghiêm ngặt. Với tính chất đặc thù của ĐHN, Việt Nam quyết định xây dựng nhà máy ĐHN tức là sẽ phải tuân thủ sự giám sát quốc tế chặt chẽ trong suốt quá trình xây dựng, vận hành, xử lý nhiên liệu, lưu giữ chất thải và tháo gỡ; trong bảo vệ môi trường, an toàn, sẵn sàng ứng phó sự cố…

Việt Nam đã sẵn sàng

Trải qua thời gian dài (từ những năm 90 đến nay), các cơ quan hữu quan ở Việt Nam đã tiến hành triển khai nghiên cứu và xây dựng báo cáo tiền khả thi dự án ĐHN một cách kỹ lưỡng và thận trọng. Một trong những cột mốc quan trọng là Luật Năng lượng nguyên tử được ban hành và chính thức có hiệu lực từ năm 2008 đã tạo ra hành lang pháp lý và định hướng lâu dài cho quá trình khởi động phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ở Việt Nam.

Ông Phan Minh Tuấn – Trưởng ban Chuẩn bị đầu tư dự án ĐHN và năng lượng tái tạo (NRPB) cho biết: Hiện nay, dự án xây dựng Nhà máy ĐHN đầu tiên do EVN là chủ đầu tư đã triển khai được những bước cơ bản vững chắc. Báo cáo đầu tư dự án được Hội đồng thẩm định Nhà nước nhất trí thông qua trong phiên họp lần thứ 5 ngày 20/7/2009 và đã được hoàn thiện, làm cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ họp lần thứ 6 của Quốc hội khóa XII vào tháng 10/2009.

Mới đây nhất, trong khuôn khổ Hội thảo về hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực điện hạt nhân do Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) và Bộ Kinh tế Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản (METI) phối hợp tổ chức vào 16/9/2009 tại Hà Nội, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam – ông Mitsuco Sakaba cũng khẳng định: Việt Nam đã và đang triển khai đúng hướng trong quá trình phát triển ĐHN. Công nghệ lò nước sôi và lò nước áp lực mà Việt Nam đưa ra trong báo cáo tiền khả thi để lựa chọn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên là 2 công nghệ tiên tiến phổ biến trên thế giới, đảm bảo tính an toàn và tin cậy. Ngoài sự hỗ trợ về đào tạo nhân sự, chia sẻ kinh nghiệm,… đối với vấn đề vốn đầu tư, Nhật Bản là một trong các nước sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam thông qua các chương trình vay vốn ưu đãi và vay vốn qua các ngân hàng thương mại…

Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng lưu ý các cơ quan hữu quan của Việt Nam cần sớm đẩy nhanh các thủ tục và các bước đi cần thiết để tiến hành xây dựng, hoàn thiện nhà máy ĐHN đúng tiến độ. Rút kinh nghiệm từ sự chậm trễ trong quá trình triển khai các dự án điện nói chung ở Việt Nam trong thời gian qua, EVN cần chủ động và nỗ lực hơn nữa để đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án ĐHN đầu tiên quan trọng này. Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ KHCN,… để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi động và triển khai dự án…

Bảng so sánh giá điện của các nguồn điện

Nguồn điện

Đơn giá điện  (yên Nhật/kWh)

Thủy điện

8,2 - 13,3

Dầu lửa

             10,0 - 17,3

Khí đốt

               5,8 - 7,1

Than đá

               5,0 - 6,5

Điện hạt nhân

               4,8 - 6,2

Năng lượng mặt trời

                    46

Năng lượng gió

                10 – 14

(Nguồn: Bộ Kinh tế Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản)

Một số thông tin cơ bản về dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận:

- Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam

- Tổng diện tích: Dự án Ninh Thuận 1: 502 ha (xã Phước Dinh, tỉnh Ninh Thuận); Dự án Ninh Thuận 2: 514 ha (xã Vĩnh Hải, tỉnh Ninh Thuận)

- Quy mô công suất: Giai đoạn 1: 2 tổ máy x 1000 MW. Giai đoạn 2: 2 tổ máy x 1000 MW

- Thời điểm vận hành thương mại: Tổ máy 1 Ninh Thuận 1: năm 2020

- Nhiên liệu: Urani làm giàu tới 2-4%

- Công nghệ: PWR hoặc BWR (lò nước áp lực hoặc lò nước sôi)

- Thời gian xây dựng: 6 năm/tổ máy

-  Đời sống dự án: 60  năm

- Suất đầu tư: khoảng 3.800 USD/kWe (sau thuế)

- Tổng mức đầu tư: 15.387 tỉ USD (sau thuế)

Kế hoạch dự kiến phát triển ĐHN ở Việt Nam đến năm 2025 (theo Quy hoạch điện VI)

- Thời điểm đưa vào vận hành: Từ năm 2020-2025

- Tổng công suất: 11.000 MW

(Nguồn: Bộ Công Thương)

Theo: Tạp chí Điện lực