Sự kiện

Đảm bảo điện đón đầu phục hồi kinh tế

Thứ tư, 14/10/2009 | 10:35 GMT+7

Quyết liệt các giải pháp quản lý…

Tổ máy 1 (300 MW) Nhiệt điện Hải Phòng đang được hoàn thiện.

Dự kiến, năm 2009, điện thương phẩm của EVN đạt 72,52 tỷ kWh (tăng 10% so với năm 2008), tương ứng với điện sản xuất và mua ngoài là 82,2 tỷ kWh (tăng 10,8 % so với năm 2008), trong đó điện sản xuất của EVN là 56,1 tỷ kWh, điện mua ngoài là 26,1 tỷ kWh. Điện sản xuất và mua ngoài ước thực hiện năm 2009 đạt thấp hơn kế hoạch Nhà nước giao, do đầu năm ảnh hưởng của suy giảm kinh tế trong nước đã làm giảm nhu cầu sử dụng điện (6 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 3,9%, điện thương phẩm tăng 7,98%). Do tác động tích cực từ các gói kích cầu của Chính phủ, nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, nên dự kiến 6 tháng cuối năm tỉ lệ tăng trưởng điện thương phẩm là 11,5% và cả năm đạt 10%. EVN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, kỹ thuật và kinh doanh, phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất năm 2009 xuống 9,2%, hoàn thành kế hoạch tiếp nhận bán điện trực tiếp đến hộ dân tại 2.930 xã. Đến nay, cả nước đã có 97,74% xã và 94,43% hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia.

Năm 2009, tổng giá trị đầu tư xây dựng của EVN dự kiến đạt 51.860 tỷ đồng (vượt 1.420 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm). Đến cuối tháng 8/2009, tổng giá trị đầu tư xây dựng của EVN đạt 26.090 tỷ đồng. EVN đã đưa vào vận hành 5 tổ máy với công suất 994 MW. EVN cũng đang nỗ lực đảm bảo tiến độ các dự án năng lượng nông thôn giai đoạn 2 (REE II); dự án lưới điện phân phối nông thôn (RD); dự án cấp điện thôn, buôn của 5 tỉnh Tây Nguyên; triển khai dự án cấp điện cho đồng bào Khơ Me của 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng…

Đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế

Căn cứ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 là 6,5-7% của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản lượng điện thương phẩm năm 2010 được EVN dự kiến là tăng 13% so với năm 2009. Điện sản xuất và mua ngoài dự kiến với sản lượng 93,38 tỷ kWh (tăng 13,6% so với ước thực hiện năm 2009). Trong đó, điện sản xuất là 61,454 tỷ kWh, mua ngoài là 31,926 tỷ kWh. Tháng 6/2010, là thời điểm EVN hoàn tất Chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên toàn quốc. Theo chương trình, EVN sẽ hoàn thành tiếp nhận tại 5.621 xã với 7,4 triệu hộ dân nông thôn trên toàn quốc (trong năm 2010, sẽ thực hiện tiếp nhận 2.140 xã).

Về đầu tư xây dựng, mục tiêu năm 2010 là đưa vào vận hành 2.130 MW của 7 dự án nguồn điện do EVN đầu tư và chiếm cổ phần chi phối. Tiến hành khởi công 4 dự án nguồn mới với tổng công suất 2.216 MW. Đồng thời, rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục theo yêu cầu của tổ chức cho vay vốn (ADB, JICA) để khởi công dự án nguồn điện chuyển tiếp từ năm 2009 là Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 và Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Với các dự án lưới điện, năm 2010, EVN sẽ đưa vào vận hành 10 dự án đường dây 500 kV và 27 dự án đường dây 220 kV. Ngoài ra, sẽ khởi công 2 dự án lưới điện 500 kV có ý nghĩa quan trọng đấu nối Trung tâm điện lực lớn vào hệ thống, gồm các đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Song Mây, Quảng Ninh - Hiệp Hoà; đồng thời triển khai các dự án lưới điện 220 kV, 110 kV khác đáp ứng nhu cầu phụ tải và đấu nối đồng bộ các dự án nguồn.

Nhằm nỗ lực đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế, trong năm 2010, các giải pháp được EVN đề ra là: Khai thác tối ưu các nguồn điện, đồng thời tăng cường mua điện Trung Quốc trong mùa khô; tập trung vận hành an toàn và truyền tải cao đường dây 500 kV Bắc-Nam, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện và rút ngắn thời gian xử lý sự cố. Cùng với đó, các chương trình lớn của EVN sẽ được triển khai là: Giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm 1% điện thương phẩm, tăng giá bán bình quân từ 5-7 đồng/kWh so kế hoạch giao, tiếp nhận bán điện trực tiếp đến tất cả khách hàng, tăng năng suất lao động từ 7 - 10% so với năm 2009 và tiết kiệm chi phí 5% so với định mức được duyệt. Lãnh đạo EVN yêu cầu các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn, đôn đốc nhà thầu và nhất là phối hợp chặt hơn với chính quyền địa phương và các bộ ngành để làm tốt hơn công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư tại các công trình điện.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện cho nền kinh tế đất nước đang trên đà phục hồi, Tập đoàn kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện độc lập (IPP) đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện; đặc biệt là các dự án Nhiệt điện Sơn Động, Cẩm Phả có vai trò lớn trong việc đảm bảo điện cho miền Bắc ngay từ mùa khô 2009 - 2010. EVN cũng đã đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm bố trí vốn ngân sách năm 2010 là 1.781 tỷ đồng cho EVN và có chính sách ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án điện do EVN là chủ đầu tư. Hiện EVN đang phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực xây dựng phương án giá điện năm 2010. EVN đã kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện để phương án có thể triển khai ngay từ đầu năm 2010…

Báo cáo Bộ Công thương về kế hoạch 2010 và định hướng kế hoạch phát triển giai đoạn 2011 - 2015 của EVN, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Phạm Lê Thanh khẳng định: Năm 2010 là năm cuối của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2006 – 2010, đồng thời cũng là năm được dự báo là nền kinh tế sẽ có nhiều khởi sắc. Vì vậy, mục tiêu của EVN là thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung ứng điện để đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế đất nước

Năm 2010, nhu cầu vốn ĐTXD của EVN dự kiến là 58.500 tỷ đồng.

Trong đó, kế hoạch ĐTXD của công ty mẹ là: 33.844 tỷ đồng và của các công ty thành viên hạch toán độc lập là: 24.656 tỷ đồng.

Năm 2010:

- 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 2.130 MW dự kiến đưa vào vận hành bao gồm: Tổ máy 2 - Nhiệt điện Hải Phòng 1 (1x300MW), Quảng Ninh 1 (1x300MW); tổ máy 1 - Thuỷ điện Sơn La (1x400MW), tổ máy 2 - Thuỷ điện Bản Vẽ (1x160MW), tổ máy 1 Thuỷ điện An Khê-Kanak (1x80MW), toàn bộ Thuỷ điện Srêpok 3 (2x110MW), Thuỷ điện Sông Tranh 2 (2x95MW), Thuỷ điện Đồng Nai 3 (2x90MW), tổ máy 1 Nhiệt điện Hải Phòng 2 (1x300MW), Quảng Ninh 2 (1x300MW). - 4 dự án nguồn với tổng công suất 2.216 MW sẽ khởi công gồm: NĐ Thái Bình 1 (2x300MW), TĐ Lai Châu (1200MW), TĐ Trung Sơn (260MW) và Thủy Điện Sông Bung 4 (156MW).

- 10 dự án lưới điện 500 kV dự kiến đưa vào vận hành gồm đường dây Sơn La – Hoà Bình, Sơn La – Nho Quan và trạm 500 kV Sơn La; Nhà máy Thuỷ điện Sơn La - Trạm Sơn La, Phú Mỹ - Song Mây, Song Mây – Tân Định; Trạm 500 kV Song Mây; Máy 2 của trạm 500 kV Tân Định, Trạm 500 kV Đắk Nông, đường dây 500 kV Phú Lâm – Ô Môn.

Theo: Tạp chí Điện lực