CTCK 2009: Năng động “tạo lập” thị trường

Thứ năm, 28/1/2010 | 17:34 GMT+7

Đã qua cái thời các công ty chứng khoán “nín thở thi lặn”, thu hẹp hoạt động để cầm cự qua “mùa gió bão 2008”. Bức tranh thị trường chứng khoán 2009 sáng sủa đã đem lại lợi nhuận không nhỏ từ nguồn phí giao dịch và danh mục tự doanh cho các công ty chứng khoán.


Đầu tiên phải kể đến nhóm công ty chứng khoán niêm yết trên sàn. Tuy chưa chính thức công bố kết quả kinh doanh 2009 đã qua soát xét, nhưng thời gian qua hàng loạt công ty báo cáo lãi với những con số vượt kế hoạch.

Blue-chip ngành tài chính sáng giá trên sàn HNX, sau khoản lỗ 347 tỷ đồng năm 2008, KLS của công ty chứng khoán Kim Long vừa công bố lợi nhuận sau thuế năm 2009 là 352 tỷ đồng, EPS đạt gần 5.089 đồng. Doanh thu cả năm của Kim Long đạt 434,8 tỷ đồng, hoạt động tự doanh chiếm đến 77,7%, tương đương với 337,2 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước, hoạt động môi giới đạt 30,4 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước.

Trong khi đó, “lão làng” tại sàn HoSE, SSI của CTCK Sài Gòn đạt 1121,55 tỷ đồng doanh thu lũy kế năm 2009, lợi nhuận sau thuế đạt 804,08 tỷ đồng, tăng 220,97% so với năm 2008. Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động đầu tư chứng khoán của SSI đạt 603,67 tỷ đồng, chiếm 53,8%. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới 1.371,77 tỷ đồng, tăng gần 60% so với đầu năm 2009.

Cổ phiếu HCM của CTCK TP.HCM công bố doanh thu lũy kế cả năm 2009 đạt 491,3 tỷ đồng, tăng 34,8% so với năm 2008, lợi nhuận sau thuế đạt 278,12 tỷ đồng, tăng 1.083% so với mức 23,54 tỷ đồng năm 2008! Doanh thu từ hoạt động tự doanh, góp vốn của HCM là 267,8 tỷ đồng, môi giới đạt 121,23 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2008.

CTCK Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, mã AGR, công bố tổng doanh thu trong quý 4/2009 đạt 289,37 tỷ đồng, lũy kế năm 2009 đạt 580,379 tỷ đồng, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu lũy kế năm 2009 đạt 1.468 đồng.

Các CTCK chưa niêm yết cũng có kết quả kinh doanh khá tích cực.

Dẫn đầu thị phần môi giới trong năm nay, CTCK Thăng Long (TSC) trong 10 tháng đầu năm đã lãi khoảng 100 tỷ đồng và đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trong năm nay.

Hiện tại, TSC vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng với việc vươn lên trở thành công ty chứng khoán có thị phần môi giới chứng khoán lớn nhất trên cả hai sàn năm vừa qua, không bất ngờ nếu TSC công bố mức lãi cao.

CTCK VNDirect công bố lợi nhuận sau thuế năm 2009 đạt 210 tỷ đồng, và đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

CTCK BIDV (BSC) lãi 400 tỷ đồng trong năm 2009. Vào cuối quý I/2010, BSC có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

CTCK Bản Việt (VCSC) công bố lợi nhuận trước thuế năm 2009 ước đạt 64,6 tỷ đồng, vượt 322% so với kế hoạch đề ra.

Chia lại thị phần: phần thắng cho những tân binh “năng động”

Khi VN-Index đang trong thời kỳ đỉnh cao trong năm 2009, giá trị giao dịch tại HoSE luôn xấp xỉ 2.000 – 3.500 tỷ đồng/phiên, thu hút một lượng lớn nhà đầu tư nội “mới toanh”. Cùng với khối lượng cổ phiếu được mua bán với tốc độ chóng mặt, doanh thu từ hoạt động môi giới tại các công ty chứng khoán có thể xem là thời hoàng kim của chứng khoán. Đồng thời, bức tranh thị phần năm 2009 hầu như đã được vẽ lại, mà những thành phiên trong nhóm dẫn đầu không còn là những “cựu binh”.

Theo tổng kết thị phần giá trị giao dịch môi giới quý IV/2009 của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, vị trí dẫn đầu thuộc về CTCK Thăng Long (TSC) trong mảng môi giới cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước.

Vị trí kế tiếp là những tên tuổi mới như CTCK KimEng (KEVS), CTKC FPT (FPTS), CTCK Quốc Tế (VIS), CTCK VNDriect.

Việc “soán ngôi” này phải kể đến sự tiến bộ của các CTCK mới trong hoạt động môi giới và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các ngân hàng mẹ, giúp gia tăng khả năng cung cấp nhiều gói dịch vụ linh hoạt tạo ra lợi nhuận “kép” lúc thị trường chứng khoán đi lên.

Trong khi đó, nhiều CTCK có tên tuổi, thuộc nhóm thu hút được số lượng tài khoản nhiều nhất thị trường lại rớt khỏi bảng xếp hạng, do cơ chế hoạt động quá thận trọng và chậm nắm bắt cơ hội khi thị trường đang lên cơn sốt.

Thời gian qua, có thể khẳng định việc mạnh tay cung cấp các dịch vụ đòn bẩy tài chính cũng như cho nhà đầu tư “mượn” chứng khoán để bán trước ngày T+4,… là cách mà nhiều CTCK sử dụng nhằm tăng thị phần, giữ chân được nhà đầu tư cũ và thu hút nhà đầu tư mới. Và hậu quả của hoạt động quá đà này ai cũng thấy rõ, tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn còn đang tiếp tục “cân nhắc”. Trong thời gian tới, nếu tình trạng tuy “không” mà “có” này vẫn tiếp tục thì sự cạnh tranh về thị phần giữa các công ty chứng khoán sẽ còn tiếp tục sôi động. Và kịch bản thắng – thua của giới đầu tư có lẽ không thay đổi như bức tranh thị phần sẽ còn tiếp tục là cuộc so kè căng thẳng.

Lực lượng “tạo lập” thị trường

Trong thời điểm thị trường đang lình xình như hiện nay, không hiếm phiên nhà đầu tư chứng kiến hiện tượng làm giá, xuất hiện không chỉ ở một vài mã mà là hàng loạt và rất có hệ thống, khiến những quan ngại về hoạt động làm giá của các CTCK không phải không có cơ sở. Đó là nhập hàng nghìn “lệnh ma” vào hệ thống nhồi cầu ảo, tạo hưng phấn giả, lôi kéo các nhà đầu tư nhập cuộc. Khi các nhà đầu tư nhỏ hưng phấn lao theo cũng là lúc đại gia tháo hàng.

Bẫy tăng giá gần đây nhất có thể thấy là phiên ngày 26/1, sau một chuỗi giảm điểm trước đó với khối lượng giao dịch thấp cùng tâm lý chán nản. Lực đánh lên xuất hiện từ đầu phiên và kéo dài đến phút cuối, đánh hệ thống gần như 80% cổ phiếu đồng loạt tăng trần, tạo cơ hội tráo hàng trước phiên đảo chiều sau đó.

Theo một môi giới, với mức điểm hiện tại ở ngưỡng 480 của VN-Index, cùng tâm lý đang chán nản của số đông nhà đầu tư hiện nay, với 10 - 15 tỷ đồng thì thừa sức “đánh lên” một mã chứng khoán cỡ nhỏ để xả hết hàng tồn, chờ nhập hàng ở mức giá thấp hơn.

Bằng các chiêu thức giữ chân khách VIP, nhiều CTCK không ngần ngại trở thành trợ thủ đắc lực cho các đại gia thao túng giá, thông qua các dịch vụ: đặt lệnh hộ, rút ngắn T+,… góp phần thao túng thị trường đổi lại những khoản hoa hồng ngoài phí giao dịch tính trên giá trị giao dịch/phiên của những khách VIP này. Nếu tính khoảng phí giao dịch từ  0,25% đến 0,35% cộng với khoảng "lại quả" từ 0,3% đến 0,4%, như vậy với mỗi "vụ", các CTCK sẽ thu được khoảng 0,5% đến 0,8% giá trị giao dịch. Nguồn lợi mà các công ty chứng khoán thu được cũng không nhỏ dựa trên giá trị giao dịch của các đại gia phải tính đến con số chục tỷ đồng.

Tuy đã có văn bản “tuýt còi” một vài CTCK vi phạm trong thời gian qua, nhưng UBCK vẫn chưa có quy định cụ thể, vô hình trung khuyến khích các CTCK xé rào, cạnh tranh không lành mạnh, góp phần làm tăng tính rủi ro của thị trường chứng khoán.


Theo: Stockbiz