3 yếu tố giúp TTCK hấp dẫn hơn

Thứ tư, 20/1/2010 | 14:56 GMT+7

Để thị trường chứng khoán có sức hút với NĐT nước ngoài cần hội đủ 3 yếu tố: tính hiệu quả; tính minh bạch; và tính ổn định của thị trường.

Tại buổi Họp báo công bố Chương trình “Lessons from Change” (các bài học rút ra từ khủng hoảng) diễn ra chiều 19/01/2010 do Công ty Ernst & Young Việt Nam tổ chức, hai Đồng Chủ tịch Ernst & Young khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ông David Tak – Kei Sun, ông Jim Hassett và ông Trần Đình Cường – Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam đã trao đổi với các phóng viên Việt Nam về những vấn đề liên quan đến Việt Nam.

 *Ông có lời khuyên gì đối với Việt Nam làm thế nào để thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài?

Ông David Tak – Kei Sun:  Không riêng gì thị trường chứng khoán Việt Nam mà tất cả các thị trường khác trên thế giới cần phải hội tụ đủ 3 yếu tố để đảm bảo trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Đó là tính hiệu quả; tính minh bạch; và tính ổn định của thị trường.

Tính hiệu quả được quyết định bởi nền tảng của thị trường như nền tảng công nghệ, thông tin, hệ thống thanh toán, hệ thống lưu ký…

Về tính minh bạch của thị trường, ở đây có hai khía cạnh. Thứ nhất, về giác độ thị trường cần có sự minh bạch trong việc công bố về giá cũng như kết quả giao dịch. Thứ hai là về phía các doanh nghiệp niêm yết, họ phải đảm bảo có hệ thống công bố thông tin; kế toán; tài chính minh bạch và kịp thời. Chúng tôi rất ủng hộ Chính phủ Việt Nam và các cơ quan hữu quan trong thời gian tới sẽ có các biện pháp để đưa các chuẩn mực kế toán tài chính của Việt Nam gần gũi và thống nhất hơn đối với các chuẩn mực quốc tế.

 Với kinh nghiệm chúng tôi thấy được từ các thị trường khác, vấn đề cải thiện quản trị công ty cũng là một yếu tố rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của thị trường. Việt Nam cũng đang có những bước đi rất tích cực để nâng cao hiệu quả quản trị của các DN.

 Về tính ổn định của thị trường, rõ ràng thị trường chứng khoán cần phải được điều tiết bởi một loạt những quy định rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt, thị trường cần phải đảm bảo tính “có thể đoán trước”. Các cơ quan quản lý cũng cần có những biện pháp để đối phó với những rủi ro dễ gây đổ vỡ trên thị trường.

*Ernst & Young đánh giá thế nào về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trong năm 2010? Đâu là thách thức lớn nhất Việt Nam sẽ phải đối mặt để đạt được mục tiêu này?

Ông Trần Đình Cường:  Chúng tôi tin Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2010 với những triển vọng tích cực. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là cần phải cải thiện về cơ sở hạ tầng; cải thiện về cán cân thương mại trong xuất nhập khẩu theo hướng tăng dần kim ngạch xuất khẩu; bình ổn tỷ giá hối đoái; nâng cao tính hiệu quả của các DN Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả trong chi tiêu công để giảm nguy cơ lạm phát.

Ngoài ra, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác như: thâm hụt ngân sách nhà nước ngày càng tăng, tình trạng bong bóng của thị trường bất động sản, biến động của thị trường chứng khoán, sự thu hẹp của FDI… chưa kể đến việc kinh tế toàn cầu sẽ mất thêm 1 – 2 năm nữa để phục hồi.

 Hiện nay vẫn còn có những ý kiến lo ngại rằng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chưa thực sự qua đi. Điều đó có nghĩa cuộc khủng hoảng lần này đi theo mô hình chữ “W” và sẽ lại chạm đáy trong năm 2010. Ernst & Young có bình luận gì về điều này?

Ông Jim Hassett:  Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc có xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mới hay không. Nhưng riêng khu vực châu Á thì chúng tôi tin tưởng rằng khu vực châu Á đang làm tốt hơn các khu vực khác trên thế giới. Chính phủ của các nước châu Á đã điều hành nền kinh tế của mình thoát khỏi suy thoái sớm hơn và đạt tốc độ tăng trưởng GDP tốt hơn nhiều so với các nước phát triển khu vực Âu Mỹ. Với những dấu hiệu mà chúng ta đang thấy, rõ ràng nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục và sự hồi phục này sẽ còn tiếp tục kéo dài.

 Ông David Tak – Kei Sun:  Gói kích cầu của các Chính phủ đã giúp phục hồi nền kinh tế nhưng cũng tạo ra những áp lực về giá cả đối với thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản…Nhìn chung nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn yếu và chưa phục hồi mạnh. Tuy nhiên châu Á đã và đang làm rất tốt nên tôi nghĩ triển vọng của châu Á sẽ sáng sủa hơn.

 *Cuộc khủng hoảng đã đặt ra nhu cầu cần thiết của việc tái cấu trúc các doanh nghiệp để đáp ứng được những đòi hỏi sau khủng hoảng?

Ông David Tak – Kei Sun:  Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Trung Quốc, tôi thấy rằng nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng. Trong những năm qua Chính phủ đã đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế để đạt được hiệu quả cao hơn. Tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam đã và đang đi đúng hướng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế để giúp cho các DN Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn không chỉ trong khu vực mà còn trên thị trường thế giới.

Để tiến hành tái cấu trúc DN, thông thường phải mất 4 giai đoạn để DN có thể cạnh tranh cao hơn. Trong 4 giai đoạn đó, giai đoạn đầu tiên là tái cấu trúc, trong quá trình này các DN thường phải cắt bỏ những mảng, bộ phận không mang lại hiệu quả cho hoạt động của DN. Tuy nhiên, đối với Chinh phủ thì đây là một thách thức không nhỏ bởi bên cạnh tính hiệu quả của nền kinh tế còn là việc bảo vệ người lao động nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

 Giai đoạn thứ hai là giai đoạn sắp xếp lại từ một DN mới sẽ tạo ra một pháp nhân mới. Trong quá trình sắp xếp lại như vậy thường phải thực hiện những công tác định giá, thậm chí phải sửa đổi hoặc đề ra những quy định mới về Luật Doanh nghiệp và xác định được cổ đông chiến lược của DN.

 Giai đoạn thứ ba, phải công bố thông tin về DN mới trong bản cáo bạch, trong đó mô tả về hoạt động SXKD và tình hình tài chính của DN đó.

 Giai đoạn thứ tư là giai đoạn thu hút vốn, các công ty đại chúng thường chọn phương thức phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu để đạt được mục tiêu này.

 

*Xin cảm ơn các ông!

 

Theo: InfoTv.vn