Những biện pháp cụ thể, quyết liệt đã thực sự tạo ra chuyển biến sâu sắc trong hoạt động kinh doanh viễn thông của Chi nhánh. Trước hết, CBCNV làm công tác kinh doanh viễn thông nhất thiết phải thông qua 1 khoá đào tạo hoặc huấn luyện tại chỗ, nhằm nắm bắt kiến thức cơ bản về kỹ thuật máy, cách sử dụng các loại thiết bị đầu cuối và các kỹ năng giao tiếp với khách hàng. Công tác đào tạo cũng được quan tâm đến tận các đại lý điện thoại vệ tinh để có cùng tiếng nói và mục tiêu thi đua chung.
Lắng nghe ý kiến của khách hàng, Chi nhánh điện Phù Mỹ đã tách riêng phòng trưng bày bán hàng và phòng hướng dẫn giải quyết khiếu nại. Chỉ tiêu thi đua đề ra cho các đội công tác là phát triển khách hàng mới, gắn với giữ vững niềm tin của khách hàng cũ không để rời mạng vì bất cứ sự phiền lòng nào. Do đó, đội ngũ các thu ngân viên, ghi chỉ số, sửa chữa điện cũng là những tuyên truyền viên tích cực, gắn tuyên truyền với khuyến mãi và chăm sóc tận tình đến khách hàng đã tạo ra mối thiện cảm cần thiết trong kinh doanh. Với phương cách đó, 11 tháng đầu năm 2008, Chi nhánh điện Phù Mỹ đã phát triển thêm được 1.803 thuê bao mới, nâng tổng số khách hàng viễn thông của Chi nhánh Phù Mỹ lên gần 6.000 khách hàng. Trong đó riêng E-Com có 4.204 khách hàng. Trên địa bàn đã xây dựng và đưa vào vận hành 5 BTS viễn thông điện lực. Tuy nhiên, tình hình phủ sóng còn yếu, 2 xã Mỹ Ðức và Mỹ An chưa bắt được sóng.
Riêng đối với công tác thu cước viễn thông, xuất phát từ đặc thù là 1 huyện thuần nông, Phù Mỹ có địa giới trải dọc theo quốc lộ 1A dài nhất, địa hình lại đa dạng có đủ cả miền núi, đồng bằng và dân cư ven biển. Các vùng nông thôn dân cư thưa thớt bị chia cắt bởi những cánh đồng, những bãi ngang cát biển, việc thu cước viễn thông thật không dễ dàng gì. Với mục tiêu phải chiếm được cảm tình của khách hàng, tăng thiện cảm về EVNTelecom cho khách hàng sau mỗi lần trả cước, Công đoàn, Ðoàn thanh niên Chi nhánh đã cùng “vào cuộc”. Chi nhánh đã thành lập “Nhóm xử lý nợ khó đòi” để hỗ trợ cho các đại lý giải quyết các trường hợp khách hàng nợ trong nhiều tháng liền và các khoản nợ từ năm trước. Nhóm này có sự hỗ trợ của các HTX dịch vụ điện trên địa bàn và UBND xã, tạo ra “mặt trận” có uy lực thật sự. Ðã có 3 trường hợp nhờ đến sự hỗ trợ của Toà án Huyện đối với khách hàng có số tiền nợ khó đòi trên 5 triệu đồng. Kết quả thật bất ngờ, sau khi có “trát gọi” của Toà án, 2 “tổ đặc nhiệm” khác do Bùi Văn Thành - cán bộ kinh doanh và Hà Văn Thiết - phụ trách Viễn thông Chi nhánh làm tổ trưởng đã toả ra tác nghiệp trên khắp địa bàn trong đội hình “4 Mô-tô” của mình. Lực lượng này, với danh nghĩa “đi thăm” khách hàng, tìm hiểu những nguyện vọng và hướng dẫn, giải đáp thắc mắc tại chỗ cho khách hàng khi dùng điện thoại ngành Ðiện, “sẵn dịp” nhận tiền cước điện thoại mà khách hàng gửi luôn. Mô hình “sẵn dịp” đó đã đưa khách hàng tiếp cận với Viễn thông điện lực một cách bất ngờ, bởi qua cách giao tiếp, đã chiếm được cảm tình của khách hàng cũ, chinh phục được khách hàng mới và “một công đôi việc”, công tác thu cước viễn thông của Chi nhánh điện phù Mỹ đạt kết khả quan nhất trong toàn Ðiện lực.
Trước mắt dù vẫn còn không ít khó khăn, song những gì Chi nhánh điện Phù Mỹ làm được đã chứng tỏ 1 điều: Khi đã có biện pháp tốt, quyết tâm cao thì sẽ không còn nhiều khoảng cách giữa mục tiêu và hiện thực.
Theo Tạp chí Điện lực