Phóng sự

Chìa khóa cho động lực phát triển kinh tế

Thứ sáu, 29/7/2022 | 09:12 GMT+7
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn thủy điện khá dồi dào, với khoảng ba ngàn con sông, phân bố khắp đất nước. Tổng lượng nước mặt hàng năm khoảng 830 - 860 tỷ m3. 

Nhà máy thủy điện Thác Bà được hoàn thành năm 1971 (công suất 120 MW). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tiềm năng kinh tế - kỹ thuật - môi trường về thuỷ điện Việt Nam được đánh giá khoảng 100 tỷ kWh. Đến nay, đã khai thác trên 80% tiềm năng, năm 2017, năm điển hình, thủy điện đóng góp trên 40% tổng lượng điện sản xuất, với tổng sản lượng 86,4 tỷ kWh, góp phần to lớn cho phát triển đất nước; đến 2020, sản lượng điện năng thủy điện đóng góp trên 30% và 6 tháng đầu năm 2022, đóng góp 133,11 tỷ kWh chiếm 31,2%  tổng lượng điện sản xuất. Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, sạch và rẻ hơn điện than và điện khí, được coi như là một chìa khóa mấu chốt cho động lực phát triển kinh tế quốc gia.
 
Nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia
 
Thủy điện Việt Nam một thời gian dài giữ vị trí quan trọng trong hệ thống điện, nhưng nay và thời gian tới, nhiều nguồn mới được bổ sung như năng lượng tái tạo, nhiệt điện khí, có thể cả điện hạt nhân... tỷ trọng thủy điện sẽ giảm nhiều. Tuy nhiên, với đặc điểm của nó, ngoài cung cấp điện, còn điều tiết lũ, đảm bảo môi trường sinh thái, đặc biệt đảm bảo an ninh nguồn nước. Việc duy trì và sử dụng hiệu quả thủy điện đã có và sẽ xây dựng là đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Việt Nam đang chú trọng làm tốt công tác quản trị đối với hệ thống thủy điện, đảm bảo hiệu quả tổng hợp lâu dài.
 
Hiện nay, thủy điện là nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia. Các công trình thuỷ điện đã khai thác được khoảng 17.493 MW, chiếm 22,39% tổng công suất lắp máy của toàn hệ thống điện quốc gia (khoảng 78.212 MW). Lượng nước sử dụng để phát điện từ dung tích hữu ích của các hồ chứa thuỷ điện khoảng 14 tỷ m3.
 
Nếu xét về điện lượng từ thủy điện được phát trên hệ thống điện quốc gia, thì năm 1990, khi nguồn điện còn hết sức hạn chế, tổng sản lượng điện của hệ thống đạt khoảng 8,7 tỷ kWh, thủy điện đóng góp 5,4 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 62%. Đến năm 2000, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 27,04 tỷ kWh thì thủy điện cung cấp đến 14,537 tỷ kWh (chiếm tỷ trọng 54%). Tính đến cuối năm 2019 tổng công suất của toàn hệ thống đạt khoảng 56.000 MW, trong đó tổng công suất của thủy điện đạt 21.000 MW, chiếm tỷ lệ 37% so với cơ cấu nguồn điện toàn hệ thống. 
 

Nhà máy thủy điện Hòa Bình xây dựng năm 1979 gồm 8 tổ máy với tổng công suất 1.920 MW. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Giai đoạn 2010 – 2020, điện thương phẩm tăng trưởng với tốc độ cao, từ 85,4 tỷ kWh năm 2010 lên khoảng 217 kWh vào năm 2020; tốc độ tăng trưởng bình quân 9,77%/năm, gấp khoảng 1,6 lần so với tăng trưởng GDP. 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 133,11 tỷ kWh, tăng 3,8% so với cùng kỳ, trong đó, sản lượng thủy điện huy động đạt 41,58 tỷ kWh, chiếm 31,2%. 
 
Qua một vài con số nêu trên để nói lên rằng, tuy đã có nhiều thay đổi về cơ cấu nguồn điện và đa dạng hóa thành phần cung cấp nguồn điện, nhưng nguồn thủy điện vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp điện cho hệ thống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, thì thủy điện trong cơ cấu nguồn điện sẽ giảm dần theo thời gian, chiếm 18% (đến năm 2030) và 9% (vào năm 2045). Đương nhiên, xu thế này là tất yếu vì nguồn thủy điện chúng ta đã khai thác tới hạn (cụ thể các nhà máy thủy điện có công suất từ 50 MW trở lên cơ bản đã được xây dựng và đưa vào vận hành, khoảng 500 công trình thủy điện nhỏ có quy mô công suất từ 1 - 30 MW đã đưa vào vận hành và đang xây dựng với tổng công suất khoảng 5700 MW, chỉ còn một số các công trình thủy điện nhỏ đang tiếp tục được nghiên cứu để phát triển nhưng tổng công suất đặt không lớn) và để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao thì ngoài nhiệt điện than và nhiệt điện khí thì điện gió, điện mặt trời đang được phát triển mạnh. 

Đưa các cháu đến nhà trẻ thuộc điểm tái định cư thủy điện Sơn La (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến nay công suất các nguồn điện hiện có trong hệ thống đã lên tới 78.121MW, trong đó, riêng công suất của điện mặt trời các loại là 13.030 MW, chiếm 21,21%. Như vậy, chỉ riêng năm 2020 công suất điện mặt trời đã tăng gấp 3 lần so với đến thời điểm cuối năm 2019, vượt xa tỷ lệ trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII là 14% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045 trong cơ cấu nguồn điện của toàn hệ thống. Tuy nhiên, các nhà máy điện mặt trời lại không thể phát công suất khi không có ánh sáng mặt trời, các tua bin gió không thể quay khi không có gió, làm thiếu hụt một lượng lớn công suất trên lưới điện quốc gia, vì thế, với đặc điểm linh hoạt trong vận hành, vai trò thủy điện trong việc phủ đỉnh phụ tải vẫn là thế mạnh không thể thay thế được so với các nguồn điện khác. Như vậy, nhiệm vụ phát điện của thủy điện trong hệ thống điện quốc gia từ chỗ tham gia chạy đáy, chạy lưng và phủ đỉnh trong biểu đồ phụ tải thì nay đang được chuyển dịch dần sang chế độ phủ đỉnh.
 
Để tăng thêm nguồn thủy điện phủ đỉnh hiệu quả, EVN đã nghiên cứu lập quy hoạch thủy điện tích năng và xem xét mở rộng công suất một số nhà máy thủy điện có hồ chứa điều tiết nhiều năm như: Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Yaly, Thủy điện Trị An... 
 
Góp phần quan trọng phát triển cơ sở hạ tầng và ổn định hệ thống

Các kỹ sư Công ty Thuỷ điện Đồng Nai (EVNGENCO1) kiểm tra an toàn hồ, đập thuỷ điện Đồng Nai 3. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Nguồn thu từ sản xuất điện còn cho phép tài trợ cho các nhu cầu hạ tầng cơ sở cơ bản khác, cũng như để xoá đói giảm nghèo cho những người dân bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng thuỷ điện và cộng đồng dân cư nói chung.
 
Thuỷ điện còn có tiềm năng rất lớn trong việc cải thiện công bằng xã hội trong suốt thời gian dự án được triển khai và quản lý theo cách thức đẩy mạnh sự công bằng giữa các thế hệ hiện tại và tương lai, giữa các cộng đồng bản địa và trong khu vực, giữa các nhóm bị thiệt hại và toàn xã hội nói chung. Do chi phí đầu tư ban đầu cao cho các nhà máy thủy điện đã được các thế hệ hiện tại trang trải, nên các thế hệ tương lai sẽ nhận được nguồn điện trong thời gian dài với chi phí bảo trì rất thấp.
 
Doanh thu của các nhà máy thủy điện thường "gánh thêm" phần chí phí cho các ngành sử dụng nước khác như: Nước sinh hoạt, tưới và chống lũ, do vậy nó trở thành công cụ để chia sẻ nguồn tài nguyên chung một cách công bằng.
 
Các dự án thuỷ điện còn có thể là một công cụ để thúc đẩy sự công bằng giữa các nhóm người bị thiệt hại và toàn xã hội nói chung, khi thực hiện cả những chương trình di dân và tái định cư được quản lý tốt dẫn đến một sự chia sẻ lợi nhuận để bảo đảm rằng những người bị thiệt hại sẽ có cuộc sống tốt hơn sau khi dự án hoàn thành so với trước kia.
 

Đập chính và hồ chứa nước công trình thủy điện Hàm Thuận (DHD). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Các nhà máy thủy điện đã được xây dựng và đưa vào vận hành đã đóng vai trò to lớn trong việc cung cấp nguồn năng lượng cho hệ thống điện và là 1 trong 3 nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện cả nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng còn khó khăn như Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, do giá thành của thủy điện rẻ, điều tiết hợp lý giá điện, tạo ra nhiều công việc và thu nhập cho lực lượng lao động trên cả nước, đóng góp đáng kể cho ngân sách... Khi xu thế phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió là tất yếu để thay thế dần năng lượng hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính thì vai trò của thủy điện phủ đỉnh là vô cùng quan trọng: Dự phòng công suất phát, giúp ổn định hệ thống, điều chỉnh tần số, là công cụ giúp điều độ hệ thống điện quốc gia vận hành ổn định, an toàn tin cậy.
 
Theo kế hoạch phát triển nguồn điện (dự thảo Quy hoạch Điện VIII), tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng nguồn thủy điện có xu hướng giảm dần. Đến năm 2045, công suất nguồn thủy điện sẽ đạt khoảng 36.000 MW, thủy điện tích năng và pin lưu trữ khoảng 30.000 MW. Trong khi đó nguồn NLTT sẽ đạt khoảng 208.000 MW vào năm 2045.

Phát triển chăn nuôi tại điểm tái định cư thủy điện Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Chế độ làm việc của Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) phụ thuộc vào nguồn nước đến, mức độ phụ thuộc tùy vào khả năng điều tiết của hồ chứa. Chi phí vận hành của thủy điện ít hơn nhiều so với nhiệt điện, do đó, giá thành sản xuất thấp (thấp nhất trong các nguồn điện ở Việt Nam), góp phần giảm giá thành phát điện của hệ thống. Đặc điểm quan trọng của thủy điện là thiết bị có tính linh hoạt cao (cao nhất trong hệ thống điện hiện tại), với khả năng khởi động/ngừng máy trong thời gian ngắn (khoảng 5-8 phút), tốc độ thay đổi công suất nhanh (50%/phút), dải điều chỉnh rộng và không kèm tổn thất. Đây là ưu điểm nổi bật của thủy điện, cho phép thủy điện dễ dàng tham gia phủ đỉnh phụ tải: đảm nhận phụ tải thay đổi, tham gia điều tần, dự phòng nóng công suất đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định, tin cậy và an toàn.
 
Trước đây, vai trò của thủy điện trong hệ thống điện tham gia đảm nhận cả phần phụ tải đáy, thân và đỉnh của biểu đồ phụ tải. Ngày nay, khi hệ thống điện tích hợp tỷ trọng của nguồn NLTT ngày càng tăng, với ưu điểm rất linh hoạt trong vận hành, vài trò của thủy điện trong việc phủ đỉnh phụ tải chính là thế mạnh vượt trội so với các nguồn điện khác.
 
Hệ thống điện nước ta tuy đã có thay đổi nhiều về cơ cấu nguồn và đa dạng hóa các nguồn cung nhưng nguồn thủy điện vẫn hết sức quan trọng trong việc cung cấp điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, các NMTĐ vẫn đóng vai trò quan trọng trong ổn định hệ thống, điều tiết lũ, đảm bảo an ninh nguồn nước, môi trường sinh thái. Khi nguồn hệ thống điện tích hợp nguồn NLTT ngày càng tăng thì vai trò của nguồn thủy điện lại càng trở nên quan trọng hơn, giúp cho hệ thống điện vận hành ổn định, tin cậy và an toàn. Đồng thời góp phần thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm thiểu các nguồn điện phát thải CO2 và thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Phát triển thủy điện và NLTT chính là phát huy và tận dụng tiềm năng sẵn có của đất nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, nhất là khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra từ ngày 24-2-2022 đã đẩy giá dầu và khí lên cao, qua đó cho thấy vấn đề an ninh năng lượng càng nên được đặc biệt quan tâm hơn.
 
Trước năm 1975, Việt Nam mới có 2 nhà máy thủy điện (NMTĐ) được xây dựng là Thác Bà và Đa Nhim. Sau năm 1975, để đáp ứng nhu cầu điện của niền kinh tế quốc dân, Việt Nam chủ trương tích cực phát triển thủy điện. Đến năm 1994 có 4 NMTĐ lớn Thác Bà (120 MW), Đa Nhim (160 MW), Trị An (400 MW) và Hòa Bình (1920 MW) và một số thủy điện nhỏ như Đrây H’linh (12 MW), Thủy điện Vĩnh Sơn (66 MW). 
 
Đến năm 2015, tức 25 sau, thủy điện của Việt Nam đã đạt được tiêu chí ấn tượng với tổng công suất đặt là 15.993 MW chiếm 41,50% tổng công suất đặt của toàn quốc (38.537 MW) và điện năng là 56,113 tỷ kWh chiếm 34,15% sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn quốc (164,312 tỷ kWh) . Trong đó, phải kể đến các NMTĐ lớn như: Sơn La (2400 MW), Ialy (720 MW), Sê San 3 (260 MW), Hàm Thuận – Đa Mi (475 MW), Tuyên Quang (342 MW), Bản Vẽ (320 MW), Bản Chát (220 MW)... 
 
Thanh Mai