Sự kiện

Chủ động hạn chế thiếu điện năm 2008: Tăng cường công tác điều hành, đẩy mạnh tiết kiệm điện

Thứ năm, 25/10/2007 | 00:00 GMT+7
Trong chuyến thăm và làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh yêu cầu ngành điện phải đi đầu trong tăng trưởng sản xuất: “Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển. Vì vậy, mỗi bộ ngành, đặc biệt là các ngành kinh tế trọng điểm như ngành điện càng phải nỗ lực hơn. Không thể vì thiếu điện mà chúng ta bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư và phát triển kinh tế”.

                              

Năm 2007, dự báo tổng sản lượng điện sản xuất vào khoảng 67,1 tỷ kWh (sản lượng điện thương phẩm 58,1 tỷ kWh). Đến hết tháng 9, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 43,3 tỷ kWh, bằng 74,4% kế hoạch và tăng 13,52% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, do lường trước khả năng hệ thống điện thiếu công suất, EVN đã tăng mạnh lượng điện mua ngoài lên tới 12,9 tỷ kWh, tăng 43,8% so với cùng kỳ.

Giữ vững tiến độ nguồn điện    

“Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan và nỗ lực của cán bộ công nhân viên ngành điện, thời điểm được đánh giá là khó khăn nhất của mùa khô năm 2007 đã qua, EVN đã cơ bản đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội”, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết.

Thành công này được coi là ngoài kỳ vọng của nhiều chuyên gia ngành năng lượng, khi có dự báo cho rằng lượng điện thiếu hụt của cả năm 2007 có thể lên tới 6,6 tỷ kWh. Đỉnh điểm nhất là vào mùa khô, khi EVN đã phải đương đầu với hàng loạt thách thức, nhất là việc nhiều nguồn điện chậm tiến độ đưa vào vận hành hoặc gặp trục trặc kỹ thuật khi mới đưa vào vận hành, gặp sự cố phải ngừng phát điện trong nhiều ngày: Uông Bí mở rộng 1, tuốc bin khí Cà Mau, Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3; đồng thời thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng phát điện của các NM thủy điện (hồ Thác Bà, Hòa Bình có lượng nước về hồ ít nhất trong vòng 100 năm; hồ Ialy chỉ đạt 19% so với năm 2006..).

“Việc hạn chế đến thấp nhất mức độ thiếu hụt điện năng trong thời gian vừa qua chủ yếu là do khâu chỉ đạo điều hành đã được EVN tập trung ngay từ đầu năm, có kế hoạch cụ thể với từng nhà máy, từng công ty điện lực”, một cán bộ của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) nhận định.

Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng điện năng trong quý IV/2007 sẽ đạt trên 16%. Để đáp ứng yêu cầu này, EVN cho biết sẽ tích cực triển khai đồng loạt các giải pháp như: khai thác tối ưu các nhà máy thủy điện đồng thời chuẩn bị tích nước cho mùa khô năm 2008; tăng cường lượng điện mua từ Trung Quốc qua các đường dây 110 kV và 220 kV; đôn đốc các nhà máy mới như Uông Bí mở rộng, Cà Mau, Quảng Trị… vào vận hành ổn định; tính toán xả nước hồ Pleikrông để tăng hiệu quả khai thác của NM thủy điện Ialy, Sê San 3 và Sê San 3A; đồng thời tích cực thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện.

Bộ Công Thương dự báo sản lượng điện sản xuất năm 2008 là 77,17 tỷ kWh. Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể thành hiện thực nếu các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành phải đạt đúng tiến độ đã định: tổ máy 2 và 3 của NM thủy điện Tuyên Quang vào tháng 1 và tháng 6, tổ máy 1 và 2 NM thủy điện A Vương (tháng 3 và tháng 6), thủy điện Bản Vẽ (tháng 6), tuốc bin khí hỗn hợp Nhơn Trạch 1 (tháng 6), tổ máy số 1 và 2 tuốc bin khí hỗn hợp Ô Môn III phần chu trình đơn (tháng 6 và tháng 10), tuốc bin khí hỗn hợp Cà Mau 2 (tháng 3), tổ máy số 1 và 3 thủy điện Buôn Kuốp (tháng 6 và tháng 10), NM nhiệt điện than Sơn Động (tháng 6 và tháng 12); đồng thời nâng tổng sản lượng điện mua từ Trung Quốc lên trên 2,9 tỷ kWh, đưa tỷ lệ tổn thất điện năng xuống dưới 11%...             

Đẩy mạnh tiết kiệm điện

Sau khi có Quyết định 79/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (với mục tiêu tiết kiệm 3 – 5% tổng mức tiêu thụ điện năng giai đoạn 2006 – 2010, 5 – 8% giai đoạn 2011 – 2015), hầu hết các ngành, các địa phương đã vào cuộc. Mục tiêu tiết kiệm 440 triệu kWh điện trong năm 2007 nhận được sự phối hợp, ủng hộ của nhiều doanh nghiệp sản xuất và khối cơ quan hành chính sự nghiệp, được EVN đánh giá là một trong những biện pháp vừa mang tính cấp thiết đối với năm 2008 sắp tới, vừa mang tính lâu dài trong “cuộc chiến chống thiếu điện”.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho rằng, sự ủng hộ này có được là do khách hàng thấy được lợi ích thiết thực của mình, đặc biệt là từ tiết kiệm điện chiếu sáng. Công ty dệt may HN đã thay thế toàn bộ 14.000 đèn tuýp béo loại 40W bằng đèn tuýp gầy T8 (36 W) và chấn lưu điện tử của Rạng Đông đã tiết kiệm được 760.000 kWh điện, tức là giảm được khoảng 800 triệu đồng tiền điện/năm, trong khi độ sáng trên bàn máy lại tăng 20%; Sở Công nghiệp Hà Nội thay thế toàn bộ bằng đèn tuýp gầyT836 W và chấn lưu điện tử Rạng Đông đã giảm được 23% điện năng tiêu thụ, trong khi độ sáng trung bình tăng 38%...

Đây là hai ví dụ điển hình được giới thiệu trong Chương trình quảng bá đèn tuýp gầy và chấn lưu điện tử (nằm trong Dự án quản lý nhu cầu (DSM) giai đoạn 2 do EVN thực hiện với sự tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu thông qua Ngân hàng thế giới), có mục tiêu nhằm chuyển đổi thị trường đèn ống huỳnh quang và chấn lưu sắt từ thông thường sang đèn ống huỳnh quang gầy (T8, T5) và chấn lưu tiết kiệm điện năng. Chương trình đã chọn 4 nhà sản xuất đèn tuýp gầy hàng đầu hiện nay tại Việt Nam cùng đồng hành là Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Điện Quang, Osram và Philips. Theo đó, thay thế đèn tuýp béo T10 và chấn lưu sắt từ bằng đèn tuýp gầy T8, T5 kết hợp với chấn lưu điện tử có thể giúp tiết kiệm được tới 30% điện năng thắp sáng, chất lượng ánh sáng ổn định và tăng 20% độ sáng. “Nếu một gia đình sử dụng trung bình 5 đèn tuýp gầy cùng chấn lưu điện tử, thì trong vòng 3 năm trung bình tuổi thọ của đèn, có thể tiết kiệm tới 482 nghìn đồng tiền điện”, ông Thăng cho biết.

Đầu tháng 10 này, EVN cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình quảng bá đèn compact giai đoạn 2007-2010 với mục tiêu tiêu thụ 5 triệu đèn compact, góp phần làm giảm 131 MW công suất đỉnh của hệ thống điện tại đầu nguồn, tiết kiệm được 200 triệu kWh điện/năm và 600 triệu kWh trong 3 năm tuổi thọ đèn, đồng thời đưa số lượng bóng đèn tròn sản xuất tiêu thụ trên thị trường sẽ giảm xuống chỉ còn 10 triệu bóng vào năm 2010 thay vì mức 50 triệu bóng như hiện nay. Theo chương trình này, từ tháng 11 tới, thông qua đại lý các "compact điện lực" là các công ty điện lực và đại lý bán đèn địa phương, khách hàng có thể mua đèn chất lượng của các hãng Rạng Đông, Điện Quang, Phillips... với giá bán rẻ hơn giá thị trường ít nhất 10%, được hưởng chế độ bảo hành 12 tháng (trong thời gian bảo hành, khách hàng có đèn hỏng sẽ được đổi đèn mới cùng chủng loại tại bất kỳ điểm bán nào trong tổng số 1.000 điểm bán của hệ thống phân phối "compact Điện lực"); nhân viên bán hàng chuyên nghiệp "compact Điện lực" sẽ tư vấn và trả lời mọi thắc mắc của khách hàng liên quan đến việc sử dụng điện và các thiết bị điện tiết kiệm, hiệu quả…

Diễn biến thời tiết năm 2008 có thể ảnh hưởng đến tiến độ của các công trình nguồn điện. Chính vì vậy, biện pháp chủ động nhất để hạn chế thiếu điện vẫn là tăng cường tuyên truyền, thực hiện tiết kiệm điện.

Minh Đức