Phóng sự

Bài III: Từ năm 2008 đến nay: CHUYỂN ĐỔI SỐ BẮT NHỊP CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

Thứ bảy, 1/7/2023 | 17:25 GMT+7
Trong giai đoạn từ năm 2008 – 2019, hoàn thành đóng điện các công trình 500kV, tạo thành hệ thống lưới điện 500kV đấu nối các nhà máy điện và các mạch vòng, đảm bảo cấp điện cho các thành phố lớn, các khu vực trọng điểm kinh tế, như mạch vòng 500kV: Phú Mỹ - Sông Mây – Tân Định – Phú Lâm – Nhà Bè – Phú Mỹ; Sơn La – Hiệp Hòa – Quảng Ninh – Thường Tín – Nho Quan – Hòa Bình – Sơn La. Đặc biệt, 2 mạch đường dây 500kV Bắc – Nam đã được đầu tư nâng dung lượng tụ bù dọc để tăng cường khả năng tải, vì vậy, công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây 500kV Bắc – Nam có thể lên tới 2.300MW, với sản lượng truyền tải đạt trên 12 tỷ kWh/năm.

Tháng 3-2009, đóng điện đường dây 220kV Châu Đốc - Tịnh Biên - Takeo cấp điện cho Campuchia. Đây là đường dây có công suất truyền tải 200MW, lớn nhất vào thời điểm này, truyền tải với sản lượng từ 900 triệu đến 1,4 tỷ kWh/năm. Công trình có ý nghĩa không chỉ về kinh tế mà còn góp phần mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia; tháng 9-2010, hoàn thành các công trình lưới điện 500kV đấu nối đồng bộ Nhà máy Thủy điện Sơn La (gồm đường dây 500kV đấu nối Nhà máy Thủy điện Sơn La - Trạm biến áp 500kV Sơn La, trạm biến áp 500kV Sơn La, đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan, đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hòa, trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa) để hòa điện từ Nhà máy Thủy điện Sơn La lên lưới điện quốc gia; tháng 12-2012, đóng điện và đưa vào vận hành đường dây 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long sau hơn 12 tháng thi công, góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam và TP Hồ Chí Minh.

Sau khi cân đối cung cầu, EVN nhận thấy tình hình cung cấp điện sẽ khó khăn cho khu vực miền Nam, nhiều nơi bị mất điện cục bộ do quá tải đường truyền, đặc biệt khi nguồn khí Nam Côn Sơn và Tây Nam Bộ phải ngừng cung cấp để bảo dưỡng. Trong khi đó, một số công trình nguồn điện phía Nam chậm tiến độ sẽ gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng hơn ở khu vực này. Cùng thời điểm đó, đường dây 500kV mạch 1,2 luôn phải truyền tải công suất lớn và sản lượng cao vào phía Nam để đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đường dây 500kV mạch 3 đoạn Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đã được bổ sung vào Quy hoạch điện VII.

Đường dây 500kV mạch 3 đoạn Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông được khởi công vào tháng 10-2011, với việc phải xây dựng mới đường dây 500kV mạch kép, phân pha 4 dây/1 mạch dài 437,514 km từ trạm biến áp 500kV đến trạm biến áp 500kV Cầu Bông; mở rộng diện tích tại các trạm biến áp 500kV Pleiku và 500kV Cầu Bông, lắp thiết bị các ngăn xuất tuyến 500kV tại mỗi trạm; xây dựng mới hai trạm cáp quang đồng bộ với tuyến cáp quang trên đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và 1.092 đường dây 220kV, hai trạm biến áp 22/0,4kV - 50kVA cấp điện cho hai trạm lặp cáp quang Buôn Đôn và Bù Đăng. 

Ngày 5-5-2014, đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông chính thức được đưa vào vận hành an toàn. Việc đóng điện và đưa vào vận hành công trình trọng điểm cấp bách Đường dây 500kV mạch 3 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đúng tiến độ có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo truyền tải an toàn, ổn định từ miền Bắc vào miền Nam, kịp thời cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của toàn miền Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ngay trong mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo.

Cùng với đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, việc đưa vào vận hành kịp thời đường dây 500kV mạch 3 đoạn Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông góp phần tạo tiền đề liên kết lưới điện khu vực Đông - Tây Nam Bộ, đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng, miền trên cả nước.

Khi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thấm sâu và tỏa rộng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước, EVNNPT thực hiện các biện pháp, giải pháp áp dụng công nghệ 4.0, như: Trạm biến áp kỹ thuật số (Trạm 220kV Thủy Nguyên), chuyển các trạm biến áp 220kV sang thực hiện thao tác điều khiển từ xa từ các Trung tâm điều độ. Tính đến hết năm 2022, đã thực hiện chuyển 78% trạm biến áp 220kV sang thao tác xa, đến năm 2025 sẽ hoàn thành trạm biến áp 220kV điều khiển từ xa vận hành theo tiêu chí trạm không người trực.

Lĩnh vực quản lý vận hành trạm biếp áp được triển khai rộng rãi các giải pháp về công nghệ thông tin, điều khiển hệ thống điện nhằm mục tiêu an toàn, hiệu quả, tin cậy, linh hoạt. Các ứng dụng mới trong công tác giám sát trực tuyến tình trạng máy biến áp (ứng dụng tại các trạm 500kV Phú Lâm, Pleiku 2, Đà Nẵng, Hiệp Hòa), giám sát trực tuyến tình trạng máy cắt, biến điện áp, chống sét van được thực hiện tại trạm biến áp 500kV Pleiku 2.

Trong lĩnh vực đường dây, EVNNPT đã đưa vào ứng dụng công nghệ thiết bị bay không người lái UAV, Camera, Trí tuệ nhân tạo (AI) trong kiểm tra, giám sát và phân tích đánh giá hình ảnh phục vụ cho công tác quản lý vận hành và cả đầu tư xây dựng giúp làm tăng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, tăng năng suất lao động.

Do yêu cầu quản lý lưới điện truyền tải trên địa hình rộng lớn và phức tạp, EVNNPT đã đưa ra rất nhiều ứng dụng khảo sát, quản lý lưới điện bằng những công nghệ tiên tiến nhất như công nghệ “không ảnh”, tái tạo không gian 3D, ứng dụng GIS. Nhờ đó, công tác quản lý lưới điện đã có một bức tranh rõ ràng về không gian, địa hình, độ cao làm cơ sở cho ra những kết quả chính xác và kịp thời, giúp cho công tác quản lý lưới điện truyền tải có những thông tin cần thiết để lựa chọn phương án xử lý. Khả năng tự động và linh hoạt của những công cụ này giúp công tác quản lý và vận hành lưới điện truyền tải ở vùng địa hình khó khăn, nguy hiểm và khó tiếp cận trở nên dễ dàng hơn nhiều so với quản lý vận hành trước đây. 

Thúc đẩy chuyển đổi số trước tiên và trên hết là quá trình tạo nên sự chuyển đổi tư duy xuyên suốt từ các cấp lãnh đạo đến từng người lao động, rồi từ đó biến thành sức mạnh tập thể để bắt nhịp với xu thế vận động chung. Đây chính là những giá trị cốt lõi mà EVNNPT đã lựa chọn để xây dựng nền tảng số, góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động đổi mới, sáng tạo, làm lợi cho doanh nghiệp... 

Triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg  ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, EVN đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-EVN ngày 17-2-2021 phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi số trong tập đoàn đến năm 2022, tính đến năm 2025. Theo đó, EVN đặt mục tiêu, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và hướng tới doanh nghiệp số vào năm 2025. Trước sức ép về tiến độ và đòi hỏi của thực tế, EVNNPT quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (Ban Chỉ đạo).

Năm 2021, đã hoàn thành nâng cấp mạng và băng thông mạng WAN lõi. Đến hết năm 2022, nâng cấp mạng WAN tại các Công ty Truyền tải điện, liên tục tối ưu hoạt động của trung tâm dữ liệu chính và trung tâm dữ liệu dự phòng, đáp ứng nhu cầu truyền, lưu trữ, xử lý thông tin dữ liệu.
EVNNPT cũng xây dựng khung kiến trúc doanh nghiệp và các mô hình tham chiếu, xây dựng kho dữ liệu truyền tải điện dùng chung trên chuẩn CIM, áp dụng các quy trình quản trị công nghệ thông tin phù hợp làm nền tảng chuyển đổi số. Song song với xây dựng nền tảng số, công tác đảm bảo an toàn thông tin cũng được chú trọng, với việc triển khai mô hình bốn lớp bảo đảm an toàn thông tin trong năm 2021 và liên tục giám sát, rà soát, đánh giá an toàn thông tin các hệ thống thông tin theo các cấp độ.

Đến năm 2022, EVNNPT đã hoàn thành chín nhiệm vụ. Điều này cho phép EVNNPT có thể hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số sớm hơn kế hoạch EVN giao. Trong đó, đã hoàn thành ba nhiệm vụ chuyển đổi số quan trọng trong lĩnh vực quản lý đường dây, trạm biến áp và thí nghiệm. Nhờ đó EVNNPT sẽ thay đổi tổng thể và toàn diện về cách làm việc và phương thức tổ chức sản xuất cho gần 5.000 người lao động trực tiếp, mang lại hiệu quả cao trong việc tăng năng suất lao động ở cả ba lĩnh vực trên.

Cũng tính đến thời điểm năm 2022, EVNNPT đang vận hành 149 trạm biến áp điều khiển tích hợp bằng máy tính trong đó có một trạm biến áp 220kV tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) là trạm biến áp số 220kV đầu tiên của Việt Nam, đạt tỷ lệ 85% trên tổng số 176 trạm biến áp 500 - 220 kV. Việc chuyển 109 TBA 220 kV sang thao tác xa từ các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền đạt tỷ lệ 76% trên tổng số 142 trạm biến áp 220 kV, nhờ đó, tiết kiệm gần 600 lao động so với trạm biến áp có người trực thao tác tại chỗ; 100% dữ liệu thiết bị trên lưới truyền tải điện đã được số hóa trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, 100% dữ liệu công tơ đã được kết nối vào hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm MDMS.

Trong lĩnh vực quản lý, cùng với tiến trình chuyển đổi số quốc gia, EVNNPT đã tập trung nghiên cứu xây dựng các phần mềm Quản lý trạm biến áp, Quản lý đường dây trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Quản lý thí nghiệm, phần mềm sửa chữa bảo dưỡng thiết bị theo điều kiện vận hành (CBM), phần mềm Quản lý sửa chữa lớn, qua đó đã cơ bản hoàn thành chuyển đổi số cho công tác quản lý vận hành, đây là một bước tiến nổi bật trong việc ứng dụng KHCN trong EVNNPT.

EVNNPT được thành lập ngày 1-7-2008, với quy mô lưới truyền tải gồm 68 trạm biến áp (11 TBA 500kV, 53 TBA 220kV và 4 TBA 110kV) với tổng dung lượng 25.644MVA; 12.015km đường dây truyền tải (trong đó 7.050km đường dây 500kV, 15.978 km đường dây 220kV, 2.616 km đường dây 110kV). Sau 15 năm hệ thống truyền tải điện Quốc gia do EVNNPT đầu tư và quản lý vận hành đã phát triển nhanh và mạnh với quy mô lên tới 185 trạm biến áp (trong đó có 37 TBA 500kV và 148 TBA 220kV) với tổng dung lượng máy biến áp là 120.500 MVA; 29.425km đường dây truyền tải (trong đó có 10.466 km đường dây 500kV, 18.958 km đường dây 220kV). 

Về nhu cầu đầu tư lưới điện truyền tải đến năm 2030 theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng dung lượng trạm biến áp 500kV và 220kV cần xây mới trong giai đoạn 2021-2030 gấp khoảng 2,6 lần so với tổng dung lượng trạm biến áp đã đưa vào vận hành trong giai đoạn 2011-2020; số ki-lo-met  đường dây 500kV và 220kV cần xây dựng mới gấp khoảng 3,2 lần; nhu cầu vốn đầu tư phát triển lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 khoảng 335.049 tỷ đồng; đẩy mạnh liên kết với lưới điện ca Lào ở các tỉnh biên giới: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam ở cấp điện áp 220kV và 500kV để nhập khẩu điện từ Lào. Ngoài ra, EVNNPT sẽ nâng cấp liên kết lưới điện khu vực lên cấp điện áp 500kV tại 3 điểm Sơn La, Quảng Nam, Kon Tum để tham gia hình thành xương sống lưới điện truyền tải ASEAN Power Grid (APG) đã được lãnh đạo ASEAN thông qua từ năm 2014, hướng tới thị trường điện các nước ASEAN nằm trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.

 

Thanh Mai